Chiều 18/10, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết đơn vị đã lập dự án nhập 37 toa xe cũ loại Kiha 40 và Kiha 48 do Nhật Bản trao tặng. Dù không mất tiền mua song dự án có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, trong đó 40 tỷ đồng phí vận chuyển, 80 tỷ đồng để hoán cải và các chi phí khác như đăng kiểm, tư vấn, dự phòng. Tổng vốn do doanh nghiệp tự huy động.
Theo tính toán của VNR, sau khi hoán cải, các toa tàu có thể hoàn vốn sau 7 năm và khai thác trong 15 năm. "Các toa tàu còn khai thác trong 15 năm thì hiệu quả kinh tế khá lớn. Nếu chúng ta không nhận thì phía Nhật sẽ bán hoặc tặng cho các nước khác", ông Minh nói.
Cũng theo ông Vũ Anh Minh, đây là dự án hiệu quả kinh tế cao bởi các toa tàu mới của Nhật Bản theo công nghệ tự hành có giá thành trên 30 tỷ đồng mỗi toa, nếu mua mới dự án sẽ là 1.100 tỷ đồng. "Việc mua tàu mới khó khả thi bởi các đơn vị đường sắt hiện nay rất khó khăn" ông Minh nói.
Lãnh đạo VNR cũng cho biết, các toa tàu trên vẫn được Công ty Đường sắt phía đông Nhật Bản sử dụng sau nhiều năm; sau khi đổi công nghệ hiện đại hơn, Công ty này đã loại bỏ dần các toa tàu cũ, "không phải do tàu hết niên hạn nên các năm qua họ đã lần lượt chuyển giao cho Myanmar, Philippines, Nga...".
"Hiện nay phía Nhật còn hơn 60 toa xe, nếu Việt Nam có nhu cầu thì họ sẽ tặng 37 toa, phía Việt Nam phải chịu chi phí nhập khẩu, hoán cải", ông Minh thông tin và giải thích thêm, Nhật Bản không quy định về niên hạn sử dụng với toa tàu. Thời gian qua, các toa xe của Nhật vẫn được khai thác bình thường, bảo dưỡng thường xuyên nên còn rất tốt. Phía Nhật đánh giá các toa xe này có độ an toàn cao với tỷ lệ sự cố 1-2 vụ trên 1 triệu km vận hành.
Theo lãnh đạo VNR, các toa xe cũ của Nhật sử dụng công nghệ tự hành kéo đẩy, hoạt động trên khổ đường 1.067 mm, phù hợp khổ đường 1.000 mm của Việt Nam. Sau khi nhập khẩu, các toa tàu có thể được ép trục hoặc thay trục giữa để phù hợp khổ đường Việt Nam. Việc hoán cải dự kiến trong 6 tháng. Quá trình vận hành sau đó, chi phí bảo dưỡng tương tự như các toa tàu đang khai thác trong nước.
Thông qua nhập khẩu toa tàu cũ của Nhật, các đơn vị đóng tàu trong nước có thể học tập nền tảng công nghệ tàu tự hành của Nhật Bản để khai thác trên các cung đường ngắn dưới 300 km. Hiện nay các đoàn tàu trong nước sử dụng công nghệ động lực tập trung, đầu máy kéo cả đoàn tàu dài, không hiệu quả khi thời điểm khách vắng cần sử dụng ít toa xe.
Trả lời câu hỏi nguy cơ rác công nghiệp khi nhập khẩu tàu cũ, ông Vũ Anh Minh cho rằng, tàu hỏa có két dầu nhỏ, tỷ lệ nhựa ít, phần lớn là sắt thép nên rác thải công nghiệp ít. Các toa xe này vận hành thêm 15 năm nữa rồi thanh lý, lúc đó toàn bộ thép trên tàu có thể tái sử dụng. "37 toa tàu này không có lượng rác công nghiệp lớn đến mức chúng ta phải lo ngại", ông Minh nhấn mạnh.
Với góc nhìn chuyên gia, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, cho rằng VNR cần đánh giá chất lượng các toa tàu 40 tuổi vì "không thể chỉ căn cứ vào niên hạn sản xuất để nhập khẩu".
Cùng với đó, VNR phải phải tính chi phí bảo dưỡng và vận hành các toa tàu sau này, cũng như chi phí hoán cải toa xe bởi khổ đường ray của Nhật lớn hơn của Việt Nam. "Trong thực tế những toa tàu không được phía Nhật sử dụng nữa là đã trở thành rác công nghiệp, có thể họ tặng miễn phí để không mất chi phí xử lý. Chúng ta nên cân nhắc, nếu thực sự thấy có lợi thì mới tiếp nhận", ông Đông nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, việc nhập toa tàu cũ là bài toán về hiệu quả kinh tế và xã hội mà VNR cần tính toán. "Xu thế hiện nay sử dụng hàng hóa, phương tiện tốt hơn, thân thiện môi trường, không phải cứ đồ cũ, hàng bãi của nước ngoài cho là nhận như trước", ông Ngô Trí Long nói.
Tuần trước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép nhập khẩu các toa tàu tự hành đã qua sử dụng của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East). Đây là các toa tàu được sản xuất trong giai đoạn 1979-1982. Nếu được phép, doanh nghiệp sẽ nhập về cải tạo và đưa vào khai thác chở khách trên hệ thống đường sắt Việt Nam.
Theo VNR, các toa tàu của Nhật Bản có trang bị ghế mềm, điều hòa không khí, thiết kế 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản. Các toa xe có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn tùy theo nhu cầu sử dụng. Sau khoảng 40 năm vận hành, cả 2 loại toa xe Kiha 40 và Kiha 48 không gặp vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng.
Những năm gần đây, do thay đổi công nghệ đường sắt, phía Nhật Bản đã chuyển giao hàng trăm toa tàu tương tự đã qua sử dụng cho một số nước như Myanmar, Indonesia và Phillipines để khai thác phục vụ vận tải hành khách.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, toa tàu chở khách đã qua sử dụng nhập khẩu không được quá 10 năm, niên hạn với toa tàu khách Việt Nam không quá 40 năm. Do đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải kiến nghị Thủ tướng đồng ý mới được phép nhập khẩu, đăng kiểm, đưa vào sử dụng.
Năm 2016, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội (trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đã xin mua 160 toa xe tàu hàng cũ từ Trung Quốc, trong số này có tới 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước. Đề xuất này đã không được Bộ Giao thông Vận tải thông qua.