Tôi 34 tuổi, bố mẹ tôi thuộc thế hệ 5x đời cuối. Thời kỳ đầu bao cấp, mẹ tôi học xong phổ thông thì học khoá sư phạm cộng đồng để làm giáo viên. Theo nghề được vài năm thì mẹ tôi gặp ba tôi và cưới nhau.
Vì đồng lương giáo viên thời bao cấp quá ít ỏi, cộng thêm việc chăm con, làm việc nhà trong khi bố tôi ở nhà làm ruộng, mẹ đã quyết định xin nghỉ làm giáo viên để có thời gian lo cho gia đình cũng như tìm hướng làm ăn.
Đây cũng là nỗi day dứt của mẹ tôi rất lâu về sau này. Lúc tôi học cấp hai, đã thỉnh thoảng nghe mẹ tôi bảo: "Sau này ráng làm để về già lãnh lương hưu".
>> Mỗi tháng mua một chỉ, tôi sẽ có 36 cây vàng dưỡng già
Thỉnh thoảng bây giờ mẹ tôi đi họp mặt với đồng nghiệp cũ, thấy bạn bè có lương hưu, dù là dăm ba triệu mỗi tháng, mẹ tôi cũng chạnh lòng: "Hồi đó mà cố bám với nghề thì bây giờ cũng được lãnh lương hưu".
Mặc dù không có lương hưu nhưng ông bà còn ruộng, vườn và một tiệm bán đồ bạc ở chợ. Ruộng vườn ông bà cho thuê, mỗi sáng bố tôi ra tiệm bạc mở hàng cho vui. Mỗi tháng, anh em tôi đều gửi tiền về cho ông bà xài, nhưng thường được nói là "cho thì lấy chứ không xài".
Tôi cũng tự nhận bố mẹ sống tuổi già sung túc so với mặt bằng chung. Thế nhưng ông bà vẫn thường hay nghĩ ngợi nhiều về việc bạn bè có người đến tháng được đi lãnh lương hưu, còn mình thì không.
Gần đây tôi thấy khá nhiều ý kiến chia sẻ về việc rút hay không rút bảo hiểm xã hội một lần. Bên nào cũng đưa ra các lý lẽ để thuyết phục người khác nghĩ theo quan điểm của mình.
Xét theo mặt bằng chung, trong báo cáo được công bố vào năm 2019, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo sẽ có khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể sẽ không có lương hưu vào năm 2030.
Tôi nghĩ những người này thuộc thế hệ 5x, 6x và đầu 7x. Thế hệ của họ có những bước di chuyển vào đời khá khó khăn hơn so với người trẻ bây giờ. Thế hệ 5x, 6x sinh ra khi còn chiến tranh, tuổi thanh niên gặp khó khi đất nước vừa hoà bình. Thế hệ 7x trải qua tuổi thơ với nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Những người thuộc những thế hệ này lại có độ tuổi lập nghiệp, làm việc trong thời kỳ bao cấp đầy biến động và khó khăn. Họ làm mọi cách để kiếm tiền, để kết hôn và duy trì cuộc sống gia đình.
Giống như bố mẹ tôi, mỗi khi ông bà chạnh lòng, so bì việc không được đi lãnh lương hưu như bạn bè thì tôi lại an ủi: "Tại bố bỏ học sớm làm ruộng, mẹ thì bỏ nghề giáo viên. Nhưng nếu ngày đó vẫn theo nghề, không ra ngoài làm ăn buôn bán thì liệu có đất, vườn và cơ sở làm ăn như bây giờ không?" hoặc "chắc gì bạn bè của mẹ lãnh lương hưu lại sống dễ thở hơn mẹ bây giờ".
Tôi nghĩ trong cuộc sống, đằng sau mỗi người là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau. Chính vì không ai giống ai một cách hoàn toàn nên rất khó để đưa ra nhận định cụ thể để rồi tìm một mẫu số chung để nhiều người phải làm theo.
Tuy nhiên, những mẫu số chung này vẫn có giá trị tham khảo để những thế hệ sau tránh đi vào vết xe đổ của thế hệ trước. Nếu chưa rơi vào bước đường cùng, chưa thực sự xem tiền BHXH một lần là "cứu cánh" thì đừng rút ra hết một lần để xoay xở.
>> Mỗi tháng tiết kiệm một chỉ vàng dưỡng già
Ngược lại, thay vì hoảng sợ và trăn trở trước việc tuổi già không có lương hưu thì hãy cố tự nhủ bản thân phấn đấu, tích luỹ tiền bạc và tài chính cho cuộc sống tương lai.
"Vết xe đổ" không lương hưu của thế hệ trước một phần là do hoàn cảnh và lịch sử. Ngày đó họ không có nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp cũng như cơ hội việc làm như bây giờ. Thay vì cứ chăm chăm nghĩ ngợi việc lợi hay hại nếu rút BHXH một lần, trông chờ lương hưu như một chiếc phao cho tuổi già... thì mỗi người cần tự thân vận động học tập và làm việc để tích luỹ của cải cho mình.
Tuổi già có lương hưu thì tốt. Có của ăn của để và có lương hưu hàng tháng lại càng tốt hơn. Đó là một niềm vui nho nhỏ mà mỗi tháng người già được đón nhận.
Khắc Mai
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.