"Đã không cần giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn, vậy có nên bỏ luôn việc xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho thủ tục nhà đất, mua bán xe... không?".
Đó là thắc mắc của độc giả Truong Thi My Linh về cải cách thủ tục hành chính sau nội dung mới được bổ sung trong Nghị định 07, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, có hiệu lực từ 9/1. Theo đó, với yêu cầu đăng ký kết hôn, từ nay công dân không cần nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà cơ quan tiếp nhận sẽ tự tra cứu trên hệ thống để xử lý thông tin. Tương tự, với yêu cầu đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em nếu cha, mẹ trẻ đã đăng ký kết hôn, trừ trường hợp cha, mẹ trẻ là người nước ngoài.
Cùng chung trăn trở khi gặp khó với thủ tục bán xe, bạn đọc Tam Levu chia sẻ: "Tôi là người độc thân (chưa kết hôn lần nào). Hôm rồi, tôi tính bán chiếc xe máy, cứ nghĩ chỉ cần sang tên cho người mua là xong. Thế mà, tôi bị yêu cầu phải về xã làm giấy xác nhận độc thân, kèm xác nhận của trưởng ấp. Tôi thắc mắc, hỏi cán bộ xã rằng thế tích hợp căn cước công dân gắn chíp, VNeID để làm gì? Chỉ cần truy cập vào ứng dụng là thấy hết thông tin của tất cả thành viên trong gia đình, vậy cần gì làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nữa?".
>> Hành trình 10 ngày đóng tiền phạt nguội vi phạm giao thông
Cũng rơi vào rắc rối vì thủ tục hành chính rườm rà, độc giả Thach tran quang bình luận: "Tôi mới đi công chứng bán xe, thấy đúng là khó khăn vô cùng. Tôi có hộ khẩu ở thành phố, mua xe lúc chưa chồng, đăng ký tại nơi thường trú. Khi bán xe, tôi đã có chồng. Công chứng viên yêu cầu tôi phải đi xác nhận giấy độc thân ở tất cả các tỉnh tôi từng sống cho đến khi lấy chồng. Bán cái xe có 5 triệu đồng mà phải ra Bắc, về tận Long An để xin xác nhận độc thân, tôi thấy quá mệt mỏi mà tiền đâu đi lại?".
Nói về câu chuyện đơn giản hóa giấy tờ hành chính, bạn đọc Nkhai đề cập tới thủ tục mua bán bất động sản: "Theo tôi, nên bỏ cả xác nhận tình trạng hôn nhân trong mua bán bất động sản nữa. Giờ nhiều người ly dị, vợ hoặc chồng đã mất từ lâu rồi, vậy mà bắt người ta phải xác nhận tình trạng hôn nhân từ thời trẻ thì liệu có phải làm khó? Khổ nhất là các cụ già 60-70 tuổi, đi xin lại xác nhận ở nhiều khi địa phương cũ mà không ai xác nhận được. Rồi những người từng sinh sống, làm việc ở nước ngoài 10-20 năm cũng gần như chịu luôn, không có cách nào xác nhận được cả".
"Mong tất cả Bộ ban ngành liên thông tra cứu dữ liệu chỉ qua VNeID để người dân đỡ vất vả mỗi khi phải xin giấy tờ. Hy vọng sau này chỉ cần một phần mềm duy nhất là mỗi người có thể tự tra cứu được tất cả các thông tin, dịch vụ về an sinh xã hội, nhà cửa đất đai, bảo hiểm y tế...", độc giả Nguyen Minh Tuan kết lại.
- 13 ngày gặp khó khi đổi giấy phép lái xe trực tuyến
- Mẹ già 'dạ, thưa' xin Trích lục khai sinh
- 'Ngày nghỉ so le để thuận lợi khám bệnh, làm thủ tục hành chính'
- Loay hoay hành chính 4.0
- Khổ vì thủ tục hành chính 'một cửa, nhiều ngách'
- Hành chính phiền hà vì 'đúng quy trình'