Vừa qua, tôi có đọc một chia sẻ về "mua nhà 0 đồng", thực tế là vay toàn bộ số tiền mua nhà trước rồi trả góp sau. Tôi thấy đây là một bài học tài chính, có thể rút ra kinh nghiệm cho nhiều người trong quá trình chuẩn bị mua căn nhà đầu tiên.
Để sở hữu một căn nhà thành phố - tài sản của đời người, ngoài vốn tiền còn cần vốn kiến thức, vốn quan hệ.
1. Vốn tiền mặt
Nhìn thoáng qua, chúng ta đang thấy trả góp là "mua nhà 0 đồng". Nhưng thực tế không phải vậy. Đây chính xác là mua nhà không bỏ ra vốn tiền mặt trước, sau đó phải đủ thu nhập để trả góp lại. Hoặc bản thân họ cũng có sẵn chút tiền tích lũy để bù thêm vào thu nhập đóng trả góp thời gian đầu.
Ví dụ, nếu vay ngân hàng ba tỷ đồng, hàng tháng trung bình sẽ trả gốc lẫn lãi khoảng 38 triệu đồng (thời hạn vay 20-25 năm). Với số tiền 450 triệu đồng không lãi suất người nhà giúp đỡ, trường hợp trả trong 5 năm thì mỗi tháng sẽ trả gốc 7,5 triệu đồng.
Tổng cộng tiền "trả góp" hàng tháng để mua nhà khoảng 45 triệu đồng, cộng với tiền chi tiêu 20 triệu đồng, thì tổng thu nhập hàng tháng cần 65 triệu đồng (giả sử chưa có tiền tích lũy để bù thêm vào thu nhập). Nếu có sẵn tiền tích lũy 200 - 300 triệu đồng thì thu nhập cần 50 triệu đồng, mỗi tháng lấy tiền tích lũy bù vô 15 triệu đồng, "gồng" được trong 1-1,5 năm trong thời gian nỗ lực tăng thêm thu nhập và chờ giá nhà tăng.
Với một người, 65 triệu đồng một tháng là mức thu nhập cao của cấp quản lý trên 10-15 nhân viên, có trên 12 năm kinh nghiệm. Nhưng đây là mức thu nhập bình thường của một bạn kinh doanh buôn bán sau 2-3 năm thành công ổn định.
Trường hợp hai vợ chồng cùng mua nhà thì thu nhập mỗi người cần trên 30 triệu đồng một tháng, đây là mức thu nhập khá của một bạn cấp quản lý tầm trung trên 8 năm đi làm, và là mức thu nhập phổ biến của một bạn kinh doanh buôn bán thuận lợi sau một năm khó khăn ban đầu. Đương nhiên đi làm thuê thì không có rủi ro mất tiền, còn kinh doanh buôn bán thì phải chấp nhận rủi ro. Mọi người hay nhầm tưởng chỉ lấy thu nhập một người để mua nhà, mà quên mất thực tế phải dùng tổng thu nhập và tiền tích lũy của cả hai vợ chồng. Vì căn nhà thường là tổ ấm của một gia đình, chứ ít khi dành riêng để một người ở một mình suốt đời.
Mặt khác, thu nhập mỗi gia đình khác nhau nên sẽ cần cân đối giá trị căn nhà phù hợp với thu nhập của mình. Đừng đòi hỏi những căn nhà ở vị trí gần trung tâm, diện tích phải rộng như nhà người ta, hay những dự án mới, đẹp, xịn trong khi thu nhập của mình không đủ đáp ứng.
Ví dụ có thu nhập 65 triệu đồng thì mua nhà 3,5 tỷ; nếu thu nhập 45 triệu đồng thì mua chung cư cũ, nhà nhỏ 20m2-30m2 ở quận xa giá 2 tỷ; nếu thu nhập chỉ 35 triệu đồng thì mua chung cư cũ ở quận ven 1,4 tỷ, trường hợp thu nhập dưới nữa thì gần như khó có khả năng mua nhà, hoặc phải đánh đổi sống tiết kiệm hy sinh nhiều thú vui khác trong vài năm đến khi có thu nhập tốt hơn.
Vậy chả lẽ việc mua nhà không dành cho tất cả mọi người? Làm sao người nghèo có thể mua được nhà? Đáng tiếc, điều này là hoàn toàn chính xác. Chai nước tương "xịn" 100 nghìn đồng, nước mắm "hiệu" 300 nghìn đồng, tôm hùm hai triệu đồng một kg, chai bia nhập 200 nghìn đồng, cái điện thoại 30 triệu đồng, chiếc xe máy 100 triệu đồng... dù là những mặt hàng ít giá trị hơn căn nhà, cũng đã không phải dành cho tất cả mọi người. Do đó, căn nhà thành phố - tài sản của đời người cũng chỉ dành cho những người nỗ lực và xứng đáng.
