Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người Việt nói riêng và người Đông Nam Á nói chung thuộc vành đai sỏi hoặc dịch tễ dễ bị sỏi. Theo thống kê có khoảng 10-14% người Việt có sỏi thận.
Nguyên nhân dẫn đến nhiều người Việt bị sỏi thận là do Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới nên lượng nước tiêu chuẩn 2 lít/ngày sẽ không đủ đáp ứng cho các hoạt động mất nước gồm đi tiêu, chảy mồ hôi, mất nước qua hơi thở. Thận có chức năng thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể, nếu lượng nước uống vào ít nhưng chất hòa tan nhiều hơn thì khả năng chất cặn bã đọng lại, kết tinh gây sỏi cao hơn.
Bữa ăn của người Việt thường coi trọng món mặn, có đĩa nước mắm ớt vắt chanh. Các món khoái khẩu của người Việt là mắm, khô sặc, tôm khô, kho tộ, thịt kho tàu... Tuy nhiên khi ăn mặn, nước tiểu thải ra cũng mặn, dễ kết tinh thành sỏi.
Ngoài ra, nước máy hầu như chưa được khử hết chất vôi, sử dụng nước máy trong ăn uống, nấu nướng cũng dễ gây ra bệnh sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng. Đây là lý do vì sao ở một số vùng của các tỉnh Ninh Bình, Tây Ninh có nhiều người mắc sỏi thận.
Theo PGS.BS Chuyên, một yếu tố gây sỏi khác ở người Việt là do vấn đề nhiễm khuẩn đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiết niệu). Nhiễm trùng đường tiết niệu làm phân hóa urê và gây ra tính kiềm trong nước tiểu, gián tiếp tạo ra sỏi. Trong khi người Việt có tỷ lệ nhiễm trùng đường tiểu khá nhiều.
Nhận biết sớm sỏi thận
Dấu hiệu đầu tiên cho biết một người bị sỏi thận là đau. Cơn đau do sỏi có 2 loại gồm đau do hòn sỏi di chuyển vì cơ thể cố gắng tống hòn sỏi ra ngoài, gọi là "cơn đau bão thận". Cơn đau xuất phát từ bên lưng ra trước rồi xuống bàng quang. Một kiểu đau khác là cơn đau ê ẩm, đau ở bên lưng, đôi khi căng tức lên do thận ứ nước, thậm chí ứ mủ, báo hiệu thận sắp hỏng.
Dấu hiệu sỏi thận thứ hai là tiểu ra máu. Do hòn sỏi có gai nên khi cọ xát vào đường tiểu gây tình trạng tiểu ra máu, thường xảy ra khi hoạt động nhiều.
Theo PGS.BS Chuyên, nếu cơ thể có sỏi khi đi tiểu sẽ gặp tình trạng tiểu buốt nhưng không phải lúc nào tiểu buốt cũng đồng nghĩa với việc mắc sỏi. Nguyên nhân là vì những triệu chứng sỏi thận hay trùng hợp với các bệnh khác. Để biết chính xác có sỏi hay không các bác sĩ có thể xét nghiệm nước tiểu. Nước tiểu có bạch cầu, vi trùng, nitrit có nghĩa viêm đường tiểu còn siêu âm thấy sỏi thì mới khẳng định sỏi thận.
PGS.BS Vũ Lê Chuyên lưu ý, khi có những triệu chứng như trên người bệnh nên uống thật nhiều nước vì 70-80% hòn sỏi mới hình thành có thể tự thoát ra ngoài qua đường tiểu.
Để biết uống bao nhiêu nước là đủ, người bệnh có thể dựa theo công thức cân nặng x 40 sẽ ra số nước (cc) cần uống trong ngày. Ví dụ, với người 50kg, lượng nước cần uống là: 50 x 40 = 2.000 cc, tức 2 lít nước; 60kg là 2.400 cc.
