Buổi sáng đi làm ngang qua đường Nguyễn Văn Luông, Quận 6, TP HCM, tôi dừng lại chốc lát bởi từ đằng xa thấy rất nhiều bác lớn tuổi tập trung lại từng nhóm, từng cụm, mặc những trang phục áo đỏ sao vàng để chuẩn bị tiết mục biểu diễn thể dục dưỡng sinh. Chưa hiểu có chương trình gì nên tôi chạy tới xem. Tới nơi, tôi mới nhìn rõ nội dung trên tấm băng rôn lớn treo tại giữa công viên với chủ đề "Hưởng ứng ngày Quốc tế người cao tuổi".
Nói đến việc biểu diễn thể dục dưỡng sinh, đây có lẽ là bài tập không khó khăn gì với các bác lớn tuổi. Có những bác khi hỏi ra đã thọ hơn 82 tuổi mà vẫn tươi cười, tay chân múa uyển chuyển, thanh thoát từng động tác. Sáng sớm nào tôi cũng thấy các bác tập cùng với nhau thường xuyên tại một công viên gần đấy. Khi nhìn những hình ảnh đó, tôi nhớ về người ông đã mất của tôi ở dưới quê.
Qua lời kể của ông, những năm tuổi trẻ, ông cùng bạn bè đồng trang lứa xung phong đi Cách mạng vào những năm 70. Sau khi giải phóng, ông trở về nhà và hành nghề sửa xe trước cửa nhà. Tuy công việc chẳng mang lại thu nhập là bao nhưng với ông đó là niềm vui của tuổi xế chiều. Thời ấy, muốn đi đây đi đó thăm thú hay tìm những người bạn ngồi nhâm nhi vài ly rượu, cùng trò chuyện về những ký ức xưa kia, về thời trai trẻ hay có những câu lạc bộ dành riêng cho người cao tuổi quả thật là rất hiếm, mà nếu như có thì cũng chỉ là những ông bạn hàng xóm với nhau mà thôi.
Mỗi khi có dịp về quê, tôi thường ghé thăm ông, ngồi uống trà, nghe ông kể về thời trai trẻ đi lính như thế nào, về cuộc đời của ông và căn dặn những lời dạy cho con cháu học tập những điều hay lẻ phải của đời sống. Và đặc biệt ông hay nói với tôi rằng đối với người già, thứ quan trọng nhất không phải là trông đợi con cháu cho nhiều tiền, dẫn đi ăn những quán ăn sang trọng, đi du lịch khắp muôn nơi, mà chính là sự quan tâm. Đó có thể chỉ cần là những cuộc điện thoại ngắn ngủi, chỉ là vài ngày ngắn ngủi về quê thăm ông bà, cha mẹ khi họ còn trên đời này. "Trong cái xã hội bề bộn, nhiều lo toan, tất bật này, điều đó quả thật quý giá lắm rồi", ông nói với tôi như thế.
Khi nghe đến điều này tôi thấy hổ thẹn, và day dứt bản thân vì đã không dành nhiều thời gian về thăm ông nhiều hơn. Đúng là thời gian đấy, ở Sài Gòn, tôi chỉ biết lao đầu vào công việc, cố kiếm thật nhiều tiền... và lấy lý do đấy để không về quê. Thậm chí, có tháng tôi không gọi về nhà, hỏi thăm ông bà, cha mẹ dù chỉ một câu.
Có lẽ, mọi người sẽ cho rằng tôi quá vô tâm. Nhưng thú thực, cuộc sống hiện nay khiến con người ta dễ cuốn theo guồng quay vội vã, làm cho chúng ta vô tình quên luôn việc quan tâm tới những người thân yêu. Cũng may rằng, sau đợt dịch vừa rồi, tôi có nhiều thời gian ở nhà hơn, để rồi ngẫm lại những điều mình đã làm và nhận ra rằng cái lý do "không có thời gian" ấy quả là vô lý. Bởi rằng, thời gian là do chúng ta quyết định, sắp xếp nó thế nào là do chúng ta muốn hay không mà thôi.
Trong một năm có rất nhiều ngày kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước, tôn vinh mọi thành phần trong xã hội được tổ chức, hưởng ứng rất nhiều từ mọi người dân, nhưng có lẽ ít người chú ý đến ngày 1/10 dành cho người cao tuổi. Hơn ai hết họ cần nhận được sự quan tâm của mọi người, không chỉ là sự phụng dưỡng của con cháu trong nhà, mà còn là sự quan tâm của xã hội, các chế độ của nhà nước. Mong rằng, người Việt sẽ có cái nhìn khác, dành nhiều thời gian và tâm sức hơn để chăm lo cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của người cao tuổi.
Ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1/10 hàng năm làm ngày Quốc tế người cao tuổi, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, chẳng hạn như quá trình lão hóa và việc lạm dụng người cao tuổi. Đây cũng là một ngày để đánh giá cao những đóng góp mà những người cao tuổi đã làm cho xã hội. Ngày quốc tế người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 1/10/1991.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.