Trong bình diện chung xã hội, người khá (thu nhập trên 20 triệu đồng) còn chưa có nhà, thì người trung bình (thu nhập 10-15 triệu đồng) và người nghèo (thu nhập dưới 8 triệu đồng) sao mua nhà nổi.
So với các nước tiên tiến khác mà chúng ta vẫn thường hay so sánh, trừ khi có sẵn nhà của cha mẹ và được làm việc gần nhà, những người thu nhập dưới mức khá cũng phải ở thuê cả đời khi lên thành phố làm việc. Vậy thay vì nằm than thở chờ giá nhà giảm về phù hợp với thu nhập của mình, hãy giúp mình (hoặc đời con mình) thoát nghèo, thoát trung bình để có cuộc sống tốt hơn.
2. Vốn ngân hàng + vốn nỗ lực + vốn kiến thức
Nhiều bạn thắc mắc nếu không có tài sản đảm bảo thì lấy gì vay tiền ngân hàng? Thực tế tài sản đảm bảo cho khoản vay ba tỷ này chính là căn nhà sẽ mua.
Để ngân hàng cho vay số tiền ba tỷ thì giá trị tài sản đảm bảo phải trên bốn tỷ (ngân hàng định giá bằng 85% - 90% giá thị trường, cho vay bằng 70% - 85% định giá).
Tài sản bốn tỷ mua rẻ được với giá 3,45 tỷ (thấp hơn 14% so với giá thị trường) cũng không quá hiếm, tùy vào hoàn cảnh - nhu cầu - độ nhạy thị trường của người bán; sự nhanh nhạy nắm bắt cơ hội - may mắn và không thể thiếu nỗ lực "nằm vùng" săn lùng suốt nhiều tháng trời của người mua. Đây cũng chính là vốn nỗ lực và vốn kiến thức.
Với trường hợp mua rẻ được hơn 14%, thì ngoài nhu cầu mua để ở còn là nhu cầu mua đầu tư. Nếu thu nhập không đủ gồng quá sáu tháng, hoặc gặp sự cố bị sụt giảm thu nhập đột xuất so với tính toán lúc ban đầu, vẫn có thể vừa ở (tiết kiệm tiền thuê nhà) vừa rao bán lại với giá bốn tỷ của thị trường để chốt lời (hoặc bán 3,8 tỷ, thấp hơn thị trường 5%, giảm lợi nhuận để ra nhanh).
3. Vốn quan hệ
Để mua được nhà tốt thì đương nhiên cần phải có mối quan hệ đáng tin cậy với những người làm trong ngành BĐS. Để thuận lợi mượn được tiền mua nhà, đương nhiên cũng cần phải có mối quan hệ tốt với người làm trong ngành ngân hàng, cũng như phải cư xử tốt với gia đình, bạn bè. Thậm chí khi vay vốn ngân hàng, để dễ nhờ công ty xác nhận thu nhập cũng phải "dễ nhìn" trong mắt sếp.
Không nhiều người may mắn như vậy. Không phải ai cũng có gia đình, người thân cho vay không lãi. Vậy thì thay vì mua nhà 3,45 tỷ với sự trợ giúp 450tr của người thân, vẫn có thể mua được nhà 2,8 tỷ - 2,9 tỷ bằng chính tự lực bản thân không cần trợ giúp.
Tuy nhiên, dù gia đình người thân có điều kiện cho vay 450tr không lãi, cũng phải xem "cách ăn ở" trước giờ có xứng đáng để được giúp đỡ hay không. Người vay ngoan ngoãn hay ăn chơi, chăm học chăm làm hay lười biếng, có trách nhiệm với gia đình không, có quan tâm thăm hỏi lễ phép với các bậc tiền bối không,...
Bên cạnh đó, nhiều khi chúng ta không hiểu được tầm quan trọng của chữ tín nên thường bán đi với giá rất rẻ.
Nhiều khi chỉ vì vài trăm ngàn tiền thẻ tín dụng thanh toán trễ làm ảnh hưởng xấu thông tin cá nhân trên hệ thống ngân hàng. Vài triệu mượn bạn rồi hẹn tới hẹn lui, hay đi nhậu lúc chia tiền trốn đi nghe điện thoại là đã mất đi chữ tín trong các mối quan hệ, mất đi niềm tin với những người có khả năng cao sẽ giúp mình khi mua nhà.
Không phải tự nhiên có những người với anh A có thể cho mượn 300 triệu đồng, nhưng với anh B chỉ giúp tối đa một triệu đồng và xác định từ đầu xem như cho luôn.
Cũng sẽ rất khó nhờ được người khác giúp đỡ nếu trước đó đã từng thoái thác khi họ nhờ mình. Nếu ai cũng chỉ muốn giúp lại những người đã từng giúp mình, vậy thì ai sẽ cho đi trước. Và tệ hại nhất là khi không có cả lòng biết ơn, ân tình xưa bôi xóa, từ chối cả những người đã từng giúp mình dù khả năng có thể.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.