Gần đây, rất nhiều người tranh luận về chuyện tự do tài chính, sống tối giản, ung dung tự tại. Đặc biệt, rất nhiều bạn trẻ, sau một thời gian phong trào FIRE (Financial Independent - Retire Early) nổi lên ở Việt Nam, cũng bắt đầu mơ mộng về con đường này.
Tự do tài chính không khó
Đầu tiên, phải khẳng định, tự do tài chính không phải là chuyện khó khăn. Kể cả khi bạn không phải thắt lưng buộc bụng, sống tiết kiệm, hạn chế các nhu cầu. Có nhiều tấm gương "tối" như vậy trên thế giới và cả ở Việt Nam. Theo công thức đơn giản mà Đại học Trinity ở Mỹ đưa ra, nếu tài khoản ngân hàng gấp 25 lần chi tiêu một năm của gia đình, coi như bạn an tâm về tài chính. Con số này đơn giản là dựa trên lãi suất tiết kiệm trung bình ở mức 4%/năm, tức là ở Việt Nam, bạn có thể chỉ cần 20 hoặc thậm chí 18 lần.
Giả sử gia đình bốn người, con cái học trường công, chi tiêu gia đình khoảng 60 triệu đồng một tháng, tương đương 720 triệu đồng một năm, thì bạn cần khoảng 14,5 tỷ đồng để không cần làm việc. Ở mức này, bạn vẫn còn dư tiền hàng năm, tích lũy cho con học Đại học sau này, có thể chỉ ở hệ liên thông với Đại học nước ngoài.
Tại sao tôi chọn cụm từ "không cần làm việc" thay vì nghỉ hưu sớm? Bởi thực chất, tôi thấy rất nhiều người có khả năng đạt con số tiết kiệm này trước tuổi 40 và họ không hề nghỉ hưu sớm.
>> Ảo tưởng 'tự do tài chính' để nghỉ hưu sớm
Nghỉ hưu sớm - ung dung tự tại không hề dễ
Lấy bản thân tôi làm ví dụ. Từ năm 37 tuổi, tôi có "một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh". Con số tiết kiệm cũng dư mức cần thiết theo cách tính trên. Một lần bất đồng với đối tác, cộng với áp lực công ty, gia đình... tôi quyết định nghỉ hưu sớm.
Tôi sống suốt một năm chỉ đọc sách self-help, đọc truyện, nghe nhạc, tập chơi nhạc cụ, vẽ tranh, tập gym và đi du lịch bất cứ khi nào vợ và các con có ngày phép... Vợ tôi vẫn đi làm và lương đủ chi tiêu gia đình. Hai con tôi đã được đóng học phí trường tư tới hết năm lớp 12 nên cũng không lo về tiền bạc. Lãi tiết kiệm từ khoản tích cóp của tôi (vợ để riêng) gần gấp đôi chi phí hàng năm, lại cộng dồn vào tái tục khoản tiết kiệm.
Thời gian khoảng hai tháng đầu, cuộc sống của gia đình tôi khá thoải mái. Nhưng vì tôi là người hướng ngoại và thâm tâm vẫn muốn khẳng định bản thân, giao du với bạn bè, đóng góp cho xã hội, nên sau hai tháng sống khác, tôi không chịu nổi. Kể từ đó, quán cà phê là nơi "đóng chốt" tám giờ một ngày của tôi. Tôi ra quán cà phê để được tận hưởng lại không khí ồn ào, nhìn ngắm mọi người nói chuyện, trao đổi chuyện kinh doanh hay các bạn sinh viên học nhóm. Tôi thậm chí còn lân la nói chuyện với nhóm này, nhóm kia ở quán, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, làm việc với họ.
Rốt cuộc tôi tự hỏi tại sao mình lại phải như vậy? Ra quán cà phê bơ vơ ngày tám tiếng, thu nhập không có một đồng. Thế là tôi quyết định đi làm công ăn lương trở lại. Hồ sơ tôi nộp ba lần, ba công ty chấp nhận nhưng không biết nên xếp tôi vào vị trí gì. Có công ty trả lời thẳng luôn là tôi vượt quá mong đợi của họ, sợ tôi sẽ không gắn bó lâu dài. Cuối cùng tôi cũng chấp nhận làm cho một công ty khá lớn, tổ chức quy củ, bài bản nhưng mức lương không cạnh tranh trên thị trường. Công việc không dùng hết năng lực của tôi, bù lại tôi hạnh phúc vì lại được đi làm, có văn phòng để đến mỗi ngày, có bạn bè đồng nghiệp để nói chuyện, chia sẻ, có vấn đề trong công việc để phải giải quyết cho... đỡ buồn.
