Không nói quá, nhưng tỉnh nào cũng muốn xây sân bay là tình trạng hiện nay. Có thể điểm qua:
Đầu tháng 10/2022, tỉnh Ninh Thuận đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn hoạt động bay dân dụng thay vì chỉ hoạt động quân sự như trước. Sân bay này nằm ở thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) có diện tích khoảng 20 km.
Tháng 9, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc.
Hà Nội cũng đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, phía nam thủ đô, dự kiến xây dựng sau năm 2030, song song với việc mở rộng sân bay Nội Bài đạt công suất đến 100 triệu hành khách mỗi năm.
Và mới đây, Ninh Bình cũng góp mặt vào danh sách khi UBND tỉnh này đề xuất vị trí quy hoạch cảng hàng không tại huyện Kim Sơn hoặc Yên Khánh.
Tôi nghĩ cần phải nghiêm túc xem lại vấn đề tỉnh nào cũng đề xuất xây sân bay rằng liệu nó có cần thiết hay không. Cảm giác đất nước không to rộng mà chi chít sân bay làm tôi khá băn khoăn. Bởi lẽ xây dựng và điều hành một sân bay không như xây dựng một bến xe hay một cái chợ.
Đường băng, đài không lưu, nhà ga... chưa kể nhiều máy móc, thiết bị hàng không rất đắt tiền cần phải đầu tư. Thêm vào đó là nhân lực. Những nhân viên điều hành trong sân bay cần được đào tạo bài bản, tốn kém. Nếu mở một sân bay, mà cả ngày chỉ đón lác đác vài chuyến bay thì có phải quá tốn kém hay không?
Đơn cử trường hợp tỉnh Ninh Bình, Ninh Bình giáp Thanh Hoá. Nhìn vào bản đồ thì lại rất gần Hà Nội. Thanh Hoá đã có sân bay. Khách du lịch sẽ kết hợp thêm việc thăm thú thủ đô chứ không ai tự dưng đến Ninh Bình chỉ để đi Tràng An, Bái Đính.
Trường hợp Ninh Thuận cũng thế, sân bay Cam Ranh kề bên tỉnh này. Nếu nghĩ thoáng, để phát triển kinh tế du lịch thì hai địa phương Ninh Thuận và Khánh Hoà cần ngồi lại với nhau để phát triển liên hoàn những địa điểm du lịch. Khách đến sân bay Cam Ranh, thăm thú Nha Trang rồi đi ôtô qua thăm tháp bà, biển Ninh Chữ chẳng hạn. Chẳng ai tự dưng mua một vé máy bay từ Hà Nội hay Sài Gòn chỉ để đi chơi ở Ninh Thuận làm gì.
Người ở những tỉnh, thành lân cận cũng vậy. Họ sẽ mua vé xe giường nằm, buổi tối ngủ, sáng mở mắt ra là tới Ninh Thuận. Nếu mua vé máy bay, phải chờ đợi check-in, làm thủ tục hai ba tiếng đồng hồ, rất phí thời gian.
Theo tôi, với đặc thù chiều dài đất nước dài hơn 2000km, để huyết mạch giao thông thông suốt thì cần chú trọng đến đường sắt và đường cao tốc. Sẽ thật thú vị khi khách đáp Nội Bài hay sân bay Long Thành (trong tương lai) rồi đi tàu cao tốc đến những điểm du lịch.
Phan Vĩnh
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.