"Sau khi đọc quyền 'Lối sống tối giản của người Nhật', tôi hiểu ra được nhiều thứ, cảm thấy bản thân rất phù hợp với tư tưởng này. Và hiện tại, phòng của tôi chỉ có đúng một chiếc pallet nệm (thay vì giường thì dùng pallet cho tiết kiệm), một kệ đầu giường, một máy lạnh, một kệ treo quần áo, một chiếc bàn gấp mini, một tấm tấm ván đóng tường để sách, quần áo chỉ duy trì trong khoảng 15 bộ đổ lại. Tôi thấy khá thoải mái và vẫn sẽ tiếp tục duy trì lối sống ít đồ đạc này.
Thực sự, đồ đạc, quần áo lâu không dùng tới, khi vứt đi hết rồi tôi mới thấy thực sự đúng đắn và thoải mái. Nhất là những chiếc áo, món đồ lỡ mua rồi nhưng về lại không thấy tự tin mỗi khi lôi ra mặc hoặc dùng lại. Mỗi lần mở tủ ra, nhìn thấy chúng là tôi lại thêm một lần có cảm giác tiêu cực. Tôi quyết định đem cho người khác hoặc vứt đi, nhượng lại... và thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều".
Đó là chia sẻ của độc giả Bao Dang xung quanh câu chuyện "Cô gái phải nhập viện vì lối sống tối giản kỳ quặc". Tại Nhật Bản, phong cách sống đơn giản (Danshari) có nguồn gốc từ phái Thiền Tông (Zen Buddhism). Triết lý Thiền Tông cho rằng, khi con người càng ít bị ràng buộc bởi vật chất thì đời sống tinh thần sẽ càng thanh thản và nhẹ nhàng hơn. Thực hành lối sống này, người dân đất nước Phù Tang chủ động giảm bớt đồ dùng không cần thiết để đầu tư thời gian và tâm sức vào các giá trị bền vững khác trong cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều người lại có cái nhìn lệch lạc, sai lầm về lối sống này. Cũng là một người theo phong cách sống tối giản, bạn đọc Hoa Tran nhấn mạnh: "Tôi cũng thuộc kiểu người sống tối giản vì bản thân không bao giờ mua những món đồ không cần thiết như đồ trang trí. Tôi không muốn mất thời gian để lau chùi bụi bặm và chăm sóc chúng. Quần áo tôi mặc cũng chỉ là những cái đơn giản và giống nhau nên tôi không mất thời gian chọn lựa, nhưng tôi mua cái nào là đáng giá cái đó. Đó phải là đồ thật sự tốt và thường là có thương hiệu nên khá mắc tiền. Vậy nên, không có chuyện tối giản là tiết kiệm tiền".
Chỉ ra sai lầm của không ít người khi thực hành sống tối giản, độc giả Vi Nguyen cho rằng: "Thật sự, rất nhiều người hay lầm tưởng. Có người lầm tưởng sống tối giản là phải vứt bỏ đồ đạc, phải ăn uống dè sẻn, phải chi tiêu hà tiện. Từ đó, họ làm cho người khác cứ mình ky bo, không dám xài tiền hay dùng vật dụng. Riêng tôi lại chọn sống đầy đủ nhưng không muốn phung phí. Tôi thích mua sắm nhưng không muốn mua rồi bỏ đó.
Đôi lúc đồ ăn dư thừa, bỏ thì tiếc nhưng tôi chỉ giữ lại nếu thức ăn đó ngon và chỉ giữ một phần chứ không phải thức ăn nào cũng giữ. Tóm lại, sống tối giản là biết trân quý những gì mình có, trân trọng những gì mình sở hữu vừa đủ thôi. Vậy mà đôi khi tôi còn cảm thấy mình sử dụng, chi tiêu hơi quá đà. Hy vọng mọi người hiểu đúng chứ đừng hiểu nửa vời để rồi sinh tiêu cực cho bản thân".
>> Nhiều người Việt hạ chuẩn sống để học theo sự tối giản của người Nhật
Đồng quan điểm, bạn đọc LAV nhận định: "Lối sống tối giản không phải là tối cổ. Tối giản ở đây không có nghĩa là tằn tiện quá mức đến độ kham khổ, thiếu thốn đủ đường, đó là hành xác. Tối giản phải hiểu là bạn biết phân định đâu là thứ cơ bản cần thiết cho cuộc sống của mình, những cái khác hãy thẳng tay loại bỏ. Điều đó có nghĩa là bạn vẫn đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của bản thân, khiến mình thấy thoải mái hơn chứ không phải quẳng sạch đồ đạc đi và sống như thời nguyên thủy, thiếu thốn đủ đường.
Không phủ nhận những lợi ích tích cực của lối sống này và nó đã trở thành một trào lưu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, bất cứ cái gì khi trở thành xu hướng cũng đều kéo theo những mặt trái tiêu cực. Một bộ phận người trẻ hiện nay chạy theo lối sống tối giản nhưng lại không hiểu rõ bản chất của nó, dẫn đến những tư tưởng lệch lạc, méo mó. Khi đó, những giá trị của lối sống này hoàn toàn trở nên vô nghĩa".
Khẳng định tư tưởng xem nhẹ nhu cầu của bản thân là sai lấm trong lối sống tối giản, độc giả Emily nêu ý kiến: "Thực chất, tối giản là gì? Có thực sự là phải từ bỏ cái gì đó thì mới có thể tiến đến? Tôi không nghĩ thế, theo cá nhân tôi, tối giản là kiểm soát, khống chế bản thân. Sống tối giản là khống chế bản thân trước những cám dỗ chứ không phải nhu cầu. Chúng ta không thể khước từ, xem nhẹ nhu cầu của chính mình, mà phải thỏa mãn chúng một cách khôn ngoan.
Chúng ta ăn khi thấy đói, nhưng ăn nhiều thì ngán hơn là no, cảm thấy khó chịu hơn là thỏa mãn. Vậy thì bạn phải tập cách lựa chọn trước khi hành động. Nếu ví cuộc sống như một bữa ăn, đâu phải ai sinh ra, ngày ngày đều có tiệc buffet mà lựa chọn giữa cả chục món, để cho bản thân no một cách mãn nguyện? Vậy thì đều bạn cần là tự đi mua thức ăn và xắn tay vào bếp, bạn có thể lựa chọn nguyên vật liệu theo sở thích và nhu cầu, nấu theo khẩu vị của bản thân và gia đình. Bạn có thể kiểm soát, khống chế được những thức ăn bạn nạp vào cơ thể và đương nhiên bạn sẽ có cho mình những bữa ăn hoàn hảo mà không cần đến tiệc buffet hào nhoáng, không có dư thừa, chỉ có vừa đủ.
Bản chất của tối giản chính là không để những cám dỗ vật chất vây quanh, xem nhẹ những định kiến cuộc sống, lấy nhu cầu thiết yếu của bản thân làm gốc để rồi tự biết thõa mãn, tự khắc cuộc sống của bạn sẽ trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Chỉ khi ta biết đủ và dừng thì mới cảm nhận được ý nghĩa thực sự của tối giản".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.