>> Tự do tài chính tuổi 38 vì không chọn tiết kiệm
Luôn hướng tới tự do tài chính nhưng giữ mình là người có ích cho xã hội, đó mới là thứ tôi chọn lúc này. Sau một năm, giữa mùa Covid, tôi đổi qua chỗ làm mới, lương tăng hơn gấp rưỡi. Tôi vẫn làm việc ở nhà, thoải mái, linh hoạt và vẫn có thu nhập rất tốt. Giờ đây, công việc của tôi làm theo một cách nhìn khác, hoàn toàn là vì đam mê nghề nghiệp. Từ khi tốt nghiệp đại học (tôi không học thạc sỹ) tôi không hề đổi nghề, chỉ gắn chặt với nghề mình đã chọn học là Công nghệ thông tin. Ở công ty, tôi làm quản lý, xây dựng và điều hành các nhóm. Tối về, tôi có thời gian lập trình, làm course online nên cũng có thêm chút thu nhập thụ động.
Công ty tôi cũng có quy trình, giám sát, kiểm tra chéo, đánh giá 360 độ... Với tôi, bây giờ mọi chuyện đánh giá, bị đánh giá đều rất nhẹ nhàng. Đơn giản là vì tôi đã làm hết sức, cống hiến hết mình, cái gì không biết thì học hỏi, rút kinh nghiệm. Tôi không gồng mình, không màu mè, không chiêu này bài nọ để che đậy hay để đạt kết quả tốt hơn. Cũng chính vì thế nên đồng nghiệp lại càng dễ mến, dễ chơi hơn, vui hơn.
Xin nói thêm với các bạn mơ mộng đọc sách self-help rằng giá trị của chúng rất rất ít, và cũng chỉ rất ít tác giả thực sự đáng để theo dõi - nhưng với những tác giả này thì hầu hết sách của họ nên đọc. Cũng khẳng định rằng, nếu bạn là người hướng nội thì riêng khả năng thành công, đạt mức tiết kiệm 20 lần chi phí một năm đã rất khó. Nếu bạn hướng ngoại thì nên quên luôn chuyện sống thanh thản. Ngay cả chuyện du lịch cũng đừng ảo tưởng bởi chẳng mấy ai rảnh mà đi với bạn mãi đâu.
>> 30 tuổi hướng đến tự do tài chính
Kiểm trả mong muốn của bạn bằng bài test Facebook
Nếu bạn đủ tầm, tức là con số tiết kiệm của bạn hơn chục tỷ - kiếm được từ công việc chân chính, thì khả năng lớn bạn sẽ không lên Facebook khoe đồ hiệu hay đăng status hoa từ, mỹ ngữ. Nhưng có thể cái sự muốn khoe của bạn lại ở mức cao hơn là vật chất. Có thể là đi làm từ thiện, có thể là triết lý cuộc đời, có thể là hình ảnh nhận giải thưởng, ảnh chụp các buổi thuyết trình, đi sự kiện, làm giám khảo... Nếu bạn còn như vậy, tôi nghĩ bạn không sai.
Con người muốn đạt tới mức "chính quả" không phải tự nhiên mà ta thường thấy phải người có đủ độ tuổi, đủ kinh nghiệm sống, đủ chín chắn để hết muốn cạnh tranh, so sánh với đời. 30-40 thậm chí 45-50 tuổi cũng chưa chắc đạt được.
Vậy ta cứ vui tính một chút, bon chen một chút, hài hước một chút, miễn đừng quá lố và quá nhiều (kiểu ngày nào cũng post hai, ba bài). Và đương nhiên, bên cạnh những status "sân si" đó, bạn đừng gán với những thứ như ung dung tự tại, thao cao trà đạo, này nọ... Đơn giản là bạn chưa thể nghỉ hưu sớm được đâu. Và đâu có ai bắt bạn nghỉ hưu khi bạn còn có thể làm việc có ích cho xã hội.
Tuổi 30 hãy thực tế
"Tam thập nhị lập" tức 30 tuổi phải lập thân và lập nghiệp. Đừng tưởng mình khác người, thân thế đã tới mức chân tu chính quả, sự nghiệp đã đủ để tự do tự tại. Môi trường xã hội và tri thức chung của ta chưa thể so sánh với các nước phát triển. "Địa lợi, nhân hòa" đều không dễ để đạt được tự do tài chính và nghỉ hưu sớm, nên bạn hãy tỉnh táo, đừng chấm dứt sự nghiệp quá sớm để chụp mấy tấm hình "cúng" Facebook hay được vài trang mạng lăng xê.
Đến một ngày buồn chán hay đổ bệnh, bạn mới thấy gia đình và khoản tiền tiết kiệm của bản thân mới có giá trị thế nào.
>> Bạn đang hướng tới tự do tài chính thế nào? Gửi bàitại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.