Trả lời:
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus paramyxo gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, chủ yếu qua những giọt nước bọt nhỏ khi nói chuyện, ho... bắn ra nên rất dễ lây lan trong cộng đồng. Đối tượng dễ mắc quai bị nhất là trẻ em, thường ở lứa tuổi 5-9. Tuy nhiên, nếu lúc nhỏ không mắc bệnh mà chưa tiêm vaccine phòng bệnh thì có đến 85% người đến tuổi trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh quai bị.
Tỷ lệ tử vong do quai bị rất thấp nhưng nếu người bệnh chủ quan chậm trễ điều trị có thể khiến bệnh trở nặng và gây nên nhiều biến chứng như viêm tinh hoàn ở nam và viêm buồng trứng nữ, dẫn tới vô sinh, dù tỷ lệ này chỉ chiếm từ 3-4/1.000.
Bệnh quai bị xảy ra ở 20-30% nam giới trưởng thành. Khoảng 90% các trường hợp viêm tinh hoàn do quai bị chỉ xảy ra ở một bên, còn lại khoảng 10% các trường hợp xảy ra ở cả hai bên.
Khi bệnh nhân gặp biến chứng viêm tinh hoàn quai bị, tinh hoàn sẽ sưng to hơn bình thường từ 2 đến 3 lần, đau vùng bìu, mào tinh dày bất thường, sốt cao và mệt mỏi. Quá trình teo tinh hoàn có thể diễn ra sau vài tháng xuất hiện viêm cấp tính, khoảng 50% tinh hoàn bị teo dần, còn 50% còn lại tinh hoàn vẫn có thể sinh tinh và trở về trạng thái bình thường.
Teo tinh hoàn có thể gây các tình trạng không có tinh trùng dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Nếu teo một bên tinh hoàn, tinh hoàn bên còn lại vẫn có khả năng tạo tinh trùng. Tuy nhiên, nam giới ở tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên sẽ làm xơ hóa tinh hoàn khiến tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng, gây ảnh hưởng đến sự sinh sản về sau.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh từng tiếp nhận nhiều trường hợp nam giới bị vô sinh do biến chứng của quai bị và đã được điều trị khỏi bệnh, giúp thụ thai thành công. Tuy nhiên, trường hợp trên bệnh nhân đã mắc quai bị từ rất lâu, tinh hoàn bị ảnh hưởng do viêm làm xơ chai mô trong tinh hoàn, làm giảm khả năng tạo tinh trùng. Bệnh nhân có thể thực hiện vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn (MicroTESE) sớm để tăng khả năng tìm thấy tinh trùng.
Bệnh quai bị hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng. Không phải ca bệnh quai bị nào cũng dẫn tới hậu quả viêm tinh hoàn hay viêm buồng trứng, gây nguy cơ vô sinh. Tuy nhiên, để phòng ngừa nguy cơ biến chứng của bệnh quai bị, việc tiêm ngừa là cần thiết với cả trẻ lớn hoặc người lớn chưa từng tiêm ngừa.
BS Đoàn Ngọc Thiện
Khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM