"Vợ tôi là một người nấu ăn rất ngon, nhưng vì thế nên khâu chuẩn bị và nấu nướng cũng khá cầu kỳ. Thành ra, trong tuần, chúng tôi vẫn thống nhất nửa tuần ăn ngoài (những bữa nào đi làm về mệt). Tất nhiên, chúng tôi chọn ăn ở những nhà hàng có tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh đảm bảo chứ không ăn lề đường để tránh ngộ độc.
Còn về yếu tố mà nhiều người nói đến là ăn cơm nhà để giữ gìn sự ấm cúng và gắn bó trong gia đình, tôi thấy ăn ngoài cũng chẳng ảnh hưởng gì cả, vì vẫn là những người đó ăn chung với nhau mà. Có khi, ăn ngoài còn vui vẻ, thoải mái hơn vì đỡ phải nấu nướng, rửa dọn. Trong khi, ăn cơm nhà mà mấy lúc đang giận nhau, mặt nặng mày nhẹ, mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần thì có khi nuốt cũng chẳng trôi".
Đó là chia sẻ của độc giả Minh Anh trước xu hướng ngày càng ít ăn cơm nhà của người Việt hiện nay. Một khảo sát của Q&me cũng chỉ ra người dân thành thị, đặc biệt bộ phận có thu nhập cao ăn ngoài nhiều hơn, với 36% cho biết giảm tần suất nấu ăn tại nhà kể từ sau đại dịch. Guồng quay cuộc sống ở các đô thị đang lấn át thời gian dành cho bữa cơm gia đình. Vì bận rộn, công việc đã quá áp lực cộng thêm giờ giấc sinh hoạt của các thành viên không thống nhất khiến khó duy trì thói quen nấu ăn tại nhà, mà ăn ngoài cho nhanh.
Đồng tình với quan điểm cởi mở với xu hướng ít ăn cơm nhà, bạn đọc Hazu zama cho rằng: "Thật ra, thời đại bận rộn như giờ, nếu ai có thời gian hoặc thích nấu ăn thì cứ làm, còn không thì ra ngoài ăn cho khỏe. Như nhà tôi chỉ có hai vợ chồng, làm từ sáng đến chiều về mệt nên cứ ghé quán cơm ăn luôn cho tiện. Cuối tuần rảnh hơn, chúng tôi có thể nấu nướng tại nhà và ăn chung cho vui.
Tôi nghĩ rằng, thời nay, con người nên tập trung cho công việc chuyên môn, đi làm kiếm tiền, còn chuyện nấu ăn có thể chuyển cho hàng quán, như một cách bạn thuê người ta nấu ăn cho mình thôi mà. Quan trọng là phải chọn quán nào vệ sinh, an toàn cho sức khỏe".
Cùng chung nhận định, độc giả Pinoir bổ sung thêm: "Ai có tiền đi ăn nhà hàng hoặc những tiệm ăn có tiếng, đạt tiêu chuẩn an toàn, sẽ khiến cuộc sống của các thành viên trong gia đình hạnh phúc hơn. Cơm nhà nói thật chỉ luẩn quẩn vài ba cách chế biến, chừng đó món, nêm nếm gia vị lặp đi lặp lại nên rất ngán. Chưa kể không gian bó hẹp, nhàm chán cũng không tạo ra không khí hứng khởi cho bữa ăn.
Mất thời gian, tối mặt tối mũi trong bếp hàng tiếng đồng hồ cũng chỉ để ăn vài ba miếng cơm là rất lãng phí, trong khi còn vô vàn việc khác thú vị hơn để làm. Tâm lý nặng nhẹ, mệt mỏi vì nấu nướng quần quật còn gây ra những lục đục trong gia đình. Theo tôi, chỉ nên nấu ăn khi thấy vui thú, có thời gian rảnh, chứ đừng xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ phải làm mỗi ngày".
>> 'Sao phải khổ sở nấu ăn ở nhà để tiết kiệm?'
