Đề án phát triển ngành logistics ở TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố nâng vai trò đầu mối giao thương hàng hoá, kết nối các thị trường góp phần giảm chi phí logistics cả nước so với tổng sản phẩm nội địa 10-15%.
Theo đó 5 tuyến đường sắt kết nối TP HCM đến Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, sân bay Long Thành và trên trục Bắc - Nam được đề xuất đầu tư 10 năm tới thúc đẩy kinh tế vùng. Nhiều độc giả quan tâm, bàn luận sau thông tin này.
Độc giả nguyen hoang: Thời của đường sắt đã hết. Làm đường sắt phải xây thêm cầu tránh, đường tránh tốn kém, thà rằng làm cao tốc cho nó đồng bộ. Tôi sống và làm việc 18 năm ở TP HCM mà đến nản giao thông miền Đông và miền Tây.
Độc giả Hùng Nguyễn đặt vấn đề: Hiện, cả nước có tuyến đường sắt Bắc - Nam và cả các tuyến phía bắc, không chỉ năng lực vận chuyển hạn chế, chưa khai thác lợi thế, hạ tầng đường sắt bị cho lạc hậu, mà còn nhiều bất cập khác chưa giải quyết được... làm thêm thua lỗ càng nhiều. Tóm lại cái gì đang có mà chưa tốt thì phải khắc phục làm cho tốt trước khi nghĩ đến phát triển thêm.
Độc giả Vo Quang Huy có quan điểm tương tự: Trong các hệ thống giao thông đường bộ bộ, đường thủy, đường hàng không, và đường sắt, trong tình hình hiện nay thì nên ưu tiên đầu tư nâng cấp đường bộ, đường thủy. Làm đường sắt nếu đầu tư nửa vời thì càng thiệt hại nặng nề hơn.
Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng năng lực vận chuyển hàng hoá của đường sắt là rất lớn và nó sẽ kết nối các vùng kinh tế phía Nam tốt hơn đường bộ:
Đường sắt để vận chuyển hàng hoá rất quan trọng, chở được nhiều, giá thành rẻ. Ngoài ra chở khách những tuyến chuyên biệt như trung tâm thành phố đi sân bay Long Thành (với đường sắt sẽ chính xác thời gian hơn đường bộ vì không lo tắc đường) chắc chắn sẽ hiệu quả. Đường cao tốc thì phù hợp cho giao thông liên tỉnh, liên khu vực với nhu cầu linh hoạt. Chúng không thay thế cho nhau mà bổ sung cho nhau.
Đường sắt là không thể không làm, lợi ích vô cùng to lớn. Thứ nhất, kết nối các tỉnh lân cận, người dân có thể dãn ra các tỉnh sống, sáng vào Sài Gòn làm việc, tối đi về nhà ngoại ô dễ dàng. Thứ hai, giảm thiểu xe container và phương tiện cá nhân chạy trên đường, giúp ngăn chặn ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đường sắt, đường thủy mới giúp tải trọng lớn. Thêm nữa đường sắt an toàn, đúng giờ. Nếu có đường sắt đã giảm biết bao ca tai nạn giao thông những năm qua. Hãy nhìn những đoàn tàu dài cả trăm toa chở container hàng tại Mỹ, hay hệ thống tàu điện ngầm chở khách tại Nhật.
Tôi thấy cần thiết nhất là tuyến đường sắt vận tải container vào cảng Cát lái. Tuyến này đi từ Bến Cát - Bình Dương qua Sóng thần, qua Cảng Phước Long vào Cát lái. Tuyến này giúp giao thông đường bộ cửa ngõ phía đông bớt áp lực từ xe Container.
Ưu tiên làm sớm các tuyến chở hàng bằng đường sắt để giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế xe hàng, container chạy chung với các xe khách như hiện nay.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.