Đời, có người sinh ra đã không lo nơi ăn chốn ở, học đại học là có sẵn cái nhà Hà Nội - Sài Gòn. Có người phải ở trọ từ thời sinh viên, rồi ra trường đi làm ở trọ thêm chục năm quần quật cày cuốc nhưng cũng không đua theo nổi giá nhà.
Có người cố gắng tới 40-50 tuổi vẫn phải ở trọ. Có người phải giỏi, nắm bắt thiên thời địa lợi thì phải chục năm sau khi ra trường mới mua được căn nhà đầu tiên.
>>'Nhà trọ tăng giá nếu bị đánh thuế bất động sản thứ hai'
Nói chung cái nhà là gánh nặng, là trách nhiệm lớn nhất cuộc đời người đàn ông, và nó là cái thành quả xứng đáng nhất mà người đàn ông bỏ công theo đuổi cả đời.
Năm 27 tuổi, cũng vì nghĩ vậy mà bản thân tôi cố gắng nhất có thể để có cái nhà, dù gánh nợ cũng phải chấp nhận. Bởi vì nợ có thể trả từ từ, chứ còn đợi có tiền mua nhà thì chỉ có trúng số hay trúng mánh lớn thôi. Bằng không người trẻ sẽ không đua nổi giá nhà leo thang như hiện nay.
Có cái nhà không chỉ để mình đỡ cực, mà còn để người thân mình không chịu cảnh khổ cực, bởi dù sao cái cảm giác đi làm về với cái phòng trọ với đi làm về với cái nhà của mình nó rất là khác, thật sự khác xa.
Tưởng tượng chiều tan sở đi làm về, có nằm lăn ra giữa nhà mà hít mà ngửi mùi tường mới sơn, sàn nhà mát lạnh, cùng người phụ nữ của mình nấu bữa cơm tối mới thấy an tâm hẳn về cuộc đời.
>> Đánh thuế để giảm bớt nỗi khổ mua nhà
Những cú tăng "sốc" giá nhà sẽ sớm đánh dấu chấm hết cho giấc mơ an cư lạc nghiệp của đa số người trẻ tuổi, vì làm công ăn lương bình thường chắc chẳng làm sao mua được nhà.
Với quan niệm xã hội y như bên Trung Quốc là đàn ông con trai phải có nhà riêng, có xe riêng thì mới đủ điều kiện lấy vợ, cứ thế nhiều người trẻ càng tự ti với bản thân. Tỷ lệ kết hôn giảm, ly hôn cao, sẽ sớm xoáy về bài toán an sinh xã hội, mọi thứ sẽ cứ lẩn quẩn như vậy nếu không giải quyết được các vấn đề đất đai, nhà ở hiện nay.
Ken Augustus
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.