Tôi đến thăm bệnh viện tư kết hợp chăm sóc sức khỏe, lưu trú cho người cao tuổi ở Vũng Tàu và manh nha chuẩn bị cho tuổi hưu của mình từ hơn chục năm trước.
Chủ đầu tư của mô hình này nhắm đến khách hàng là những người già dư dả tiền bạc. Họ có thể vào đây thăm khám bệnh và ở lại bao lâu tùy thích, có điều dưỡng kề bên chăm sóc.
Giá phòng một triệu mỗi ngày, chưa kể phí dịch vụ khác. Nhà đầu tư hy vọng, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, dịch vụ thân thiện cùng nắng, gió biển, chưa kể các bạn già cùng cảnh sẽ kích thích nhóm khách hàng khá giả ở khu vực phía Nam móc hầu bao.
Rồi bệnh viện đóng cửa sau vài năm hoạt động do vắng khách. Tôi không bất ngờ. Khi đi dự khai trương bệnh viện kết hợp nơi dưỡng già này, tôi đã hoài nghi về tính khả thi ở thời điểm năm 2007.
Chuyện phải trả hàng chục triệu đồng cho mỗi tháng chi tiêu với hầu hết người già Việt Nam từ thời điểm đó đến nay vẫn được coi là hành vi tiêu tiền của tầng lớp khá giả, ít nhất là dựa trên mức lương hưu.
Cả nước hiện có khoảng 2,4 triệu người đang hưởng lương hưu, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đại đa số họ đang lĩnh mức lương 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều người có lương hưu dưới 1,3 triệu đồng, mức lương hưu thấp nhất cả nước hiện là 350.000 đồng một tháng.
Với TP HCM, nơi có hơn 138.000 người đang hưởng lương hưu, mức lương trung bình của họ là khoảng 2,5 triệu đồng một tháng. Mức lương hưu bình quân này thấp hơn nhiều so với mức chi tiêu bình quân của một người dân. Cục Thống kê TP HCM cho biết, số liệu khảo sát năm 2012 (năm gần đây nhất có khảo sát này), một người dân Thành phố cần 3,5 triệu đồng cho các chi phí tối thiểu mỗi tháng. Đó là lý do nhiều người vẫn cho rằng lương hưu hiện khó sống.
Tôi thử tính. Nếu làm việc đủ số năm tối thiểu để có lương hưu, tôi còn 15 năm nữa. Nhiều năm qua, tôi được đóng bảo hiểm theo lương hệ số. Và nếu mọi việc vẫn tiếp diễn như vậy, tôi sẽ có mức lương hưu khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng khi nghỉ hưu.
Hiện phí dịch vụ cho loại phòng 6-8 người tại một trung tâm dưỡng lão mức bình thường dao động từ 8 đến 10 triệu đồng một người mỗi tháng. Phí này chưa bao gồm các dịch vụ hỗ trợ như vệ sinh cá nhân, chăm sóc đặc biệt và thuốc khi có bệnh, massage giảm đau...
Tuần này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tăng 15 điểm phần trăm lương hưu cho 8 nhóm thụ hưởng, nhưng trong đó không có thành phần cán bộ công nhân viên như tôi. Vậy thì, để không chờ đợi hỗ trợ từ con cái, chắc chắn tôi phải có khoản tiết kiệm ít nhất vài trăm triệu hoặc có dăm bảy phòng trọ hay căn nhà cho thuê; hoặc tôi vẫn làm thêm sau khi về hưu để có đủ khả năng chi trả.
Tôi thử nói chuyện với con gái, rằng khi nó sinh con, tôi sẽ chỉ chăm nó chừng một tháng vì tôi muốn làm một người già độc lập và tự do, con tôi oà khóc nức nở, "làm vậy thật kỳ cục và không giống các bà mẹ khác". Nhưng tôi vẫn chắc mình sẽ không ở chung với chúng dù cùng thành phố hay chúng ở rất xa. Có thể, tôi sẽ rủ bạn bè lập hội, mua miếng đất làm nhà sống cùng nhau. Còn khỏe sẽ tụ tập, lâu lâu kéo nhau đi du lịch đây đó. Chân chậm, mắt mờ thì vào trại dưỡng lão nhờ điều dưỡng chăm. Trại dưỡng lão của 20 năm nữa, chắc chắn sẽ có nhiều lựa chọn hơn bây giờ.
