Rối loạn cương dương (ED) là một tình trạng thường xảy ra ở đàn ông trên 40 tuổi. Nam giới trong độ tuổi 40 có khoảng 40% khả năng mắc một số dạng ED, dù ở mức nhẹ, trung bình, hoặc nặng. Cứ 10 năm, rủi ro sẽ tăng thêm 10%.
Tuy nhiên, nam giới dưới 40 tuổi cũng có thể gặp tình trạng này. Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Y học Tình dục cho thấy 26% trường hợp ED xảy ra ở những người từ 40 tuổi trở xuống. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng những nam giới trẻ tuổi tìm đến bác sĩ để điều trị chứng rối loạn này có nhiều khả năng bị ED nặng hơn nam giới trên 40 tuổi. Nguyên nhân có thể là do họ e ngại điều trị.
Các nghiên cứu khác cho hay khoảng 8% nam giới trong độ tuổi từ 20-29 và 11% nam giới trong độ tuổi 30-39 mắc một số dạng ED. Con số thực tế có thể còn cao hơn vì nam giới dưới 40 tuổi ít tìm cách điều trị hơn những người trên 40 tuổi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 30 triệu nam giới, tương đương 1/5 số nam giới ở nước này mắc một số dạng rối loạn cương dương.
Nhìn chung, những nam giới trẻ bị ED có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn, số lượng testosterone cao hơn và ít tình trạng bệnh đi kèm hơn so với những người lớn tuổi. Mặt khác, họ có tỷ lệ hút thuốc và sử dụng ma túy cao hơn, đây đều là những yếu tố nguy cơ gây ra ED.
Nguyên nhân gây rối loạn ở nam giới trẻ tuổi cũng khác với nam giới lớn tuổi. Sự cương cứng là một phản ứng sinh lý phức tạp liên quan đến não, nội tiết tố, dây thần kinh, cơ và hệ tuần hoàn. Nếu bất kỳ hệ thống nào trong số này gặp sự cố đều có thể dẫn đến ED. Ngoài các nguyên nhân sinh lý (hữu cơ), còn có nguyên nhân tâm lý.
Nguyên nhân hữu cơ
Nguyên nhân hữu cơ của ED bao gồm bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến khả năng sinh lý để đạt được hoặc duy trì sự cương cứng. Ở nam giới trẻ, các nguyên nhân hữu cơ này bao gồm:
Rối loạn nội tiết như tiểu đường, thiểu năng sinh dục bẩm sinh, cường giáp, suy giáp, thiểu năng sinh dục (testosterone thấp) và hội chứng Klinefelter.
Các tình trạng thần kinh như động kinh, đa xơ cứng và chấn thương tủy sống.
Các tình trạng mạch máu như bệnh Peyronie, bệnh động mạch ngoại vi (PAD) và bệnh động mạch vành sớm (CAD).
Các loại thuốc bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc chống loạn thần, opioid và ma túy bất hợp pháp như cocaine, heroin và methamphetamine.
Ở nam giới dưới 40 tuổi, hút thuốc và sử dụng ma túy để tiêu khiển luôn được coi là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến ED.
Nguyên nhân tâm lý
Cảm xúc và tâm trạng cũng đóng một vai trò quan trọng trong khả năng đạt được sự cương cứng vì chúng liên quan đến thần kinh, hormone và hệ tuần hoàn. Có hai khía cạnh của sự cương cứng: sự cương cứng theo phản xạ, tức chịu ảnh hưởng của xúc giác, và sự cương cứng do tâm lý, chịu ảnh hưởng của cảm xúc và kích thích khiêu dâm.
Cảm xúc và tâm trạng tiêu cực có thể làm giảm khả năng đạt được hoặc duy trì sự cương cứng. Trong một số trường hợp hiếm gặp, đây thậm chí có thể là nguyên nhân duy nhất gây ra ED. Ngay cả khi nguyên nhân chính là do thể chất thì căng thẳng tinh thần mà một người đang trải qua cũng có thể làm cho tình trạng bệnh tồi tệ hơn.
Nguyên nhân tâm lý phổ biến dẫn tới ED bao gồm: trầm cảm, áp lực gia đình hoặc xã hội, các vấn đề sức khỏe tâm thần như tâm thần phân liệt, lo lắng về khả năng tình dục, chấn thương tâm lý, vấn đề trong mối quan hệ... Các nguyên nhân tâm lý có thể ảnh hưởng đến nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng nam giới trẻ hơn có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn vì họ thường được cho là "mạnh mẽ" hơn và có "khả năng tình dục" cao hơn.
Điều trị ED ở nam giới trẻ tuổi
Hầu hết trường hợp ED có thể điều trị được, nhưng rối loạn này có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tim giai đoạn sớm. Nếu bị ED, dù ở tuổi nào, hãy nhanh chóng trao đổi với bác sĩ.
Các phương pháp điều trị ED thường được sử dụng ở người lớn tuổi cũng có thể được áp dụng cho những người trẻ tuổi, nhưng phương pháp điều trị đạt hiệu quả nhất sẽ khác nhau ở mỗi người. Sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, tư vấn, dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác .
Thay đổi lối sống
Nghiên cứu không chỉ ra rằng thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến ED ở nam giới trẻ tuổi, một phần là do hệ thống tim mạch của họ khỏe hơn nên có xu hướng bù đắp điều này. Một số thay đổi lối sống đơn giản có thể giúp cải thiện khả năng cương cứng cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể bao gồm: ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn; tập thể dục thường xuyên, bỏ hút thuốc, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc, tránh dùng chất kích thích.
Dùng thuốc: Có một số loại thuốc uống và tiêm được dùng để điều trị ED, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Thuốc tiêm testosterone được sử dụng đặc biệt cho nam giới được chẩn đoán mắc chứng suy sinh dục (khi cơ thể không sản xuất đủ testosterone). Những loại thuốc này có thể tăng cường chức năng cương dương.
Tâm lý trị liệu: Bao gồm liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT), liệu pháp dựa trên chánh niệm (MBT) và liệu pháp tình dục. Tư vấn có thể diễn ra với các cặp vợ chồng hoặc nhóm, hoặc được thực hiện trên cơ sở một đối một.
Thiết bị bơm dương vật: Thiết bị này giúp hút máu vào dương vật, gây cương cứng.
Phẫu thuật: Nếu tất cả các phương pháp điều trị khác không thành công, phẫu thuật có thể được coi là biện pháp cuối cùng. Phương pháp này đặc biệt có lợi cho nam giới bị ED do bệnh tiểu đường, bệnh mạch máu và tổn thương tủy sống.
Anh Ngọc (Theo Very Well Health)