"Trên toàn cầu, ước tính cứ 6 người thì có một bị ảnh hưởng bởi việc không thể có con vào một thời điểm nào đó trong đời, bất kể họ sống ở đâu và sở hữu tài nguyên nào", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết.
WHO định nghĩa vô sinh là bệnh của hệ thống sinh sản nam và nữ, được xác định khi việc thụ thai thất bại sau ít nhất 12 tháng quan hệ tình dục thường xuyên, không có biện pháp bảo vệ.
Tình trạng một cặp vợ chồng chưa từng có con và không thể thụ thai gọi là vô sinh nguyên phát. Cặp vợ chồng từng có con nhưng không thể thụ thai thêm được gọi là vô sinh thứ phát. Như vậy, một người có thể gặp tình trạng vô sinh ít nhất một lần trong đời.
Báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 3/4, phân tích các nghiên cứu thực hiện từ năm 1990 đến năm 2021. Đây là công trình đầu tiên của WHO về vô sinh trong một thập kỷ qua.
Cụ thể, khoảng 17,8% người trưởng thành ở các nước thu nhập cao từng bị vô sinh ít nhất một lần trong đời. Con số tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình là 16,5%.
Ông Tedros nói tỷ lệ này cho thấy thế giới cần mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sinh sản, đảm bảo vấn đề này không còn bị bỏ qua trong chính sách và các nghiên cứu y tế. Báo cáo của WHO nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động thu thập và chia sẻ các dữ liệu nhất quán liên quan đến vô sinh, phân tách theo độ tuổi và nguyên nhân, thông tin về những người cần điều trị sinh sản.
Tuy nhiên, James Kiarie, người đứng đầu bộ phận Tránh thai và Chăm sóc Khả năng sinh sản WHO, cho biết chưa có bằng chứng cho thấy tỷ lệ vô sinh gia tăng kể từ năm 1990 đến năm 2021.
"Dựa trên dữ liệu sẵn có, chúng tôi không thể khẳng định số ca vô sinh đang gia tăng hay ổn định. Nghiên cứu chưa trả lời được câu hỏi đó", ông nói.
Với nam giới, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến vô sinh là các vấn đề trong quá trình phóng tinh. Đàn ông không có hoặc có ít tinh trùng, tinh trùng có hình thái hoặc chuyển động bất thường. Ở nữ giới, vô sinh do một loạt vấn đề từ buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng và hệ thống nội tiết. Đôi khi, các bác sĩ không thể xác định nguyên nhân vô sinh.
Chăm sóc khả năng sinh sản bao gồm việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị vô sinh. Tiếp cận điều trị bình đẳng và công bằng với dịch vụ này vẫn là một thách thức ở hầu hết quốc gia, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Chăm sóc sinh sản hiếm khi được ưu tiên trong các gói quyền lợi bảo hiểm y tế toàn dân.
Thục Linh (Theo Reuters, WHO)