Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả Vũ Ngọc Bảo trong bài viết "Thủ tục hành chính 4.0", nói về những bất cập trong quá trình thực hiện chuyển đổi số các thủ tục hành chính. Cảnh những dòng người xếp hàng xin giấy đi đường, làm hộ chiếu, làm thủ tục xuất ngoại, làm thủ tục nhận trợ cấp hay xếp hàng rút bảo hiểm xã hội... là minh chứng rõ nét cho thực trạng hành chính công 4.0 ở nước ta.
Đúng là cái gì cũng có điểm xuất phát, không thể đòi hỏi mọi thứ hoàn hảo khi mà hạ tầng công nghệ thông tin, lẫn trình độ công nghệ của Việt Nam vẫn còn thấp. Nhưng ít nhất chúng ta vẫn phải có kế hoạch phụ để giải quyết cho người dân khi hạ tầng hay giao diện trực tuyến bị trục trặc, chờ sửa lỗi, thay vì cứ ép buộc người dân khai trực tuyến để đạt chỉ tiêu trong khi hạ tầng hệ thống còn nhiều hạn chế.
Mấy chục năm ở nước ngoài, từ khi máy điện toán cá nhân còn là điều xa lạ cho tới lúc internet và công nghệ phát triển vượt bậc như bây giờ, tôi chưa bao giờ nghe tới mấy chữ "công nghệ chấm này, chấm nọ" rầm rộ ở cửa miệng truyền thông hay người dân cả. Nó thường chỉ được đề cập đến trong các bản kế hoạch hay lộ trình phát triển của ngành công nghệ nói chung hay của chính phủ mà thôi.
Ngay cả trong các nghiên cứu hay thiết kế, các kỹ sư công nghệ sẽ sử dụng các thuật ngữ kỹ thuật chứ chẳng ai nói là "tôi đang thiết kế thứ này, thứ nọ cho công nghệ x.0 cả". Còn việc gộp một số xu hướng phát triển kỹ thuật thành một phiên bản công nghệ, thường là chuyện của mấy anh làm Marketing, chứ dân công nghệ thứ thiệt họ chẳng quan tâm nó thuộc phiên bản thứ mấy, bao nhiêu chấm cả.
Tất nhiên, việc chuyển đổi số vẫn sẽ là xu thế tất yếu của thời đại, dù nó là công nghệ mấy chấm đi chăng nữa. Bởi những lợi ích thiết thực mà chuyển đổi số đem lại cho đời sống và xã hội là rất to lớn, không phải bàn cãi. Tuy nhiên, thực hiện quá trình số hóa thủ tục hành chính thế nào mới là vấn đề cần quan tâm.
Trong các dịch vụ hành chính ở nước ngoài ngày nay, họ vẫn luôn có nhiều giải pháp để có thể đáp ứng các tình huống phát sinh, nhằm phục vụ tốt và thuận lợi nhất cho người dân, từ người không rành máy tính, không có máy tính hay smartphone, cho đến người muốn nộp đơn trực tuyến để tiết kiệm thời gian đi lại... Đương nhiên, họ sẽ khuyến khích người dân tận dụng tối đa dịch vụ trực tuyến vì đó là giải pháp nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Nhưng điểm khác biệt so với ở ta là đó không phải điều bắt buộc và cách làm duy nhất được chấp nhận.
Chỉ có rất ít trường hợp quan trọng, người nộp đơn mới bắt buộc phải có mặt tại trụ sở cơ quan hành chính để xác minh là đúng người so với trên hồ sơ, giấy tờ, trước khi ký và cấp giấy xác nhận. Còn lại, hầu hết các thủ tục hành chính cơ bản đều được tiếp nhận và xử lý từ xa để tránh gây phiền hà cho cả hai phía.
Chẳng hạn như chuyện đổi giấy phép lái xe. Ở Mỹ, người ta thông báo cho người dân cả một, hai tháng trước khi bằng lái xe của họ hết hạn. Người dân chỉ việc vào trang web xin đổi bằng mới của tiểu bang mình đang sinh sống, điền đầy đủ các thông tin cá nhân như tên họ, địa chỉ và đóng mấy chục đôla tiền phí là hoàn tất thủ tục. Chừng một tuần sau, bằng lái xe mới của họ được gửi về tận nhà. Ở một vài tiểu bang làm kỹ lưỡng một chút đối với người cao niên, nếu trên độ tuổi nào đó có thể phải thi sát hạch lại cả lý thuyết lẫn thực hành trước khi được tiếp tục cấp bằng lái. Nói chung, hầu như người Mỹ không phải bước chân ra khỏi nhà khi phải làm các vấn đề liên quan đến giấy tờ hành chính.
Tóm lại, làm gì thì làm, chúng ta ít nhất cũng phải có kế hoạch phòng ngừa rủi ro (có kế hoạch B, C, D nữa thì càng tốt). Khi kế hoạch A bị trục trặc vì lý do khách quan nào đó liên quan đến hạ tầng, hệ thống, công nghệ còn nhiều hạn chế, chúng ta vẫn có những phương án dự phòng để không bị ách tắc, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Đây là điều luôn cần chú trọng dù là trong bất cứ thời đại nào.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.