Anh Điền mổ nội soi sỏi thận tại bệnh viện ở Bình Dương một tháng trước, nhưng không thành công, được đặt ống dẫn nước tiểu chờ phẫu thuật lần sau. Về nhà, anh sốt cao, rét run, mệt mỏi, tức ngực, tiểu rắt, tiểu buốt, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu.
Ngày 27/11, tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết người bệnh từng đặt ống thông niệu quản để tán sỏi thận, xuất hiện các triệu chứng này nên có khả năng nhiễm trùng máu do nhiễm khuẩn từ đường tiết niệu.
Bác sĩ Liên phối hợp bác sĩ khoa Cấp cứu truyền kháng sinh liều cao, phổ rộng kèm truyền dịch cho bệnh nhân. Trước khi điều trị, người bệnh được chỉ định cấy nước tiểu, cấy máu trong lúc sốt để xác định mức độ và nguyên nhân nhiễm trùng.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng bạch cầu tăng gấp 2-6 lần bình thường, chỉ số CRP (đánh giá tình trạng viêm, nhiễm trùng) tăng rất cao lên 266 mg/dl (CRP bình thường dưới 5 mg/dl), chứng tỏ nhiễm trùng đã tấn công vào máu người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ còn phát hiện anh Đức mắc đái tháo đường type 2.
Kết quả cấy nước tiểu phát hiện vi khuẩn gây bệnh là Burkholderia cepacia. Theo bác sĩ Liên, đây là vi khuẩn hiếm gặp gây nhiễm khuẩn tiết niệu, đề kháng rất nhiều loại kháng sinh. Người bệnh tiếp tục được điều trị bằng truyền kháng sinh phổ rộng, liều cao gấp đôi bình thường.
Trường hợp của anh Đức nếu không được kịp thời điều trị với kháng sinh phổ rộng liều cao ngay từ đầu, chức năng phổi giảm nhanh chỉ trong vài ngày, nhiễm khuẩn máu, sốc nhiễm khuẩn, nguy cơ đe dọa tính mạng.
Sau 12 ngày điều trị, anh Đức hết sốt, hết rét run, ăn uống bình thường, vận động nhẹ. Tình trạng nhiễm trùng giảm mạnh, số lượng bạch cầu trong máu ổn định, chỉ số CRP bình thường. Bệnh nhân được tán sỏi thận ngược dòng bằng ống soi mềm, xuất viện sau phẫu thuật hai ngày.
Bác sĩ Liên cho biết Burkholderia cepacia là vi khuẩn gram âm hiếu khí được tìm thấy trong nước (bao gồm cả nước biển có độ mặn cao), đất, bùn lầy. Vi khuẩn này phân bố nhiều ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào...
Burkholderia cepacia có thể sống lâu trong môi trường ẩm ướt, có khả năng bám dính trên bề mặt thiết bị y tế. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường hô hấp, đường ăn uống, vết thương hở, vết trầy xước trên da khi tiếp xúc với nguồn nước, đất ô nhiễm.
Khi hệ miễn dịch suy giảm, vi khuẩn này có thể sinh sôi, ảnh hưởng sức khỏe. Những người có đường huyết cao như bệnh nhân tiểu đường là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh.
Để phòng tránh vi khuẩn Burkholderia cepacia xâm nhập cơ thể, bác sĩ Liên khuyến cáo mọi người rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh chứa cồn, nhất là trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với vũng nước đọng, bùn lầy, đất, các thiết bị y tế.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |