Vô sinh, hiếm muộn là tình trạng một cặp vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn 2-4 lần mỗi tuần, không dùng biện pháp tránh thai trong một năm nhưng không có thai. Còn yếu sinh lý chỉ một người đàn ông không thể làm cho vợ hoặc bạn tình là phụ nữ thỏa mãn, mang thai. Bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hiện nay, định nghĩa yếu sinh lý bao gồm nhiều vấn đề như rối loạn cương dương, giảm ham muốn, giảm sản sinh testosterone, xuất tinh sớm, chậm có con.
Vô sinh khác với yếu sinh lý bởi thực tế có nhiều nam giới khỏe mạnh, sinh hoạt tình dục đều đặn, chức năng sinh lý tốt nhưng không thể có con. "Đổ lỗi nguyên nhân gây vô sinh nam hoàn toàn do yếu sinh lý là chưa đúng", bác sĩ Thiện nói, giải thích thêm vô sinh nam liên quan đến khả năng sản xuất tinh trùng tại tinh hoàn - nơi sản xuất hormone nam testosterone.
Trung tâm điều khiển tinh hoàn là tuyến yên và vùng hạ đồi trên não, tạo thành trục sinh dục nam: vùng hạ đồi - tuyến yên - tinh hoàn (tuyến sinh dục). Các tác nhân tác động đến trục này có thể ảnh hưởng chức năng của tinh hoàn gồm:
Khối u tuyến yên tiết hormone prolactin ức chế tinh hoàn sản xuất tinh trùng.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh gây ra ứ trệ máu tại thừng tinh, làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn, phá hủy chức năng sản xuất tinh trùng.
Viêm tinh hoàn do virus (thường do viêm thứ phát virus quai bị) gây hư hại ống sinh tinh hoặc do vi khuẩn từ đường tiết niệu hoặc lây truyền qua đường tình dục dẫn đến bế tắc đường dẫn tinh.
Tiền sử phẫu thuật tại vùng chậu, bộ phận sinh dục, tuyến tiền liệt khiến hở cổ bàng quang nên khi nam giới xuất tinh, tinh trùng đi ngược vào trong thay vì phóng ra ngoài.
Bất thường di truyền hay bất thường nhiễm sắc thể, thường gặp là hội chứng Klinefelter. Nam giới mắc bệnh bị thừa một nhiễm sắc thể X, tức là XXY (nam giới bình thường chỉ có một cặp nhiễm sắc thể giới tính là XY), khiến tinh hoàn teo nhỏ, không có khả năng sinh con tự nhiên.
Một số rối loạn chức năng sinh lý như rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, giảm ham muốn... khiến nam giới tự ti, không quan hệ tình dục đều đặn, khó có con dù chất lượng tinh trùng bình thường.
Lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện, chế động dinh dưỡng và sinh hoạt thiếu lành mạnh cũng góp phần khiến nam giới khó có con.
Hóa chất, môi trường ô nhiễm ảnh hưởng khả năng sản xuất tinh trùng, khiến số lượng, chất lượng tinh binh sụt giảm.
Bác sĩ Ngọc Thiện khuyên nam giới đang gặp vấn đề vô sinh, hiếm muộn cần đến bác sĩ nam khoa khám, xác định nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |