Bạn có biết sự thật đằng sau của những người được mệnh danh là quý trọng cảm, thuộc hàng "dân anh chị" không? Tôi viết bài này dựa trên nguyên mẫu là anh họ bên ngoại (con trai bác gái - bác là chị ruột mẹ tôi) như một sự cảnh tỉnh với những người quá lệ thuộc vào tình cảm.Ở người này tôi thấy mọi đặc trưng của sự nghèo và tính cách kiểu "nô lệ tình cảm".
Anh họ tôi có cha mẹ nghiện cờ bạc, lô đề, rượu chè. Bác gái tôi trước đây xuất thân là học sinh giỏi cấp quốc gia, con gái của một "đại nông dân" từng sở hữu nhiều ruộng đất. Sau đó sa sút, dẫn tới gia cảnh lầm than phải bỏ học trước khi thi đại học để ở nhà chăm cha ốm, mẹ mù, các em còn thơ bé.
Bác tôi là người cực kỳ giỏi tính toán và khả năng xã giao, phát triển các mối quan hệ xã hội. Khi làm kinh tế, nhà bác tôi là một trong bốn nhà đầu tiên của huyện mua được xe máy Minsk - thời đó giá 40 triệu đồng, chẳng khác nào thời nay sắm xe Audi nhờ buôn bán.
>> 'Nhiều người cày cuốc 30 năm vẫn nghèo vì thích xài sang'
Nhưng cái nghiệp là học sinh giỏi cấp quốc gia đã hại bác tôi. Thay vì cứ an tâm mà làm ăn thì bác tôi rất thích tính toán, suy luận. Do đó không lạ gì khi một công việc chân tay hay suy nghĩ đơn giản không phù hợp, bác tôi đã tìm tới một công việc có mức độ suy nghĩ, tính toán cực cao đó là "số đề và cờ bạc".
Sau đó là những ngày dài triền miên thâu đêm suốt sáng chỉ lô đề và cờ bạc mà không quan tâm tới việc làm ăn buôn bán nữa. Đỉnh điểm là phải bán nhà do bác gái và bác rể quá nhiều nợ nần. Vì chuyện này mà bác gái và bác rể thường đánh nhau, cãi nhau, vác dao rượt nhau ngoài đường.
Trưởng thành trong môi trường đó, anh họ ngoại tôi là người có tính cách rất bất ổn. Anh nổi khùng bất cứ khi nào không vừa ý. Anh chửi bất kỳ ai không vừa mắt. Ra ngoài đường anh được người ta vô cùng trọng vọng, chào hỏi thậm chí thuộc hàng dân "anh chị" xã hội. Anh bỏ học từ năm lớp 7 và công việc kiếm sống đầu tiên chính là bán kem dạo. Tôi vẫn thường cùng anh rong ruổi bán kem dạo trên khắp đường làng, ngõ xóm.
Sau đó anh theo bạn bè vào miền Nam làm thuê cho các khu công nghiệp, đồn điền. Với tính cách quảng giao rộng rãi, tham gia sâu rộng vào cuộc sống lao động, anh quen một lượng bạn bè, đám đàn em rất lớn và hùng hậu.
Để xây dựng được đám bạn đó, bao nhiêu tiền đi làm thuê tích cóp được anh ném vào những quán rượu, những hộp đêm, những buổi tiếp đãi bạn bè xuyên đêm bên bàn nhậu.
Ngoài ra anh cùng đám bạn bè thường xuyên bàn bạc việc làm "bảo kê" và tranh giành ảnh hưởng địa bàn.
Mỗi khi bạn bè, đám đàn em bị bắt nạt là anh ta luôn xuất hiện như một vị anh hùng, một anh cả đứng ra giải quyết mọi chuyện thay người khác. Hễ ai gọi trợ giúp là anh không phiền hà. Với tính hiếu chiến cao cùng khả năng đấm đá tốt, sức khỏe phi thường, anh là dân anh chị cộm cán.
Bên cạnh đó là những năm tháng nuôi bạn, nuôi bè bên bàn nhậu bằng tiền của mình,lấy xe máy người thân đi cắm để đãi bạn, đãi bè. Sau đó là nổi tủi hổ triền miên của bác gái tôi khi phải đi chuộc xe máy của đứa con bất hảo. Rồi chuyện gì đến cũng đến, anh nghiện ma túy.
>> Tám kỹ năng cần phải học trước tuổi 30
Vợ anh họ tôi là "thiên kim tiểu thư nhà giàu" người thuộc dạng hoa khôi của làng của xã. Có lẽ vì vẻ đẹp và sự giàu có của cha mẹ chị mà anh ấy tìm tới để gạ gẫm.
Nhưng điều quan trọng là anh ấy biết cách thể hiện mình. Có lẽ vì hình tượng người yêu trọng tình cảm, sẵn sàng xông pha bảo vệ đám đàn em, đám bạn bè mà chị dâu tôi từng thề sống thề chết đế đến với anh.Chị đòi cưới anh cho bằng được dù gia đình hết mực phản đối khi biết anh họ tôi là người nghiện, ăn chơi phá lối.
