AFF Suzuki Cup 2020 đã khép lại được một khoảng thời gian với chức vô địch thuộc về đội tuyển Thái Lan. Trong khi đó, Việt Nam có thể xem như đã có một giải đấu thất bại khi không bảo vệ được chiếc cup vô địch như kỳ vọng. Đến nay, hẳn nhiều người cũng đã tạm quên đi thất bại của đội tuyển. Đó là điều cần thiết để hướng tới những hành trình, những thử thách phía trước. Thế nhưng, nó không có nghĩa là chúng ta được phép tự cho mình được bằng lòng với hiện tại.
Thất bại vừa qua đã cho chúng ta có những bài học đáng nhớ mà toàn đội không được phép quên để tiến lên phía trước một cách vững vàng, chắc chắn hơn. Một trong những bài học đó là tính khiêm nhường. Trong vòng 3-4 năm gần đây, bóng đá nam Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo đã gặt hái được rất nhiều thành tích đáng tự hào ở các sân chơi lớn, nhỏ khác nhau, như Á quân U23 châu Á năm 2018, vô địch AFF Cup 2018, lọt vào Tứ kết Asian Cup 2019, vào đến Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á... Có lẽ, đây là giai đoạn thăng hoa, rực rỡ nhất trong lịch sử của bóng đá nước nhà.
Cũng chính bởi sự thành công này mà không ít người từ các nhà quản lý, các chuyên gia, giới truyền thông và cả người hâm mộ đã phần nào ảo tưởng về sức mạnh, cũng như đẳng cấp của bóng đá Việt Nam. Rất nhiều nhận định lạc quan, hồ hởi rằng "đội tuyển Việt Nam là số một Đông Nam Á", "đẳng cấp khác xa đối với phần còn lại của bóng đá khu vực", "đã đến lúc chúng ta vươn lên tầm châu lục và thế giới"...
Mới đây nhất, ngay khi chúng ta vượt qua Malaysia với tỷ số 3-0 ở vòng bảng AFF Cup 2020, người ta lại dùng rất nhiều mỹ từ để ca ngợi đội tuyển. Thế nhưng, khi vào đến Bán kết, phải đụng độ với đội tuyển Thái Lan, chúng ta đã phải phơi áo với tỷ số 0-2 sau hai lượt trận và chính thức trở thành cựu vương. Hai bàn thắng của đội tuyển Thái Lan trong hiệp một trận Bán kết lượt đi giống như hai cú đánh vào lòng kiêu hãnh của Việt Nam.
>> 'Chanathip chứng minh bóng đá Thái Lan vượt xa Việt Nam'
Điều đáng nói không chỉ là kết quả trên bảng tỷ số mà chính là cách mà chúng ta thua thiệt hoàn toàn so với đối thủ. Thái Lan vượt trội từ cách xử lý bóng, chuyền bóng, kiểm soát trận đấu và cả cách dùng tiểu xảo. Điều đó thể hiện rõ nhất trong trận Bán kết lượt về, khi chúng ta buộc phải nỗ lực dâng cao nhằm lật ngược thế cờ, nhưng người Thái Lan vẫn nhẹ nhàng hóa giải và đạt tỷ lệ cầm bóng cao hơn. Để làm được điều đó, chỉ có thể là những đội bóng có đẳng cấp cao hơn.
Nói như thế không phải để "dìm hàng" đội tuyển mà là giúp chúng ta vỡ ra một điều: bóng đá Thái Lan vẫn ở một đẳng cấp cao cao hơn, họ vẫn là số một Đông Nam Á. Cổ nhân có câu: "Cao nhân tắc hữu, cao nhân trị", nghĩa là ta có giỏi thì vẫn có những người giỏi hơn ta. Bài học ở đây là dù có được chút thành tích nhất thời thì chúng ta cũng phải thật khiêm nhường, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để nâng cao trình độ cũng như vị thế của mình, chứ không được phép vỗ ngực xưng danh một cách quá đà để rồi phải nhận quả đắng.
Thật ra, việc thắng – thua trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung cũng chẳng có gì quá bất thường. Chỉ có điều, cách ứng xử với mỗi thành công hay thất bại thế nào mới đáng bàn. Chúng ta không nên quá tự mãn, cao ngạo và phô trương khi thành công. Sir Alex Ferguson - vị huấn luyện viên vĩ đại - từng nói rằng: "Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi". Vì vậy, khi chúng ta chưa thể đạt đến đẳng cấp của các nền bóng đá hàng đầu của châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran... thì cùng đừng vội đắc chí, tự mãn, hay huyễn hoặc về sức mạnh của bản thân. Mà suy cho cùng, bài học này không chỉ dành riêng cho bóng đá.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.