"Nếu làm việc trong môi trường nóng nực, chơi thể thao nhiều phải bù đủ lượng nước đã mất. Quan trọng là mọi người cần đi tiểu đủ, nước tiểu phải trong. Nếu nước tiểu vàng phải xem lại đã uống đủ nước chưa", Bác sĩ Chuyên cho hay. Ngoài việc uống nhiều nước, cần thường xuyên vận động, nhảy dây, vì hòn sỏi nhỏ thường dính vào trong niêm mạc thận, khi vận động (nhất là nhảy dây), sỏi có thể rời rạc và tăng cơ hội thoát ra, nhất là sỏi đài dưới.
Theo PGS.BS Vũ Lê Chuyên, nhiều người bị tiểu rát, tiểu buốt liền mua kháng sinh để uống. Tuy nhiên việc uống thuốc không đúng chỉ định, liều lượng có thể xảy ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Hiện nay rất nhiều bệnh nhân bị đa kháng, siêu kháng, cực kháng khiến điều trị khó khăn.
Điều trị sỏi thận
PGS.BS Vũ Lê Chuyên cho biết, phương pháp tầm soát duy nhất để phát hiện sỏi là siêu âm định kỳ. Máy siêu âm nhạy cảm với sỏi vì nó có nốt cản âm, tính năng này giúp các bác sĩ dễ dàng phát hiện sỏi.
Việc chọn phương pháp điều trị sỏi phụ thuộc nhiều vào vị trí và kích thước của viên sỏi. Khi hòn sỏi rơi xuống niệu quản gần bàng quang, có thể dùng ống nội soi bán cứng và tia laser tán sỏi thành bụi. Trường hợp hòn sỏi ở trên cao dùng ống nội soi mềm để đưa lên. Khi sỏi ở trung thận thì dùng máy tán sỏi thận xuyên da đâm một lỗ nhỏ trên thận để phá sỏi. Phương pháp nội soi tán sỏi này đang được áp dụng nhiều nhất, vì ưu thế điểm ít xâm lấn, là bệnh nhân không đau, ít chảy máu và mau hồi phục. Hơn thế nữa, với màn hình 2D-3D độ phân giải cao, phương pháp này giúp bác sĩ xác định chính xác viên sỏi và xử lý sạch sỏi tại cơ quan.
Nếu hòn sỏi kích thước nhỏ (chỉ 1cm), sỏi cản quang và độ cản quang không cứng thì bác sĩ có thể tán sỏi ngoài cơ thể, ít xâm lấn, bệnh nhân không phải nằm viện mà chi phí rẻ hơn.
Với những viên sỏi kích thước to, ví dụ 7cm (chiều dài thận là 12cm) thì mổ hở thích hợp nhất, giúp lấy hoàn toàn viên sỏi. Một số trường hợp có thể lấy sỏi thận xuyên qua da, cần tay nghề chuyên môn và máy móc hiện đại để đưa máy vào, tán dần dần sỏi ra. Sỏi 7cm có thể tán một lần không hết, nên cần làm lần 2, 3 lần. Phương pháp này tốn kém hơn, mất nhiều thời gian hơn nhưng chức năng thận được bảo tồn do chỉ bị vết sẹo thật nhỏ (đưa máy vào để lấy sỏi), thận không bị xẻ đường dài.
PGS.BS Vũ Lê Chuyên nhấn mạnh, viên sỏi 5-7 mm không phải là vấn đề lớn nhưng đáng lo ngại khi gây nhiễm trùng, tái phát nhiều lần. Khi có triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, người bệnh cần điều trị nghiêm túc vì viên sỏi gây ra nhiễm trùng nhưng nhiễm trùng cũng có thể gây ra sỏi.
"Vậy nên phải điều trị song song sỏi và nhiễm trùng để dứt điểm tình trạng bệnh. Với các trường hợp này, bệnh nhân có thể dùng thuốc, tán sỏi dưới da. Song song đó điều trị dứt nhiễm trùng vì nếu nhiễm trùng thì không thể tán sỏi được, chưa kể nếu nhiễm trùng sẽ tái phát nhiều lần, điều trị xong sỏi này, sỏi khác lại xuất hiện", PGS.BS Chuyên cho biết.
Anh Chi