Dân số Việt Nam đang già đi rất nhanh. Theo Tổng cục Dân số, đến 2054, Việt Nam sẽ vào giai đoạn dân số già khi tỷ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm tối đa 19,9%.
Để làm một người già độc lập, câu hỏi đầu tiên vẫn là tiền đâu. Tôi biết rằng lương hưu của tôi sẽ không đủ sống như tôi muốn, chỉ đủ cho mức sống tối thiểu, như phần lớn số người đang lĩnh lương hưu trên toàn quốc.
Có lần, tôi giật mình vì tiếng cãi nhau ở tầng dưới. Người phụ nữ lớn tuổi trách mắng cô con dâu chuyện trong nhà, nhưng bà vẫn phải phụ thuộc vào con. Dưới sân chung cư, tôi hay trò chuyện với "ông nhớ sông" - tên tôi tự đặt cho người đàn ông 92 tuổi ở miền Tây. Ông bảo, vì hoàn cảnh phải lên Sài Gòn sống cùng con. Dăm ba bữa, ông lại đi bộ vài cây số xuống phà Bình Khánh để ngắm sông vì nhớ quê, con ông cấm ông đi xe đạp. Nhìn ông, tôi nghĩ, mình sẽ cố gắng không "phải" theo con đến một nơi nào để day dứt nỗi nhớ nơi kia.
Để thiết kế được tương lai đó, tôi có vài thách thức. Một là, tôi rời bỏ cơ quan nhà nước, vào làm cho công ty nào đó được trả lương rất cao để mức đóng bảo hiểm xã hội của tôi trong hơn chục năm tới sẽ trên nền thu nhập cao. Và do đó lương hưu của tôi sẽ không còn là 5 triệu. Thứ hai, tôi làm cách nào đó có khoản tiết kiệm lên tới vài trăm triệu hoặc ít nhất một bất động sản cho thuê.
Thứ ba, chính sách hưu trí và an sinh xã hội cho nhóm dân số già của Chính phủ có thay đổi lớn. Điều này, tôi không dám chắc, bởi như giải thích của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đề xuất tăng 15 điểm phần trăm lương hưu cho một số nhóm thụ hưởng là để bù đắp trượt giá, hai năm qua Chính phủ đã không điều chỉnh trong khi giá cả nhiều mặt hàng đã tăng trên 15 điểm phần trăm.
Người chủ khu dưỡng già ở Vũng Tàu lý giải với tôi sau khi dự án phá sản "người già Việt Nam vừa chưa sẵn sàng cho việc ở một nơi không phải nhà mình và tài chính hưu trí không ổn định".
"Sẽ có khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể không có lương hưu vào năm 2030, trừ khi Chính phủ có những quyết sách phù hợp", theo khuyến cáo của ILO. Mức sàn lương hưu là một ý tưởng được đề nghị với Chính phủ những năm qua, nhưng có lẽ vẫn còn được xem xét bởi khả năng của quỹ bảo hiểm quốc gia rất giới hạn.
ILO cũng khuyến nghị Việt Nam đưa ra hệ thống hưu trí đa bậc, tức có nhiều lựa chọn dễ dàng hơn cho dân chúng, nhằm tăng số người được đảm bảo mức thu nhập tối thiểu khi về hưu.
Các mô hình quỹ hưu trí tư nhân cũng được gợi ý song chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ cho chúng vận hành. Như nhiều quốc gia phát triển, tôi tin rằng hệ thống các quỹ hưu trí tư nhân nếu được thiết kế tốt, sẽ là cột chống đỡ đắc lực cho quỹ bảo hiểm xã hội của nhà nước.
Mong muốn chính đáng của mọi người là có khoản lương hưu đủ để bảo đảm cho tuổi già không phụ thuộc vào ai. Tôi có thể bỏ hết tiền tiết kiệm của mình vào các quỹ dù là tư nhân hay nhà nước nếu tôi tin rằng mình nhận lại mức lợi tức đủ để tôi được làm một người già vui vẻ.
Minh Tâm