Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn điển hình, bệnh có thể gây biến chứng lên thận, nên còn được gọi là viêm cầu thận lupus. Ở những người bệnh lupus ban đỏ, thay vì tấn công các tác nhân gây hại cho cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các mô và cơ quan khỏe mạnh, bao gồm cả thận.
TTƯT.TS.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, sự nhầm lẫn này gây ra tình trạng viêm thận và có thể dẫn đến tiểu ra máu, có protein trong nước tiểu, cao huyết áp, suy giảm chức năng thận hoặc thậm chí là suy thận. Khoảng 60% người bệnh lupus ban đỏ hệ thống phát triển bệnh biến chứng viêm cầu thận. Cứ mỗi 10.000 người trên thế giới có 3 người mắc phải bệnh lý này. Viêm thận lupus thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, trong độ tuổi từ 20-40.
Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm thận lupus là tổn thương thận vĩnh viễn, làm suy giảm chức năng thận, gây bệnh thận mạn tính hoặc suy thận. Lúc này, để duy trì chức năng thận, người bệnh có thể cần chạy thận hoặc ghép thận. Theo bác sĩ Tạ Phương Dung, dù viêm thận lupus là bệnh lý nguy hiểm nhưng trong đa số trường hợp, bệnh sẽ không phát triển thành suy thận nếu người bệnh tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Nguyên nhân chính gây viêm thận lupus là do bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm: gen di truyền, giới tính, tác nhân từ môi trường như thuốc lá, virus gây bệnh zona, căng thẳng...
Những triệu chứng không đặc trưng của bệnh gồm phù chân, mắt cá chân và bàn chân; hoặc phù mặt, phù tay (ít gặp hơn). Tuy biểu hiện có thể khác nhau ở mỗi người bệnh nhưng thường bao gồm: tăng cân, huyết áp cao, nước tiểu đậm màu, sủi bọt hoặc có máu trong nước tiểu, tăng nhu cầu đi tiểu, đặc biệt vào ban đêm.
Do các triệu chứng không xuất hiện thường xuyên, có xu hướng ngắt quãng nên tổn thương thận được phát hiện chủ yếu thông qua kết quả xét nghiệm nước tiểu.Bác sĩ Dung lưu ý, không phải vấn đề nào về tiết niệu ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống cũng là dấu hiệu của viêm cầu thận lupus. Đôi khi, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Hiện nay, các phương pháp điều trị bệnh viêm cầu thận lupus chỉ nhằm mục tiêu giảm triệu chứng, làm chậm sự phát triển của bệnh, giảm nguy cơ lọc máu và ghép thận. Tùy tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc như corticoid (giúp giảm viêm nhưng người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ đề phòng biến chứng), thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kiểm soát huyết áp (thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) giúp ngăn protein rò rỉ từ thận vào nước tiểu; thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông (nếu cần).
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, tình trạng mất chức năng thận vẫn có thể tiếp tục phát triển. Nếu điều trị bằng thuốc không còn phát huy hiệu quả, người bệnh sẽ cần thực hiện lọc máu. Kỹ thuật này giúp loại bỏ chất lỏng và chất thải ra khỏi cơ thể, duy trì cân bằng các khoáng chất trong máu và kiểm soát huyết áp. Ghép thận là phương pháp điều trị cuối cùng đối với bệnh thận lupus.
Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn, người bệnh nên thực hiện thói quen sống lành mạnh: đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, ăn ít muối để duy trì huyết áp ở mức khỏe mạn, hạn chế nạp kali, phốt pho, protein và cholesterol nếu chức năng thận đã suy giảm, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không hút thuốc và uống rượu, tập thể dục thường xuyên.
Hoàng Trang