Thực tế, nhiều người trẻ gọi việc đi chợ nấu ăn là "nếp sống cũ". Họ thích và thường xuyên ăn ngoài nhiều hơn tự tay vào bếp. Tuy nhiên, bạn đọc Phuongthuy lại cho rằng ăn nhà là cách tốt nhất để gìn giữ tình cảm gia đình: "Ngày có 24 tiếng, thời gian chuẩn bị và đi làm ngốn hết 11 tiếng; ngủ 8 tiếng; đưa đón con cái đi học và làm các việc cá nhân, việc nhà hết 3 tiếng. Như vậy mỗi gia đình chỉ còn lại 2 tiếng đồng hồ. Bạn sẽ làm gì với số thời gian ít ỏi đó?
Có những gia đình nói là ăn cơm chung tại nhà nhưng chẳng khác gì mỗi người ăn một quán, vì mỗi người một điện thoại, vừa xem, vừa chat, vừa ăn, không ai biết đến sự hiện diện của nhau. Họ chỉ sống với không gian ảo trong điện thoại của mình.
Vậy, ảnh hưởng văn hóa gia đình đến con trẻ còn nhiều không? Vì thời gian dành cho nhau, ảnh hưởng đến nhau quá ít, học sinh đi học suốt ngày, về nhà thì cha mẹ lại chỉ bận rộn với công việc và điện thoại. Có những gia đình cha hết giờ làm còn đi tiếp khách, khi về thì con đã ngủ. Như vậy, bữa cơm gia đình có còn thực sự ý nghĩa?".
Khi ăn hàng trở thành nếp sống của nhiều gia đình đô thị, nó sẽ đi kèm với những nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như gia tăng các bệnh như thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và ung thư.
Bạn đọc Fmc.hvac.giangnam phân tích: "Cuộc sống hiện đại đến đâu cũng nên duy trì bữa cơm gia đình. Càng lớn tuổi thì người ta càng mong muốn có bữa cơm để quây quần bên con cái, cha mẹ, anh em, vợ chồng gắn kết nhau, chia sẻ, trò chuyện và học hỏi. Ai cũng trải qua mùa dịch là đã đủ hiểu, gia đình là quan trọng đến nhường nào?
Không nhất thiết là ăn ở nhà hoàn toàn, bạn có thể dành cuối tuần để ăn ngoài cũng rất thú vị và tận hưởng cuộc sống. Nhưng nên hạn chế ăn ngoài vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cuộc sống hiện đại đòi hỏi gì cũng phải nhanh, tính kỹ càng sẽ giảm đi. Trong khi đó, càng lớn tuổi sức khỏe càng yếu đi thì khả năng chống lại những chất hóa học trong thức ăn đường phố của bạn cũng giảm đi rõ rệt. Ăn uống ở nhà nên nêm nếm gia vị cũng ít hơn ở ngoài. Nếu có bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ, gút, suy thận... tôi nghĩ bạn sẽ phải cẩn trọng hơn khi đi ăn ngoài.
Tôi thấy tự nấu ăn ở nhà vừa ấm cúng vừa vui vẻ, con cái giúp ba mẹ, chồng phụ vợ nấu nướng. Nếu muốn bạn sẽ tìm cách để làm được, còn không muốn sẽ tìm lý do. Cuộc sống nên cân đối hài hòa gia đình và công việc. Nếu bị lệ thuộc vào vòng xoáy đồng tiền, đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy tiếc nuối, giá mà làm ít lại để có thời gian cho gia đình nhiều hơn. Tôi có nhiều người bạn cũng tầm 50 tuổi như mình, giờ có đầy đủ vật chất, nhưng con cái chỉ gặp ba mẹ khi hết tiền, ba mẹ bệnh tật cũng không có thời gian mà chăm sóc".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Ám ảnh 'trách nhiệm nội trợ' của phụ nữ Việt
- 10 năm dang dở sự nghiệp để ở nhà nội trợ
- Trầm cảm vì 10 năm ở nhà nội trợ, chăm con
- Phụ nữ làm việc nhà không phải là 'hy sinh cao cả'
- Tư tưởng 'việc nhà là chuyện đàn bà'
- Vợ tôi chẳng than phiền dù nấu nướng cả Tết