"Một hay nhiều bộ sách giáo khoa?" từ lâu đã là đề tài gây nhiều tranh luận. Cá nhân tôi cho rằng, nếu có một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chắc chắn gần như mọi trường, mọi tỉnh đều sẽ chọn bộ sách này thay vì các bộ khác. Điều này thật sự không nên, bởi một bộ sách sẽ không bao giờ có thể phù hợp cho mọi đối tượng người dạy và người học.
Cái chính hiện nay là phản biện nội dung của các bộ sách khác sao cho thật chuẩn, đảm bảo sách nào cũng đúng, đủ kiến thức, kỹ năng cần đạt. Còn lại là phương pháp viết, và mỗi sách sẽ có cái hay riêng của nó, phù hợp cho nhiều đối tượng hơn.
Tôi có đứa cháu mới chuyển trường. Lớp 10, cháu học một bộ, sang lớp 11 chuyển trường mới, cháu lại học bộ khác. Sự thật là cháu vẫn học rất bình thường. Kiến thức của hai bộ sách không hoàn toàn liền mạch nhưng độ chênh là hoàn toàn chấp nhận được. Sự khác nhau chủ yếu ở phần mở rộng, không phải thuộc nội dung chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt.
Cái chính ở đây ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh chính là cách dạy của giáo viên. Cháu tôi bảo ở trường mới thầy cô giáo dạy hơi "căng". Hỏi ra mới biết, thì ra năm lớp 10, cháu học ở trường cũ theo kiểu giáo viên làm sẵn, dạy giải bài tập nhanh với bộ công thức dùng cho trắc nghiệm.
>> Sách giáo khoa 'no dồn, đói góp'
Còn trường mới, học sinh được xem clip, xuống phòng thí nghiệm làm thực hành, rồi đúc rút kết quả, một tiết học chỉ dạy vừa hết được bài, không có mấy thời gian để luyện giải bài tập. Đến khi phải giải bài tập, giáo viên không phát cũng, cũng không cho dùng công thức theo kiểu mỳ ăn liền, mà yêu cầu học sinh phải tự phân tích bài toán dạng thực tế, quy về dạng toán lý thuyết, rồi phân tích hướng giải... Nói chung, cháu tôi cảm thấy cách học này không hợp khi làm bài trắc nghiệm.
Có thể thấy, vấn đề lớn nhất ở đây không phải là có bao nhiêu bộ sách mà là tính đồng bộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn cải cách tư duy học nhưng chưa đưa ra hướng kiểm tra, đánh giá mới. Có trường thì thầy cô chịu thay đổi cách dạy, có trường vẫn bảo thủ dùng tư duy cũ để dạy sách mới, rồi vội vàng kết luận "sách mới không bằng sách cũ". Nhưng khổ nỗi, nếu họ dạy theo tư duy mới mà học sinh vẫn phải kiểm tra, đánh giá theo cách cũ, thì cuối cùng học sinh thiệt chịu thiệt một, thầy cô có khi thiệt mười.
Tóm lại, đừng nhìn vào việc ai biên soạn sách giáo khoa, hay nhất định phải quy về một bộ sách chung cho cả nước. Điều quan trọng nhất là phải thay đổi đồng bộ cả nội dung học và phương pháp đánh giá, và phải chăm sóc đời sống cho giáo viên thật tốt để họ không nghĩ gì ngoài việc cống hiến cho nghề dạy học.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.