Ước tính một người trưởng thành đi tiểu trung bình khoảng 7 lần mỗi ngày. Nếu bạn đi tiểu hơn tám lần vào ban ngày và hơn hai lần mỗi đêm được coi là bất thường. Bên cạnh chế độ ăn uống, một vài yếu tố liên quan đến tuổi tác cũng có thể làm tăng nhu cầu đi tiểu và dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
Bàng quang tăng hoạt
Thỉnh thoảng có những ngày đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn là điều bình thường, nhưng hiện tượng này diễn ra thường xuyên có thể là dấu hiệu của chứng bàng quang tăng hoạt hay bàng quang hoạt động quá mức (OAB).
Nguyên nhân của OAB vẫn chưa được xác định rõ nhưng lão hóa là một yếu tố nguy cơ, xảy ra cả ở nam và nữ giới. Nhiều người có thể cảm nhận được hiện tượng đi tiểu thường xuyên hơn khi bước vào tuổi 40 trở đi.
Cơ sàn chậu yếu hơn
Cả lão hóa cũng như việc trải qua quá trình sinh nở đều có thể góp phần làm mất khối lượng cơ ở sàn chậu. Nằm giữa xương mu và xương cụt, dải cơ này chịu trách nhiễm hỗ trợ bàng quang và hậu môn, khi các cơ mất dần và yếu đi sẽ gây khó khăn trong việc tống toàn bộ nước tiểu ra khỏi bàng quang. Điều này có thể dẫn đến việc phải đi tiểu thường xuyên hơn.
Phì đại tuyến tiền liệt
Ở nam giới trưởng thành, tuyến tiền liệt có kích thước bằng quả bóng golf, có nhiệm vụ sản xuất chất dịch để tạo môi trường sống và hoạt động cho tinh trùng. Kích thước bộ phận này tiếp tục phát triển theo tuổi tác nhưng nếu tăng quá lớn có thể gây áp lực lên bàng quang và khiến việc đi tiểu thường xuyên hơn.
Phì đại tuyến tiền liệt hay còn gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là bệnh phổ biến hay gặp ở nam giới trung niên và có thể điều trị bằng thuốc.
Thay đổi mô bàng quang
Theo Viện Lão hóa quốc gia Mỹ NIA, các mô có tác dụng đàn hồi, co giãn của bàng quang có thể suy giảm chức năng theo tuổi tác, làm giảm khả năng chứa nước tiểu. Điều này cũng khiến bàng quang co bóp ngoài ý muốn, làm tăng khả năng rò rỉ nước tiểu, thôi thúc cảm giác mót tiểu thường xuyên hơn.
Mắc bệnh đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện đi tiểu thường xuyên và phổ biến hơn theo tuổi tác. Đặc biệt, phụ nữ mãn kinh dễ mắc bệnh này hơn do nồng độ hormone estrogen suy giảm có thể làm giảm sản xuất vi khuẩn thân thiện (chẳng hạn như Lactobacillus), làm giảm độ pH của âm đạo khiến việc ngăn chặn vi khuẩn gây nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn.
Cách quản lý cảm giác buồn tiểu gấp
Kiểm soát việc đi tiểu: Bạn không cần phải vào nhà vệ sinh ngay khi cảm thấy buồn tiểu. Các chuyên gia khuyến nghị, việc luyện tập thói quen cho bàng quang, tức là cố ý trì hoãn việc đi tiểu với khoảng thời gian tăng dần theo thời gian, có thể làm giảm tần suất đi tiểu. Tuy nhiên, đừng nhịn tiểu quá lâu có thể khiến cơ bàng quang yếu đi và tăng nguy cơ nhiễm trùng, hãy cố gắng đi tiểu ít nhất 3-4 giờ một lần.
Chú ý đến lượng nước uống hàng ngày: Uống đủ nước là điều quan trọng nhưng không nên uống nhiều hơn mức cần thiết. Nếu bạn có thân hình không quá lớn, không hoạt động nhiều hoặc không đổ mồ hôi nhiều, bạn có thể không cần uống 8 ly như khuyến cáo. Thay vào đó, chỉ uống lượng phù hợp với cơn khát, chuyển sang uống từng ngụm nhỏ và trải đều hơn sẽ giúp giảm cảm giác muốn đi tiểu.
Lưu ý rượu và caffeine: Cả hai đồ uống này đều có thể kích thích bàng quang và tăng cảm giác muốn đi tiểu, vì vậy hãy cân nhắc khi sử dụng nếu đang bị chứng đi tiểu nhiều lần. Uống rượu trước khi đi ngủ có thể gây đi tiểu vào nửa đêm.
Các bài tập cơ sàn chậu: Theo NIA, thường xuyên thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cho sàn chậu như kegels có thể giúp giảm tần suất đi tiểu, tiểu rắt và rò rỉ nước tiểu. Chúng cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu và các bệnh nhiễm trùng khác nhờ tăng cường cơ sàn chậu, giúp bàng quang dễ dàng tống hoàn toàn nước tiểu ra ngoài.
Bảo Bảo (Theo Livestrong)