Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép nhập 37 toa xe cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí. Đó là 37 toa xe loại Kiha 40 và Kiha 48 được Nhật Bản sản xuất giai đoạn 1979-1982 do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) sử dụng, hiện đã ngừng khai thác.
Các toa xe có ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản. Toa xe có thể vận hành độc lập hoặc dễ ghép nối thành đoàn tàu tùy theo nhu cầu sử dụng.
Vụ việc này khiến nhiều người chú ý và bàn tán. Một số người cho rằng không nên tốn tiền nhập 37 toa này về dù rằng được cho miễn phí. Họ sợ rằng tiền vận chuyển, tiền sửa chữa để chạy được trên đường ray 1.000 mm của Việt Nam, tiền bảo dưỡng, tiền thay thế linh kiện có khi rơi vào cảnh "một tiền gà, ba tiền thóc".
Nhưng sau đó, đại diện ngành đường sắt đã giải thích rằng nếu thực hiện phương án này và tính luôn chi phí cải hoán chỉ tốn 140 tỷ đồng, lại còn sử dụng được tận 15 năm nữa. Nếu phải mua mới hoàn toàn thì cần 1.100 tỷ đồng và điều này là không thể vì ngành đường sắt đang gặp nhiều khó khăn, khi đã từng xin vay 800 tỷ đồng không lãi suất để bổ sung vào vốn hồi tháng 6 năm nay.
Những điều vừa kể trên làm tôi thấy tội nghiệp cho ngành đường sắt nước ta quá. Với vị trí địa lý đặc thù, chiều dài Bắc - Nam gần 1.700 km, chiều Đông - Tây tương đối hẹp thì rõ ràng tiềm năng ngành đường sắt vận chuyển hành khách lẫn hàng hoá là vô cùng rất lớn.
Ai cũng biết lợi thế này nhưng bao năm qua, ngành đường sắt vẫn èo uột một cách kỳ lạ, khi dường như không còn nhiều người hứng thú với đường sắt. Tốc độ tăng vận tải hành khách bình quân giai đoạn 2011-2019, ngành đường sắt giảm 3,6%.
TP HCM - Hà Nội là hai đầu tàu kinh tế của cả nước, lượng hành khách đi và đến có lẽ là đông nhất nước. Hiện tại thì tôi thấy ngành hàng không đã thắng thế về "thị phần" vận chuyển khách ở hai nơi này. Đi máy bay, nếu tính luôn thời gian di chuyển đến sân bay, làm thủ tục... thì có lẽ mất tối đa ba, bốn tiếng là cùng. Trong khi nếu đi tàu hoả, thời gian ngồi ngủ nghỉ trên tàu phải mất đến hơn 24 tiếng, cho dù mua vé tàu SE cũng không nhanh hơn là bao. Ngay cả những địa điểm du lịch ở miền Trung như Huế, Đà Nẵng thì cũng chẳng mấy ai chọn đi tàu nếu xuất phát từ TP HCM, Hà Nội.
>> 'Tàu tốc độ 150 km/h thiết thực hơn 350 km/h'
Về những địa điểm du lịch hay nhu cầu đi lại với quãng đường ngắn hơn, chừng 500km đổ lại, khi mà quá ngắn để mở đường bay và có tuyến đường sắt sẵn thì cũng chẳng ai mặn mà, họ chọn đi ôtô cá nhân hoặc xe giường nằm.
Từ Sài Gòn đi ăn cưới bạn ở Ninh Thuận, nhóm có 5 người nhưng chỉ một mình tôi chọn đi tàu hoả. Các bạn còn lại chọn đi xe giường nằm. Hay tôi càng bất ngờ hơn khi người bạn quê Quảng Nam, vào Sài Gòn gần 10 năm rồi mà chưa một lần đi tàu hoả về quê hoặc vào TP HCM bởi có hai lựa chọn tối ưu là máy bay và xe giường nằm.
Đường sắt hiện tại đã quá lạc hậu, tiêu tốn thời gian quá nhiều khi di chuyển nên chẳng còn mấy ai mặn mà với nó nữa.
Nếu muốn cạnh tranh với máy bay và ôtô, ngành đường sắt cần phải có cuộc làm mới mình 100%, đó chính là các tuyến đường sắt cao tốc, mà thôi.
Quang Dũng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.