Tôi còn nhớ mãi câu nói của chị dâu tôi khi bị anh họ tôi rũ tình: "Nếu anh không cưới em thì em chết cho anh xem".
Những đêm say xưa bên bàn nhậu, hàn huyên cùng đám bạn bè, nói những lời trọng tình, trọng cảm mà anh ta để mặc vợ con ở nhà cô đơn. Việc của anh trong ngôi nhà có lẽ chỉ là việc xuất hiện vào ban ngày để ngủ, rồi chập tối lại vác tiền, vác đồ ăn, gà vịt đi để đãi bạn, đãi bè.
Cuộc sống của anh gần như là về đêm. Những lần vợ chồng chạm mặt nhau ban ngày khá ít ỏi nhưng khi vợ anh thể hiện thái độ là anh chửi cả thiên hạ, chửi vợ, chửi con.
Tôi từng chứng kiến nhiều lần chị dâu tôi bị đánh ngất lịm phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Những lần vợ chồng anh ấy rượt nhau trên đường như phim Hong Kong bằng xe máy. Rồi những lần vợ anh cầu viện người nhà tới giải cứu vì chồng đòi giết.
Thật kỳ lạ là trong khi con anh không có miếng để mà ăn, phải ăn cơm nước mắn, muối qua ngày trong khi anh luôn thiết đãi bạn bè, đám đàn em bằng những mâm rượu thịt thịnh soạn.
Vợ con anh đói kém đến nỗi bác ruột thứ hai của tôi thấy khổ quá mang hai con gà lên để cho vợ con anh ăn. Ai ngờ hôm đó anh mang theo hai con gà đi để đãi đám bạn xã hội. Anh họ tôi là người "đem bớt phần cơm của con cái mình" để đãi thiên hạ.
>> 'Nhịn ăn' mua nhà để thành người nghèo mãi mãi
Thế nhưng anh ấy bỗng trở thành "tỉ phú" nhờ việc ăn mì tôm của vợ. Một nhãn hàng mì tôm đã xáo động gia đình anh vì chương trình ăn mì tôm trúng độc đắc. Hôm nghe tin trúng giải đặc biệt giá trị 2,8 tỉ đồng, vợ anh đã run tay đánh rơi điện thoại và suýt ngất lịm.
Giải thưởng là một chiếc ôtô hạng sang có giá 2,8 tỉ đồng, nhưng vì không có nhu cầu dùng nên phải bán lại cho một đại gia trong vùng với giá 2,2 tỉ. Ngày nhận giải cả làng biết.
Nhờ đám bạn bè và đám đàn em quen biết rất rộng nên buổi chiêu đãi cho anh em xã hội rất đông và tốn kém tầm 150 triệu đồng.
Từ khi trúng thưởng, có chí muốn làm ăn, anh đầu tư hai kho đông lạnh trị giá 300 triệu một kho. Tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong vùng. Tưởng rằng cứ thế êm ả trôi đi nhưng vì tính tình hay chửi bới thiên hạ, công nhân bỏ đi hết.
Việc của anh vẫn là cuộc sống về đêm bên đám đàn em, bạn bè, anh chị xã hội ngoài kia. Sau 7 tháng anh hết tiền, bán kho đông lạnh cho người khác. Cùng một khoản nợ xã hội đen lên tới 600 triệu đồng. Để giải quyết trình trạng nợ nần, anh đã ép mẹ (bác gái tôi) đem sổ đỏ tới ngân hàng vay 600 triệu trả nợ. Bác gái tôi đã chạy trốn bỏ mặc gia đình anh ấy để bảo toàn mảnh đất rất khó khăn mới có được.
>> Người nghèo và bẫy 'nô lệ của ngôi nhà'
Kẻ không tương lai luôn nói trọng tình cảm. Anh họ ngoại nhà tôi thế đấy, cứ ra đường gặp ai cũng biết mặt, ai cũng phải chào hỏi, ai cũng có thể lê la cùng bên bàn nhậu, ai cũng có thể nói sống, nói chết vì đại nghĩa với mình.
Nhưng kỳ thực thì anh em chị em ruột thịt chỉ nhìn mặt để cười trừ chứ chẳng ai còn thân thiết như xưa, ai cũng đề phòng. Cô vợ không dám bỏ anh ấy vì đơn giản sợ bị dọa giết, hơn nữa bị ràng buộc 5 đứa con chỉ cắn răng chịu đựng.
Câu cửa miệng của anh ta là "lẽ nào anh chị tao giàu có như vậy lại để con tao chết đói được". Một việc cỏn con, không đáng anh ấy cũng muốn người ta mắc nợ để đòi trả lại bằng tình cảm.
Thánh Tuệ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.