Chiều cuối tháng 5, lượng xe trên cao tốc TP HCM - Trung Lương đoạn qua TP Tân An (Long An) bắt đầu đông. Tuyến đường quy định tốc độ tối thiểu 60 km/h nhưng nhiều xe tải trọng lớn, container chạy rất chậm khiến hai làn cao tốc bị ùn ứ. Ôtô chạy san sát nhau không giữ đúng khoảng cách an toàn. Khoảng 10 phút lại có xe cứu thương phải vào làn dừng khẩn cấp để chuyển bệnh nhanh.
15h, ở hướng TP HCM về Tiền Giang, hai xe cấp cứu hú còi, cố thoát khỏi hai làn xe đông kín bằng cách đi vào làn dừng khẩn cấp. Trong khi một chiếc đã qua khỏi khu vực ùn ứ, xe cứu thương phía sau bị kẹt lại trên làn này vì hai ôtô con án ngữ phía trước.
Lúc xe cấp cứu đang bất lực hú còi xin đường, một ôtô con từ làn thứ hai tạt ngang để vào làn dừng khẩn cấp. Ôtô cứu thương phải tiếp tục chạy vài trăm mét nữa mới tìm được đường thoát. Nhiều tài xế thấy xe cấp cứu vào làn khẩn cấp cũng nối đuôi theo sau.
Cách đó khoảng hai km, đoạn cao tốc đi qua huyện Châu Thành (Tiền Giang), các loại ôtô cũng chạy bát nháo. Trên hướng Tiền Giang đi TP HCM, một xe khách từ làn thứ hai bất ngờ vào làn dừng khẩn, bất chấp phía sau một xe cấp cứu đang hú còi. Chạy được vài trăm mét, xe khách trở lại làn thứ hai. Nhiều tài xế còn tấp vào làn dừng khẩn cấp để ngủ, đi vệ sinh.
Làn dừng khẩn cấp nằm ngoài cùng bên phải cao tốc, dành cho các xe bị sự cố tấp vào và dừng lại, không cản trở giao thông. Làn đường này được phân cách với làn xe chạy bằng vạch liền màu trắng, rộng đủ cho cả xe tải, xe đầu kéo. Theo Nghị định 100/2019, tài xế bị phạt 3-5 triệu đồng nếu cho xe chạy ở làn khẩn cấp.
Một tài xế lái xe cứu thương cho biết sau khi cao tốc TP HCM - Trung Lương dừng thu phí, tình trạng ùn ứ xảy ra thường xuyên. Gần đây, các xe cấp cứu khi chuyển ca nặng từ miền Tây lên TP HCM thường đi đường quốc lộ 1. "Cao tốc đang ùn ứ chỉ cần có xe đi vào làn khẩn cấp là coi như chôn chân, còn đi quốc lộ 1 có thể xoay xở bằng đường khác", tài xế này nói.
Chỉ trong vòng một giờ, có hơn 20 ôtô chạy vào làn dừng khẩn cấp trên đoạn cao tốc qua TP Tân An và huyện Châu Thành không đúng quy định. Cao tốc TP HCM - Trung Lương nối TP HCM với tỉnh Long An, Tiền Giang, dài gần 62 km, gồm 4 làn, thông xe năm 2010. Đây là là cao tốc đầu tiên ở phía Nam, vận tốc tối đa trên tuyến là 100 km/h.
Tình trạng ôtô chạy vào làn khẩn cấp cũng khá phổ biến trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 56 km, nhiều nhất ở khu vực gần cầu Long Thành và trạm thu phí Long Phước. Vào cuối tuần và dịp lễ, làn khẩn cấp bị coi như "làn thứ ba" của cao tốc. Nhiều ôtô vượt phải vào làn khẩn cấp khiến kẹt xe thêm trầm trọng. Việc cứu hộ, cứu nạn hoặc xe cấp cứu cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Quản lý đường bộ 4, Tổng cục Đường bộ, cho biết ngoại trừ xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ như cứu hỏa, cứu thương, công an có đầy đủ còi, đèn báo hiệu, các xe khác kể cả xe biển xanh hoặc biển đỏ cũng không được phép chạy vào.
"Vụ cháy xe chở nhớt trên cao tốc mới đây, xe cứu hỏa tiếp cận hiện trường khó khăn cũng do làn khẩn cấp bị tài xế lấn chiếm, rất may chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng", ông Thành nói.
Cục trưởng Quản lý đường bộ 4 cho hay, đơn vị này cùng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, xử lý các tài xế đi vào làn khẩn cấp cao tốc không đúng quy định nhưng vi phạm vẫn diễn ra. Hai tháng gần đây, riêng cao tốc TP HCM - Trung Lương đã xử phạt 105 trường hợp đi vào làn khẩn cấp.
Hoàng Nam - Phước Tuấn