Nghèo là do bản thân hay do bối cảnh? Biểu hiện cụ thể là ở khả năng học vấn và tính toán. Cũng có nhiều người học vấn cao, tính toán giỏi vẫn nghèo nhưng đó là do họ thiếu những yếu tố khác.
Nhưng trước tiên người giàu thường giỏi tính toán (theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Nếu bạn không thể tính toán thì làm sao bạn có thể đo lường hiệu quả kinh tế của các công lao động để trả công cho người làm thuê, hay công của mình mà sao cho bạn vẫn có lời, người ta vẫn sẽ làm việc tiếp cho bạn mà không bỏ việc.
Trong một tập thể mạnh bạn là kẻ yếu nhưng trong một tập thể yếu bạn là kẻ mạnh. Đó là lý do tại sao nhiều người ở các nước phát triển phương Tây có thể sang các nước đang phát triển để làm giàu, làm chủ, và những người có trình độ lớp 5, lớp 9 ở những nước đang phát triển có thể sang những nước nghèo, chậm phát triển ở châu Phi để làm chủ, làm quản lý, chủ nhà xưởng...
Điều gì có thể giúp họ làm chủ? Chính là khả năng biết tính toán, biết tính sự hiệu quả của những việc trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ để tích lại thành đại (tích tiểu thành đại).
Trình độ học vấn của người giàu rất cao trong khi người nghèo lại thấp. Học vấn có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp ở đây chính là trình độ học vấn của chính bản thân họ cao. Gián tiếp ở đây có nghĩa là họ có được sự "cộng sinh học vấn" với người có trình độ học vấn trực tiếp cao hoặc cộng sinh thứ cấp với các hệ thống kinh doanh khác của người có học khác đã tạo ra (kiểu cung cấp dịch vụ phụ trợ hoặc ăn theo).
Trong các cuộc nghiên cứu về mức độ sử dụng ngôn ngữ thì những người bán hàng rong, người có trình độ học vấn thấp chỉ có thể sử dụng thường xuyên 1.000 từ. Trong khi các tầng lớp học vấn càng cao thì có khả năng ngôn ngữ phức tạp hơn, số từ cũng phong phú hơn, người có trình độ đại học ở những nước đang và chậm phát triển có thể sử dụng 2.000 từ.
Trong khi những người bình thường ở Mỹ (một xã hội phát triển và giàu có) thì số lượng từ sử dụng thường xuyên của họ lên tới 3.000 từ, mức độ đại học và sau đại học có thể lên tới 22.000 từ.
Mức độ tiếp xúc với sách báo, truyền thông đa phương tiện của người giàu cũng cao hơn người nghèo rất nhiều. Từ đó người giàu có được góc nhìn phong phú, tưu duy phức tạp, hiểu biết trở nên đa dạng và có nhận thức trong các hành động trong khi người nghèo có xu hướng tưu duy ù lì, cục mịch. Có sự khác biệt rất lớn giữa không gian sinh tồn của người giàu và người nghèo. Những người nghèo thường ít di chuyển khỏi không gian sinh sống, làm việc của họ, công việc có xu hướng lặp đi lặp lại mà không hiệu quả.
Ngược lại những người giàu thường xuyên di chuyển ở các không gian sống rộng lớn hơn, phức tạp hơn, độ phủ sóng cá nhân cao hơn. Chính việc đi lại thường xuyên giữa các vùng không gian, lãnh thổ rộng lớn mà họ có thể tận dung sự chênh lệch giá trị giữa hàng hóa, tiền bạc giữa các vùng miền mà có thể kiếm lợi.
Sự di chuyển nhiều, không gian rộng lớn làm họ có cách nhìn, óc quan sát tốt hơn nhờ đó có thể học tập, tiếp thu kinh nghiệm của nhiều người thành công khác mà xây dựng sự nghiệp của mình tốt hơn.
Người giàu có lối sống khoa học và lành mạnh hơn người nghèo. Tôi không nói rằng người giàu là người có lối sống hoàn toàn khoa học nhưng ít ra nó đủ hiệu quả để có thể giúp họ tích lũy được tiền bạc, sức khỏe. Ngược lại người nghèo lại có lối sống vô cùng phản khoa học. Đa số người nghèo thường rất mê tín dị đoan, tin vào những điều không tưởng.
Những nước nghèo, chậm phát triển, hay vùng thiểu số chậm phát triển có nhiều hủ tục lạc hậu thậm chí bòn rút của cải của người dân vào các nghi lễ, lễ nạp làm suy mòn khả năng tài chính. Ví dụ tiêu biểu là những hủ tục như người chết phải làm ma bảy ngày, cả làng kéo vào đè bò, trâu, gà, lợn... nhà người ta ra mà ăn cho sụp móng nhà.
Hay việc uống rượu như một tập tục từ nhỏ làm tàn phá sức lao động của con người. Thậm chí ở nhiều nước nghèo tỉ lệ sử dụng thuốc phiện và các chất gây nghiện cũng cao hơn.
Dễ thấy nhất là người Do Thái di cư đến rất nhiều nơi để làm ăn, người Trung Quốc cũng đi làm ăn ở nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài đường nước ta có tỉ lệ người nước ngoài cũng khá cao, họ sang đây tìm cơ hội làm ăn rất nhiều. Người giàu rất am hiểu pháp luật hoặc có công cụ, người trợ giúp pháp luật khi cần, trong khi người nghèo thì không.
Chính vì am hiểu pháp luật nên công việc kinh doanh của họ thuận lợi hơn. Khi cần họ sẵn sàng bảo vệ tài sản, lợi ích, công việc kinh doanh của họ thông qua các hệ thống tư pháp như thám tử, luật sư tư vấn riêng, hoặc sẵn sàng tham gia kiện tụng khi cần, thậm chí có thể lôi kéo truyền thông vào cuộc để bảo vệ lợi ích của họ.
Ngược lại người nghèo thường ít am hiểu pháp luật, dễ dàng bị người khác lừa gạt, bị mắc vào các vụ lừa đảo kinh tế, chiếm đoạt tài sản của xã hội đen, hoặc giấy tờ không minh bạch hoặc bị hù dọa pháp luật bởi kẻ khác nên phải bán đất, bán nhà.
Ở quê tôi trước những năm 2000 có nhiều gia đình phải bán cả đất, nhà... bán rẻ cho người ta để người ta chạy "bìa đỏ" chỉ vì lời đồn rằng "xã lấy đất" của họ. Hay gần đây cũng có nhiều nhà do không am hiểu pháp luật, luật đất đai mà nhiều nhà phải nhờ người khác làm thủ tục giầy tờ sử dụng đất mất nhiều tiền. Người nghèo suy nghĩ rất cực đoan về người giàu.
Đa số người nghèo thường rất giỏi đổ lỗi. Họ thường nói rằng tiền bạc của họ, công việc của họ đã bị người giàu lấy đi mất. Ban đầu nếu chỉ quen biết xã giao thì người nghèo rất nể người giàu, xem họ là thần tượng, nhưng khi quen đủ lâu, đủ gần thì người nghèo có xu hướng kể xấu, nói xấu người giàu. Và những người nghèo này quy kết người giàu rằng "vì họ xấu nên họ giàu" hoặc là dùng làm lý do rằng "mình nghèo để giữ trong sạch và nhân cách".
Thánh Tuệ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.