Mảnh đất dù nằm ở mặt đường bê tông lớn của một khu dân cư đông đúc gần lộ lớn (đường Trần Văn Mười), ấy vậy mà hơn mười năm nay chúng tôi vẫn chưa thể làm giấy tờ (tách thửa và làm sổ hồng cho mảnh đất) vì miếng đất chúng tôi mua là đất lúa và không đủ diện tích để tách thửa.
Nhiều người đang sống ở đấy cũng mua đất như tôi bảo vợ chồng tôi sao không "đút" đại vài chục triệu để xây căn nhà cấp bốn mà ở chứ đợi chờ ra giấy mới xây thì khi nào mà mới có nhà mà ở.
>> Tôi thành 'người xấu' khi có nhiều bất động sản
Không đợi chờ được và cũng chẳng muốn vi phạm pháp luật chúng tôi đành phải vay ngân hàng mua một căn hộ chung cư để mà sinh sống. Mảnh đất mua từ 12 năm trước vẫn đang bỏ hoang cho các hộ dân xung quanh trồng rau trồng hoa cảnh mặc dù lâu lâu chúng tôi vẫn phải đóng tiền làm hạ tầng như nâng cấp đường bê tông và làm cống thoát nước.
Các cơn sốt đất trong thời gian qua bắt nguồn từ nhu cầu an cư rất lớn của người dân và lực lượng lao động nhập cư tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Giá đất tăng thường là biểu hiện tốt của sự tăng trưởng kinh tế của một địa phương.
Tuy nhiên các quy định về quản lý và sử dụng đất chưa cập nhật theo sự phát triển cụ thể của các địa phương. Thêm vào đó, việc các cán bộ địa phương chưa thực sự năng động trong việc đề xuất tháo gỡ vấn đề liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất của người dân nên tình trạng bất cập vẫn tồn tại kéo dài hàng chục năm trời nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.
Người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở thì vẫn phải chung chi để xây "lậu" một căn nhà cấp bốn và sống trong cảnh nơm nớp lo sợ một ngày nào đó bị cưỡng chế phá dỡ vì chẳng có một tờ giấy lận lưng.
Nhà nước thì chẳng thu được đồng thuế nào từ việc chuyển nhượng và thay đổi mục đích sử dụng đất.
Và cũng chỉ vì những quy định pháp luật về đất đai còn chưa hợp lý cũng tạo nên tình trạng sốt đất và giá đất cao đến phi lý ở một số địa phương trên cả nước. Một mảnh đất "thổ cư" có giá cao gấp đôi, gấp ba lần một mảnh đất "lúa" mặc dù hai mảnh đất có thể nằm cạnh nhau và cả khu vực đó chẳng còn ai trồng lúa cả hai ba chục năm nay. Một mảnh đất thổ cư có giá hàng tỷ đồng trong khi lương tối thiểu vùng của người lao động vùng I chưa đến bốn triệu rưỡi một tháng.
>> Sáu lý do người thu nhập 25 triệu nên thuê chung cư
Đất đai ở những khu vực được định hướng quy hoạch để phát triển thường khiến những nhóm người có "quan hệ" hưởng lợi. Những người này thường có đội ngũ "cò" đi thu gom đất nông nghiệp sau đó nhờ "quan hệ" để chuyển đổi mục đích sử dụng đồng thời tạo ra hạ tầng giả để phân lô bán nền với giá cao thậm chí cả chục lần giá đầu tư ban đầu. Lợi nhuận thu được từ đất lẽ ra phải nhập vào ngân sách lại chảy về túi riêng của một nhóm nhỏ trong xã hội, đây là điều giáo sư Đặng Hùng Võ có đề cập trong bài "Trục lợi từ đất công"
Giá nhà đất các khu vực kinh tế trọng điểm tăng đột biến trong thời gian ngắn khiến ước mơ sở hữu căn nhà đầy đủ pháp lý của người lao động, lực lượng chính tạo nên giá trị thặng dư cho xã hội ngày một trở nên xa vời. Điều này dẫn đến các "khu đô thị" tự phát và cả các khu nhà trọ nhếch nhác không được quy hoạch bài bản mọc lên ngày càng nhiều trên khắp cả nước.
Luật pháp của một quốc gia hay cán bộ nhà nước suy cho cùng là đều có nghĩa vụ chính là phụng sự cho lợi ích chung chứ không phải phục vụ riêng cho lợi ích của một cá nhân hoặc một nhóm người nào.
Đất đai là tài nguyên có hạn và nguồn lực rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế cho đất nước, mong các chính sách và luật pháp về quản lý sử dụng đất đai phải luôn cập nhật và thậm chí đi trước nhu cầu của xã hội để nguồn lợi từ đất là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong những năm tới.
Henry Nguyễn
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bàitại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.