Trả lời:
Viêm cầu thận có hai thể cấp tính và mạn tính, do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Đây là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở mọi độ tuổi. Trẻ 4-7 tuổi thường mắc viêm cầu thận cấp, còn người lớn tuổi là viêm cầu thận mạn.
Theo một thống kê từ Tổ chức Thận Quốc gia tại Mỹ, những người có nguy cơ mắc viêm cầu thận mạn đều có người thân trong gia đình bị bệnh tương tự. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng ghi nhận nhiều trường hợp thành viên trong gia đình cùng mắc bệnh thận. Viêm thận mạn tính có thể liên quan đến di truyền.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như tái phát viêm cầu thận ở cả hai thể bao gồm gia đình hoặc bản thân bị bệnh thận, nhất là từng mắc viêm cầu thận; người bệnh đái tháo đường, huyết áp cao hoặc bệnh về tim mạch; phơi nhiễm độc tố.
Riêng thể mạn tính, người thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia; viêm cầu thận cấp kéo dài hoặc tái phát nhiều lần; dùng thuốc có hại cho thận; ăn quá nhiều muối; béo phì hay có cấu trúc thận bất thường... thuộc nhóm nguy cơ. Nếu nhiễm khuẩn, nhiễm virus, bệnh có thể nặng hơn.
Viêm cầu thận là bệnh nghiêm trọng, nhưng triệu chứng khá mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Tùy loại viêm cầu thận mà triệu chứng khác nhau, phổ biến như phù mắt cá chân hoặc mặt, toàn thân; nước tiểu sẫm màu hoặc lẫn máu, có bọt; đi tiểu nhiều; huyết áp cao...
Anh nên đến các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa thận, tiết niệu để được tầm soát, chẩn đoán chính xác. Anh và người thân nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ hai lần một năm. Phát hiện bệnh sớm giúp hiệu quả điều trị cao hơn, tránh biến chứng nguy hiểm.
BS.CKII Nguyễn Hữu Nhật
Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc về bệnh thận, gửi câu hỏi tại đây. |