Trước tình hình vật giá leo thang sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là sau khi giá xăng tăng vọt, câu chuyện tiết kiệm chi phí sinh hoạt lại ngày càng trở nên cấp thiết hơn với các gia đình có thu nhập trung bình. Nhiều người chọn cách "thắt lưng buộc bụng" cắt giảm chi tiêu (điện, nước, gas, thực phẩm...), hoặc chủ động nấu ăn sáng, tối tại nhà thay vì ăn ngoài hàng để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt.
Độc giả Nguyenhuylin chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm của mình: "Tôi được học trong trường rằng tổng thu nhập của một người là số tiền người đó kiếm được và số tiền người đó tự đáp ứng các nhu cầu trong gia đình với chi phí thấp nhất. Do vậy, tôi thường xuyên nấu những bữa ăn cho mười người trong gia đình với chi phí chỉ bằng 50% so với giá thị trường.
Khi học về kinh tế, bạn sẽ biết ở Việt Nam, khâu trung gian luôn bị đội giá 100- 200%. Thế nên, chỉ cần bạn biết mua thực phẩm tươi ngon với giá gốc, không bị trung gian bóc lột, là đã giảm nhiều chi phí sinh hoạt lắm rồi. Khi chọn mua nhà, tôi ưu tiên tìm một địa điểm gần các loại chợ, đặc biệt là chợ đầu mối để có thể đi lại, mua sắm với giá rẻ.
Nếu mồng tơi ở chợ thường có giá 5.000 đồng một mớ, nhưng ở chợ đầu mối sẽ rẻ bằng một phần ba). Tôi cũng mua thịt vào thời điểm sau 11h trưa, vì giá luôn giảm 40% so với đầu giờ sáng (mua về cất tủ mát hoặc sơ chế ngay và ăn luôn thì vẫn đảm bảo lươi ngon). Thậm chí, đi chợ muộn, người bán hàng còn van nài tôi mua nốt nên bán rẻ hơn.
Nói tóm lại, tôi không bỏ qua bất cứ một nhu cầu cơ bản nào của gia đình, ngược lại tôi luôn tìm cách thực hiện nó với mức giá hợp lý nhất. Tiết kiệm là thực hiện mọi nhu cầu với giá thấp, mà chất lượng tương đương, chứ không phải cắt bỏ hoặc thực hiện nhu cầu với chất lượng thấp. Nấu nhiều sẽ quen, dần dần sẽ ngon hơn hàng. Người nhà tôi rất thích những bữa cơm do tôi nấu. Con gái cũng học được cách đi chợ, nấu nướng, chi tiêu từ mẹ".
>> 'Cả đời hà tiện vì ám ảnh tiết kiệm'
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với biện pháp cắt giảm chi tiêu này. Nhiều người sau một thời gian nhịn ăn, nhịn tiêu, đã rơi vào trạng thái ức chế, mệt mỏi, sức khỏe tinh thần suy giảm. Thậm chí, có người khẳng định việc nấu ăn ở nhà không giúp tiết kiệm chi phí là bao, mà còn khiến bản thân tốn nhiều thời gian hơn.
Lựa chọn việc ăn hàng thay vì tự nấu ăn như một cách tiết kiệm sức lao động, bạn đọc Nguyenhoailan nêu quan điểm: "Đương nhiên nấu ăn ở nhà sẽ tốn kém hơn ăn ở ngoài rồi. Dù đồ ăn tự nấu có thể chất lượng hơn nhưng bù lại, các loại chi phí khác sẽ tăng lên, như điện, nước, gas, các loại gia vị và đặc biệt là thời gian của bạn. Chưa kể, tự nấu ăn, bạn còn phải mất công mang hộp khi đi làm, lúc về lại phải rửa kỹ vì đồ ăn để trong hộp mang đi từ trưa tới chiều sẽ tích tụ mùi và vi khuẩn. Vậy là bạn phải mất thêm nhiều thời gian, công sức dọn dẹp mà lẽ ra có thể dành để nghỉ ngơi.
Đồ ăn sáng bên ngoài nếu chất lượng thì đương nhiên sẽ đắt hơn một chút. Nhưng vì hàng quán nấu số lượng lớn sẽ giảm được chi phí hơn tự nấu ở nhà, nên tính ra giá thành so với chất lượng vẫn xứng đáng. Theo tôi thấy, nếu làm việc ở thành phố lớn, chỉ cần ra đường, ra ngõ là có rất nhiều hàng quán với đủ loại đắt rẻ, vừa nhanh vừa tiện Việc bạn chi nhiều hay ít tiền cho mỗi bữa ăn là do lựa chọn của mỗi người.
Nếu có khả năng tài chính một chút, tôi vẫn khuyên mọi người không nên cố tự nấu ăn. Dù biết là tự nấu sẽ chất lượng và ngon miệng hơn, nhưng bạn sẽ tốn nhiều thời gian và cuối cùng cũng chẳng giảm chi phí được bao nhiêu. Muốn giảm chi phí sinh hoạt, bạn phải giảm mua sắm và giảm tiêu xài hoang phí đi. Chứ lao động cuối cùng cũng là để tạo ra của cải, dùng chúng để đổi lấy đồ ăn cung cấp sức khỏe, có sức khỏe lại làm ra tiền. Nên giải pháp ăn uống kham khổ theo tôi rất không nên.
Người giàu có một câu rất hay để phấn đấu, đó là: 'Đừng tiết kiệm tiền cho những nhu cầu cơ bản của bản thân, hãy nghĩ cách kiếm thêm tiền để phục vụ nhu cầu cơ bản của bản thân'".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.