"Chuyện có quá nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, mỗi trường học một loại từ nhiều năm trước đã là vấn đề khiến nhiều phụ huynh bức xúc, dư luận quan tâm. Không hiểu sao ngày trước anh chị học trước có thể truyền lại sách cho lớp sau, còn bây giờ con tôi năm nào cũng phải mua sách mới của nhiều nhà xuất bản khác nhau, học xong cũng không thể cho lại, rất lãng phí. Vậy mà sao giờ những khuất tất, lợi ích nhóm trong việc xuất bản sách mới bị xử lý?".
Đó là thắc mắc của độc giả Anh hn sau khi Cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục, Nguyễn Đức Thái, bị cáo buộc đã chỉ đạo đưa hai doanh nghiệp chuyên đi tiền "cửa sau" vào danh sách trúng liên tiếp các gói thầu cung cấp giấy in sách. Theo cơ quan điều tra, đơn vị này thường xây dựng dự toán các gói thầu dựa trên giá trúng thầu của năm trước cộng thêm 10%, không căn cứ vào quy định và không có hồ sơ dự toán. Năm 2017, NXB Giáo dục đã lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn - việc làm này bị C03 đánh giá là trái quy định, khi các gói thầu đều có giá trị lớn hơn một tỷ đồng.
Cùng chung nỗi bức xúc, bạn đọc Dsthanhloc bình luận: "Sao không xử lý ngay từ đầu, để kéo dài tình trạng này suốt bao năm qua, khiến bao lứa học sinh và phụ huynh phải chịu khổ?".
"Đáng nhẽ phải thanh tra từ lâu rồi mới phải. Tôi ra trường đến mấy chúc năm mà đọc sách giáo khoa bây giờ dù nhiều bộ nhưng chán hơn xưa rất nhiều. Và năm nào tôi cũng thấy xót xa vì sách cứ học xong là phải vứt đi, không dùng lại được, quá lãng phí", độc giả Mkvn nói thêm.
>> 'Chỉ cần một bộ sách giáo khoa dùng chung cả nước'
Đặt dấu hỏi về hiệu quả của việc có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, bạn đọc Quenhetroi cho rằng: "Phụ huynh chúng tôi rất quan tâm tới việc tại sao phải in nhiều bộ sách giáo khoa cho một cấp học như vậy, trong khi sang năm cũng không sử dụng lại được bộ sách cũ? Điều đó gây rất nhiều tốn kém cho phụ huynh và xã hội. Phải chăng tất cả cũng chỉ vì phục vụ lợi ích nhóm của một số cá nhân?".
Đồng quan điểm, độc giả Vinhgiang nhấn mạnh: "Thảo nào mỗi năm lại phát hành ra nhiều bộ sách giáo khoa và thay đổi liên tục như vậy. Hậu quả chỉ làm cho phụ huynh đau đầu, khổ sở trong việc lựa chọn và mua sách giáo khoa cho con. Mỗi năm lại đổi sách một lần, sách của năm trước không dùng được cho những năm sau, một sự lãng phí khủng khiếp mà lẽ ra cần phải được xử lý từ lâu rồi mới phải".
Bày tỏ mong đợi vào những thay đổi tích cực trong việc phát hành sách giáo khoa thời gian tới, bạn đọc Nguyễn Hà- Lãn Ông kết lại: "Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe với tinh thần cầu thị, vì lợi ích của người dân và xã hội:
Thứ nhất, thống nhất áp dụng dạy học một bộ sách giáo khoa trên toàn quốc để thống nhất kiến thức. Các học sinh hoặc giáo viên có chuyển trường đi các tỉnh khác cũng sẽ không gặp khó khăn về học và dạy học.
Thứ hai, chất lượng sách phải tốt, không làm bài tập và viết trực tiếp vào sách để dùng lại được tối thiểu ba năm, tiết kiệm cho cha mẹ học sinh, đặc biệt là những vùng khó khăn, thu nhập thấp, tiết kiệm cho xã hội, bảo vệ môi trường và bảo vệ rừng.
Thứ ba, việc chỉ chọn một bộ sách giáo khoa chung để giảng dạy cũng sẽ giảm đi các tiêu cực trong hoạt động in ấn, phát hành và sử dụng".
- Sách giáo khoa 'no dồn, đói góp'
- Rối rắm chọn sách giáo khoa
- 'Nhiều bộ sách giáo khoa nhưng không có sự lựa chọn'
- 'Cải cách dạy nghề thay vì đổi sách giáo khoa'
- Tôi ước độ dày sách giáo khoa giảm một phần ba
- 'Loại sách bài tập ra khỏi bộ sách giáo khoa'