U thận lành tính là tình trạng khối u hình thành và phát triển trong quả thận, nhưng không có khả năng di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Đôi khi, kích thước của khối u có thể lớn dần, chèn lên các cơ quan nội tạng và các mô lân cận. Các khối tăng trưởng lành tính rất phổ biến và có thể hình thành ở bất cứ đâu trong cơ thể con người. Khi được phát hiện, chúng có thể gây ra sự lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, điều may mắn là hầu hết các khối u đều lành tính.
Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết Niệu - Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bất cứ ai cũng có thể phát triển một khối u lành tính, bao gồm cả trẻ em. Tuy nhiên, các kết quả thống kê cho thấy người lớn tuổi có nhiều khả năng phát triển khối u hơn so với các nhóm đối tượng khác.
Dấu hiệu
Tùy thuộc vào vị trí của khối u lành tính mà người bệnh sẽ có những triệu chứng cụ thể hay không. Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp khối u thận lành tính không được phát hiện do người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nhìn chung, dấu hiệu nhận biết khối u lành tính ở thận bao gồm:
- Tăng huyết áp: Đây là một trong những triệu chứng điển hình của u thận lành tính. Người bệnh bị tăng huyết áp khá cao, đột ngột và gây nguy hiểm cho sức khỏe.
- Tăng nhịp tim bất thường: Nhiều trường hợp tăng đến 180 lần/phút.
- Màu da tái nhợt, xanh xao, người mệt mỏi, yếu ớt, sụt cân.
- Buồn nôn, khó thở, ớn lạnh, hay đổ mồ hôi.
- Có vấn đề về tiêu hóa như táo bón.
- Đau đầu không tìm được nguyên nhân.
- Tâm trạng bất an, lo lắng, bồn chồn.
Phần lớn trường hợp u thận lành tính không có triệu chứng nhưng nhóm đối tượng đặc thù như phụ nữ mang thai, người lao động tay chân... sẽ có biểu hiện nghiêm trọng và dễ nhận biết hơn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây u thận lành tính rất đa dạng và hiện vẫn là một trong những vấn đề được các chuyên gia quan tâm. Cụ thể:
- Do người bệnh có các bệnh lý về thận, nhưng không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ làm xuất hiện các khối u thận.
- Do người bệnh sử dụng các loại thuốc ức chế enzyme monoamin oxidase trong điều trị trầm cảm, chất kích thích... nên gây ra các khối u thận.
- Do người bệnh có những vấn đề liên quan đến rối loạn di truyền như bệnh xơ hóa thần kinh đệm 1, bệnh di truyền đa u tuyến nội tiết type 1...
- Do người bệnh có thói quen sống thiếu khoa học: ăn uống không lành mạnh, ít vận động, dùng thuốc không đúng chỉ định, hút thuốc lá...
Trên thực tế, hầu hết mọi người đều có thể bị u thận lành tính. Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ thuộc về nhóm:
- Người có độ tuổi từ 20-50, nguy cơ có xu hướng tăng dần theo độ tuổi.
- Nam giới dễ mắc u thận hơn nữ giới.
- Người thường gặp các vấn đề về sức khỏe.
Dù khối u thận là lành tính, nhưng các chuyên gia khuyến cáo nên đi thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để được tư vấn và hướng dẫn một số biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Bởi nhiều trường hợp khối u có thể trở nên ác tính theo thời gian và việc phát hiện ngay từ sớm có một ý nghĩa rất lớn với hiệu quả điều trị về sau.
Phương pháp điều trị
Không phải tất cả các khối u thận lành tính đều cần điều trị. Nếu khối u của người bệnh nhỏ và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, bác sĩ có thể hướng dẫn một số biện pháp theo dõi định kỳ. Nếu bác sĩ chỉ định điều trị, phương pháp cụ thể sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u, nguy cơ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, dây thần kinh, mạch máu...
- Phẫu thuật nội soi: Phẫu thuật khối u thường được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi để hạn chế nguy cơ xâm lấn, vết mổ nhỏ hơn, ít chảy máu và rút ngắn thời gian hồi phục. Khi thực hiện phương pháp này, người bệnh có thể cần ở lại bệnh viện 1-2 ngày để chờ ổn định và xuất viện.
- Phẫu thuật mổ mở: Thời gian phục hồi sau mổ mở tỷ lệ thuận với mức độ can thiệp xâm lấn. Sau khi khối u đã được loại bỏ, người bệnh có thể cần liệu pháp vận động, chăm sóc chuyên biệt để giải quyết các vấn đề mà khối u để lại.
Nếu phẫu thuật không thể tiếp cận khối u một cách an toàn, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp khác để giảm kích thước của khối u hoặc ngăn cản sự phát triển.
Xét về nguyên lý khoa học, u thận lành tính không phải là u ác tính và không nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp u lành vẫn có thể chuyển thành u ác do sự thay đổi cấu trúc của tế bào.
Nhận biết các yếu tố nguy cơ góp phần gây ra u thận có thể giúp bạn xây dựng một lối sống khoa học, lành mạnh, góp phần làm giảm nguy cơ ung thư. Theo các chuyên gia Tiết niệu Thận học, dưới đây là những cách tốt nhất để ngăn ngừa u thận:
- Không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc.
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng bằng cách: hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn, áp dụng các chế độ ăn tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đạm từ thịt nạc và chất béo lành mạnh, tránh uống rượu hoặc uống có chừng mực.
- Giữ cân nặng hợp lý bằng cách tăng cường vận động cơ thể ít nhất 30 phút/ngày.
- Che chắn cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời.
- Tiêm phòng các bệnh nhiễm virus có thể dẫn đến ung thư thận, chẳng hạn như viêm gan B và HPV.
- Không sử dụng thuốc, nhất là thuốc kê đơn, khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Quan tâm đến sức khỏe và tuân thủ lịch chăm sóc sức khỏe định kỳ để tầm soát các loại ung thư kịp thời, mang đến hiệu quả điều trị cao.
Ngoài việc điều trị u thận, người bệnh cũng nên chú ý quan sát những triệu chứng của cơ thể. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm những vấn đề bất thường, từ đó có thể điều trị bệnh nhanh chóng, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Anh Ngọc