(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Thời gian qua, sau hàng loạt những vụ tai nạn trên cao tốc, người ta nói nhiều đến quy định giữ khoảng cách an toàn khi di chuyển. Phải khẳng định đó là điều cần làm để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng người khác, hạn chế tối đa vụ việc đáng tiếc. Lợi ích không phải bàn cãi như vậy, nhưng tại sao nhiều tài xế vẫn không tuân thủ? Hay còn có lý do nào khác khiến họ không thể đảm bảo khoảng cách trên cao tốc?
Thông tư 31/2019 quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ cụ thể của xe. Cụ thể, xe chạy với tốc độ 60 km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu sẽ là 35 m. Xe chạy với tốc độ lớn hơn 60 km/h và nhỏ hơn hoặc bằng 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 m. Xe chạy với tốc độ lớn hơn 80 km/h và nhỏ hơn hoặc bằng 100 km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 m. Xe chạy với tốc độ lớn hơn 100 km/h và nhỏ hơn hoặc bằng 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 m.
Thế nhưng, thực tế rất hiếm khi người ta đảm bảo được khoảng cách như quy định của luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Đó có thể là do sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiến thức và ý thức của các tài xế khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người lái xe chủ động giữ khoảng cách tối thiểu với xe đi trước, nhưng ngay lập tức bị xe khác cắt làn, chen vào giữa. Nếu là một người thường xuyên di chuyển trên cao tốc, bạn sẽ không còn lạ lẫm với chuyện này. Thói quen "điền vào chỗ trống" của một bộ phận không nhỏ tài xế Việt chính là một trong những nguyên nhân lớn khiến tình trạng an toàn giao thông trên cao tốc luôn bị đặt trong tình trạng báo động.
>> Tuân thủ luật giữ khoảng cách để tránh thảm hoạ ôtô đi lùi
Nhiều lần, bản thân tôi đã chứng kiến các tài xế vượt phải, lấn vào làn khẩn cấp với tốc độ lên tới 100 km/h, sẵn sàng chực chờ khoảng trống của các xe khác để chen lên. Giữ khoảng cách an toàn trên cao tốc dường như là điều không tưởng với giao thông Việt Nam. Dù nhiều tuyến đường cao tốc còn có vạch kẻ xác định khoảng cách với xe phía trước để các tài xế điều chỉnh tốc độ, nhưng cứ hễ khi nào bạn tạo ra khoảng cách đủ lớn với xe trước là ngay lập tức có xe khác chen lên trám ngay vào khoảng hở đó. Và thế là khoảng cách an toàn mà bạn mới tạo ra hoàn toàn bị phá nát.
Việc phân làn trên cao tốc giúp tăng tốc độ lưu thông của các phương tiện mà vẫn đảm bảo an toàn nhưng một số tài xế lại có thói quen chiếm làn ưu tiên để chạy tốc độ cao hoặc vượt xe hay trưng dụng "làn đường nhanh" ngoài cùng bên phải để chạy tốc độ chậm. Thậm chí, một số lái xe thích đi giữa hai làn đường hay đổi làn đột ngột làm tăng nguy cơ tai nạn trên cao tốc. Nhiều người có thói quen lái xe nhấn mạnh ga vượt qua xe trước mặt rồi bất ngờ thả ga giảm tốc vì cho rằng đã vượt được là an toàn. Điều này là sai lầm, ít nhất tài xế cần duy trì tốc độ bằng với xe đã vượt để đảm bảo khoảng cách an toàn.
Để đảm bảo an toàn, trong lúc chuyển làn, bật xi nhan để báo hiệu cho các tài xế phía trước và phía sau là yếu tố không thể thiếu. Đồng thời, tiếp tục quan sát tốc độ xe chạy trước và xe chạy sau để giữ một khoảng cách an toàn nhất định rồi mới tiến hành chuyển làn. Mặt khác, khi chuyển làn, bạn cần kiểm tra tốc độ ở làn mình định nhập, giảm hoặc tăng tốc cho tương ứng trước khi nhập làn để đảm bảo các phương tiện ở phía sau đi tới có thể dễ dàng phối hợp trong trường hợp cần thiết.
Thói quen này xuất phát từ tư duy thâm căn cố đế của nhiều người: bon chen, không thích xếp hàng, chỉ chăm chăm vào quyền lợi của mình mặc dù nó xâm phạm quyền lợi của người khác, làm cho cả xã hội trì trệ.
Một thói xấu, nguy hiểm và vi phạm pháp luật. Cảnh sát giao thông, nhà chức trách quản lý cao tốc có trừng trị được không?
Thói quen chạy xe kiểu "điền vào chỗ trống" thậm chí còn nguy hiểm hơn cả việc không giữ khoảng cách an toàn với xe trước. Bởi lẽ, với tốc độ di chuyển lớn trên cao tốc, bạn sẽ rất có xử lý kịp khi bị cắt mặt. Nguy cơ đâm vào xe vừa chen lên hay phanh đột ngột làm xe phía sau tông phải là chuyện có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chừng nào tài xế Việt chưa từ bỏ tư duy chen lấn khi đi trên đường, chừng ấy chuyện đảm bảo khoảng cách an toàn trên cao tốc còn bất khả thi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.