Vì sao bệnh này triệu chứng đơn giản nhưng phát hiện lại ở giai đoạn muộn? (Tuấn Anh, Bà Rịa Vũng Tàu)
Trả lời:
Ung thư biểu mô tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trên 50 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định, nhưng có liên quan đến độ tuổi, chủng tộc, di truyền trong gia đình, môi trường sống...
Ung thư tuyến tiền liệt thường được phát hiện trễ khi ung thư đã xâm lấn mô xung quanh tuyến tiền liệt, túi tinh. Lúc này, tế bào ung thư cũng có thể đã di căn tới hạch bạch huyết, xương, gan, phổi. Nguyên nhân là do giai đoạn đầu, khối u tuyến tiền liệt thường nhỏ và phát triển chậm, chưa ảnh hưởng đến các vùng xung quanh. Người bệnh không có triệu chứng hoặc có nhưng không đặc hiệu như tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu đêm... Do đó, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lành tính khác như tăng sản tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt.
Một số người bệnh có tâm lý chủ quan, không để ý tới các triệu chứng này hoặc nghĩ là do tuổi tác thông thường, không đi khám sớm. Khi các triệu chứng đã rõ ràng, diễn tiến nặng thì bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Do đó, nam giới từ 50 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt dù không triệu chứng. Người có nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người bị bệnh này hoặc bị đột biến gene liên quan ung thư tuyến tiền liệt nên kiểm tra sớm hơn từ lúc 45 tuổi.
Nếu phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể khả năng khỏi bệnh tới 80-90%, tỷ lệ sống ít nhất 5 năm là 99%. Ở giai đoạn muộn, u tiến triển có thể chèn ép niệu đạo gây rối loạn tiểu, xâm lấn bàng quang và niệu quản gây tiểu máu, suy thận, đau vùng chậu, phù chân do u xâm lấn hoặc đau cột sống do di căn đến xương, nguy hiểm đến tính mạng. Tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 30%.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn hai. Ảnh minh họa: Diệu Quí
Trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) như bố của bạn được điều trị bằng các liệu pháp toàn thân. Mục đích là làm chậm tiến triển của ung thư, đồng thời kéo dài thời gian sống của bệnh nhân, chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn như ở giai đoạn sớm.
Điều trị nội tiết là phương pháp điều trị chủ yếu giai đoạn này, triệt tiêu sản xuất hormone sinh dục nam (testosterone) để làm giảm tiến triển ung thư. Có hai cách thực hiện là dùng thuốc hoặc phẫu thuật cắt hai tinh hoàn. Điều trị giảm nhẹ tùy tình trạng sức khỏe người bệnh bằng các thuốc giảm đau, xạ trị hỗ trợ hoặc phẫu thuật giải quyết tắc nghẽn đường tiểu do ung thư xâm lấn...
Bạn nên đưa bố đến bệnh viện khám để được bác sĩ chỉ định phương pháp phù hợp.
ThS.BS Nguyễn Tân Cương
Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |