VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ ba, 17/12/2024

Em có nhóm máu hiếm O rh-; em sinh bé đầu năm 2015, đã chích antiD theo phác đồ 2 mũi trong thai kỳ tuần 28 và 32, sau sinh em đã chích thêm 1 mũi. Năm 2017 em có thai lần 2, nhưng đến tuần thứ 12 thai kỳ siêu âm bị phù thai bác sĩ chỉ định đình chỉ thai kỳ, sau thủ ...

Đỗ Thị Lâm Châu, 32 tuổi, quận 2, TP HCM

ThS.BS Giang Huỳnh Như

Chào chị!

Rất cảm ơn chị đã quan tâm và gửi câu hỏi cho chương trình. Trường hợp của chị với phác đồ chích AntiD như vậy là phù hợp. Chị vẫn có thể mang thai tự nhiên, trước khi có kế hoạch mang thai lần tới, chị có thể thực hiện xét nghiệm đánh giá sự có mặt của kháng thể hoặc định lượng kháng thể trực tiếp. Tuy vậy, phù thai tại thời điểm 12 tuần cũng có thể do nguyên nhân khác ngoài miễn dịch (bất đồng nhóm máu Rh).

Việc đánh giá chi tiết bệnh sử và thông tin thai kỳ sẽ giúp chúng tôi có những định hướng cụ thể và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Em bị hiếm muộn bảy năm và có IVF hai lần nhưng thất bại. Hai lần IVF đều phôi ngày ba. Nếu em muốn liên hệ khám ở TP HCM thì ở địa chỉ nào? Có cần phải chuẩn bị gì trước khi kích trứng và chuyển phôi để phôi tốt không? Em cám ơn.

Đỗ Cao Thảo Vy, 32 tuổi, phường 5, quận 10, TP HCM

ThS.BS Giang Huỳnh Như

Chào chị, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến chị đã quan tâm đến chương trình.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những bệnh viện có thế mạnh trong thăm khám sức khỏe sinh sản, điều trị vô sinh hiếm muộn đồng thời ở cả 2 giới nam và nữ. Ở trường hợp của chị, tùy thuộc vào nguyên nhân gây hiếm muộn và lý do thất bại của những lần trước, kèm với thăm khám và đánh giá chuyên sâu, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho mình.

Chị cố gắng ăn uống điều độ, giữ gìn sức khoẻ, tránh căng thẳng và lo lắng là những chuẩn bị tốt nhất cho quá trình điều trị thành công. BVĐK Tâm Anh luôn sẵn sàng phục vụ chị bất cứ khi nào chị có nhu cầu. Chúc chị nhiều sức khỏe.

Tôi năm nay 32 tuổi, chồng tôi 47 tuổi. Vợ chồng tôi cưới được hai năm và trải qua hai lần UIU, ba lần IVF, một lần IVM. Chúng tôi điều trị liên tiếp trong vòng tám tháng nhưng đều không thành công.

Qua kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm, vợ chồng tôi đều bình thường nhưng sau khi chọc hút trứng để ...

Phạm Ly Na, 32 tuổi, Đà Nẵng

ThS.BS Giang Huỳnh Như

Chào chị, chúng tôi xin chia sẻ với hoàn cảnh của vợ chồng anh chị.

Quá trình thụ thai cần sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau như chất lượng trứng từ người vợ, chất lượng tinh trùng từ người chồng, đặc điểm của nội mạc tử cung và chất lượng phôi chuyển. Tuy nhiên, vẫn có khoảng một phần ba trường hợp vô sinh không tìm thấy được nguyên nhân. Tương tự, sự phát triển của phôi chịu sử ảnh hưởng của chất lượng bản thân phôi và hệ thống nuôi cấy phôi.

Rất khó để có thể kết luận ngay với anh chị về nguyên nhân khiến phôi ngừng phát triển trong trường hợp này là gì. Hiện tại, khoa Hỗ trợ sính sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đang sử dụng hệ thống nuôi cấy và chọn lọc phôi hiện đại, giúp tăng tỷ lệ thụ thai thành công.

Để có thể trả lời câu hỏi của chị, và bác sĩ tư vấn phác đồ cụ thể, mời chị sắp xếp thời gian qua thăm khám trực tiếp tại lầu 2, toà nhà A, Trung tâm Hỗ Trợ Sinh Sản - BVĐK Tâm Anh TP HCM, số 2B đường Phổ Quang, quận Tân Bình, TP HCM hoặc liên hệ qua số điện thoại 028 7102 6789 để đặt lịch hẹn thăm khám. Chúng tôi rất vui và sẵn lòng nếu được tiếp tục đồng hành cùng anh chị trong hành trình sắp tới. Chúc vợ chồng anh chị sức khỏe và may mắn.

Cho em hỏi khi bé một tuổi bị viêm phế quản nặng thì có ảnh hưởng đến thính lực của bé không ạ?

Quỳnh Châu, 26 tuổi, Vinh, Nghệ An

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào mẹ,

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và loại vi khuẩn mà bé mắc thì bác sĩ mới biết có ảnh hưởng lên thính lực của bé không. Để chẩn đoán xác định tình trạng của bé, tốt nhất mẹ nên mang bé đến khám nhi để đc bác sĩ tư vấn cho bé kỹ hơn và tầm soát thính lực nếu cần. Mẹ có thể cho bé tới thăm khám tại khoa Nhi, Hệ thống BVĐK Tâm Anh nhé

Trân trọng.

Bé nhà em tiêm đầy đủ tất cả mũi chích ngừa cho bé nhưng bé nhà em vẫn bị viêm tai giữa, viêm phổi thường xuyên. Xin bác sĩ tư vấn.

Lê Thị Lan Anh, 29 tuổi, Tân Phú, TP.HCM

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào mẹ,

Tiêm ngừa giúp phòng ngừa một số loại vi khuẩn và siêu vi trong cộng đồng, trong đó có phế cầu là một trong số các tác nhân quan trọng gây nên viêm phổi cộng đồng, viêm tai giữa, viêm màng não... tuy nhiên riêng phế cầu cũng đã có nhiều chủng khác nhau. Bé có thể nhiễm bệnh gây nên do các chủng vi khuẩn và siêu vi khác.

Quý phụ huynh cần lưu tâm đến môi trường sống của bé cũng như đưa bé tới các trung tâm y tế để thăm khám khi cần thiết. Trong đó phòng khám Nhi tại BVĐK Tâm Anh có chức năng tầm soát và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm ở trẻ. Các mẹ có thể liên hệ tại đây để biết thêm chi tiết.

Trân trọng.

Tôi 47 tuổi còn có khả năng sinh con không ạ? Nếu có thì cần lưu ý những gì thưa bác sĩ?

My Phuong, 47 tuổi, Bình Thạnh, TPHCM

ThS.BS Giang Huỳnh Như

Chào chị,

Vấn đề sinh sản của một cặp vợ chồng phụ thuộc phần lớn vào chất lượng noãn (trứng) của người vợ. Khi phụ nữ lớn tuổi (trên 35), số lượng noãn và chất lượng noãn giảm đi rất nhiều so với thời điểm khi họ còn trẻ. Việc sinh con ở tuổi của chị không phải là không thể, nhưng tỷ lệ có thai tự nhiên sẽ cực kỳ thấp do chất lượng noãn bị suy giảm và càng hy hữu hơn khi chị đã bước vào tuổi tiền mãn kinh hay mãn kinh.

Trong trường hợp của anh chị, mình đang mong con khi mình đã lớn tuổi thì việc trước nhất là anh chị nên thu xếp thời gian đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM để đăng ký khám cùng các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực hiếm muộn, với kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao các bác sĩ sẽ giúp anh chị có cái nhìn cụ thể và chính xác về tình trạng sức khoẻ sinh sản của vợ chồng mình. Từ đó sẽ cho chị những góp ý chân thành phù hợp với mong đợi của gia đình anh chị.

Cám ơn anh chị đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, để đặt hẹn cùng chuyên gia hỗ trợ sinh sản, chị vui lòng liên hệ theo số hotline của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM 02871026789.

Chúc chị sớm có tin vui. Trân trọng.

Trước khi mình mang thai nên tiêm phòng các vaccine gì và tiêm ở đâu thưa bác sĩ?

Thu Hà, 26 tuổi, quận 2, TP HCM

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Tiêm chủng cho phụ nữ chuẩn bị mang thai giúp giảm hàng trăm lần tỷ lệ trẻ bị bệnh truyền nhiễm tấn công từ trong bụng mẹ hoặc ngay khi chào đời. Từ đó giảm thiểu nguy cơ trẻ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, di chứng nặng nề về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Trước khi mang thai, phụ nữ được khuyến cáo cần phải tiêm các loại vắc xin sau:
- Vắc xin sởi - quai bị - rubella (hoàn thành phác đồ trước khi mang thai tốt nhất là 3 tháng).
- Vắc xin cúm (hoàn thành phác đồ trước khi mang thai 1 tháng hoặc tiêm vào 3 tháng giữa thai kỳ).
- Vắc xin thủy đậu (hoàn thành phác đồ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng).
- Vắc xin viêm não Nhật Bản (hoàn thành phác đồ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng).
- Vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (tiêm 1 liều và tiêm nhắc lại sau 10 năm).
- Vắc xin viêm gan B (hoàn thành phác đồ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng).
Nếu có bất cứ thắc mắc hay khó khăn nào, anh vui lòng gửi câu hỏi về cho chương trình để được tư vấn về vắc xin và tiêm chủng để được tư vấn. Trân trọng.

Dấu hiệu mang thai và không mang thai sau chuyển phôi IVF như thế nào? Nhờ bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ.

Thi Nguyen, 32 tuổi, TP HCM

ThS.BS Giang Huỳnh Như

Chào Chị,

Chúng tôi cảm ơn chị vì đã quan tâm đến chương trình. Thông thường, sau khi chuyển phôi tươi hoặc phôi trữ được thụ tinh ống nghiệm khoảng 14 ngày, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone beta hCG, là cách chính xác nhất để xem phôi có làm tổ thành công hay không. Ngoài ra, ở một số chị em sau khi chuyển phôi thành công, có thể có các dấu hiệu khác như: cơ thể mệt mỏi, buồn nôn hay nghén, cảm giác đau tức nhẹ và nặng bụng dưới, chuột rút, ngực đau và mềm, núm vú trở nên khá nhạy cảm, âm đạo tiết ra nhiều dịch trắng, có thể ra một chút máu. Tuy nhiên nếu ra máu âm đạo kèm theo đau bụng nhiều thì chị nên đến bệnh viện kiểm tra để loại trừ thai ngoài tử cung.

Mặc dù vậy, nhiều chị em không xuất hiện những dấu hiệu trên nhưng vẫn mang thai. Cho nên, tùy vào từng cá nhân mà sẽ có những dấu hiệu mang thai khác nhau sau khi chuyển phôi, chị không nên quá căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị, hãy chờ xác nhận chính xác từ các xét nghiệm nước tiểu hoặc máu do bác sĩ chỉ định.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Trân trọng!

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có khám dinh dưỡng không? Em cảm ơn.

Tuyết Mai, 24 tuổi, quận 5, TP HCM

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn!

Hiện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đầy đủ các chuyên khoa, trong đó có khoa Dinh dưỡng. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Chú của em bị hiếm muộn. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có gói khám gì tư vấn giúp em. Em cảm ơn.

Lê Thị Hà Giang, 22 tuổi, TP HCM

ThS.BS Giang Huỳnh Như

Chào chị!
Cảm ơn chị đã tin tưởng gửi câu hỏi về chương trình. Để đánh giá đầy đủ và đưa ra phương án điều trị phù hợp, chúng tôi cần đánh giá chi tiết từ cả hai vợ chồng bệnh nhân. Thông thường, người vợ cần đánh giá tổng quát và thực hiện tối thiểu các xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng, với chồng cần đánh giá tinh dịch đồ.
Bệnh viện Tâm Anh TP HCM có các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực hiếm muộn, với kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao các bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân có cái nhìn cụ thể, chính xác về tình trạng sức khoẻ sinh sản. Từ đó sẽ cho họ những góp ý chân thành phù hợp với mong đợi của gia đình.
Cám ơn chị đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, để đặt hẹn cùng chuyên gia Hỗ trợ sinh sản, người nhà của chị có thể liên hệ theo số hotline của bệnh viện 02871026789. Trân trọng.

Bé nhà tôi 4 tháng 20 ngày tuổi, nặng 6,3 kg, chưa biết lẫy. Bé đã biết tự xoay để nằm nghiêng. Mẹ hỗ trợ nằm sấp thì đầu nằm mặt sàn, không ngóc lên như các bạn được. Tôi rất lo lắng, liệu bé có vấn đề gì thể lực không?

Phạm Trang, 34 tuổi, Mỏ Chè, Sông Công, Thái Nguyên

BS.CKII Phạm Thanh Xuân

Chào em, bé gần 5 tháng tuổi chưa biết lẫy, mẹ hỗ trợ cho nằm sấp mà bé chưa tự ngóc đầu lên, có thể coi là chậm lẫy so với tuổi (tuy nhiên lẫy, bò là kỹ năng cho nên bé chưa thực hiện được cũng không sao, ngày xưa các cụ hay nói trốn lẫy, trốn bò). Tuy nhiên bé chưa nâng được đầu lại là đáng ngại vì những động tác như nâng đầu (3 tháng), biết ngồi (7-8 tháng), biết đứng (9 tháng - đứng tênh tênh) là bắt buộc cho các trẻ trong các mốc phát triển bình thường.

Tuy nhiên mẹ chưa cho biết tiền sử sản khoa của bé: đẻ thường hay sinh mổ, cân nặng lúc sinh, lên cân hàng tháng ra sao, trẻ đã mắc những bệnh gì? Dinh dưỡng của bé thế nào, bé ngủ tốt không? Bé có được bổ sung vitamin D3 hàng ngày không? Do vậy em nên đưa con đến bác sĩ nhi khoa để được khám và tư vấn cụ thể nhé. Chào em

Bé nhà em năm nay 4,5 tuổi nhưng hay nghiến răng lúc ngủ và hay đổ mồ hôi lúc bắt đầu ngủ. Đó là hiện tượng gì và làm thế nào để hết? Bé nhà em cũng mới tẩy giun vì em nghe nói nghiến răng có thể do giun.

thanh.dtm0810, 42 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào bạn! Cảm ơn câu hỏi của bạn. Câu hỏi của bạn có thể chia thành 2 ý chính:

1. Vấn đề con bạn hay nghiến răng lúc ngủ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đây là những nguyên nhân thường gặp: Do trẻ mọc răng, trẻ bị lệch khớp cắn, dị ứng, phản ứng thuốc (đặc biệt thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm...), nhiễm giun kim (do giun kim gây ngứa hậu môn về đêm và tiết độc tố khiến cơ thể trẻ khó chịu...)

2. Đổ mồ hôi lúc ngủ: Có 2 nguyên nhân chính gây nên tình trạng này:

* Do sinh lý: Ở trẻ sự trao đổi chất diễn ra mạnh hơn so với người lớn nên việc đổ mồ hôi sẽ giúp cơ thể trẻ tỏa nhiệt.

* Do bệnh lý: Như bệnh còi xương (thiếu vitamin D, canxi...), bệnh tim bẩm sinh, chứng ngưng thở khi ngủ...

Với những vấn đề như trên thì để trả lời cho câu hỏi của bạn, bạn cần đưa con đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán nguyên nhân từ đó sẽ có những lời khuyên thiết thực để có thể điều trị và chăm sóc tốt nhất cho con bạn.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Bé nhà em 5 tháng tuổi, bị khò khè, có đờm trong họng. Có cách nào để hết không thưa bác sĩ?

Lục Trường Luân, 34 tuổi, Cao Bằng

BS.CKII Phạm Thanh Xuân

Chào em. Bé bị khò khè, có đờm trong họng có khá nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này như: viêm mũi họng cấp hay nhiễm virus đường mũi họng như RSV, Rhinivirus hoặc viêm tai giữa hoặc viêm phế quản... Nếu bé mới bị 1-2 ngày, không sốt, không ho, không nôn chớ nhiều, ăn ngủ vẫn bình thường, mẹ chỉ cần vệ sinh mũi họng cho trẻ sạch sẽ, xịt rửa mũi bằng nước muối 0,9%. Có thể bổ sung thuốc ho như: Prospan theo chỉ dẫn.

Sau 2-3 ngày tình trạng khò khè không cải thiện mẹ nên cho trẻ đến bác sĩ nhi khoa để được khám và tư vấn nhé,bởi vì mẹ sẽ khó phân biệt dấu hiệu khò khè đó là do xuất tiết mũi họng hay do tăng tiết đờm ở phế quản hoặc do viêm tai giữa. Chúc bé mau khỏe nhé.

Bé nhà em 2,5 tuổi, 1 tháng gần đây bé có mũi, ít ho và không sốt. Em chỉ cho bé uống siro ích nhi. Nhưng tình trạng mũi không giảm. Bé vẫn ăn và ngủ tốt, vậy bé nhà em có cần đi khám không.

Hương Trần Thanh, 26 tuổi, Hà Nội

Bác sĩ Dương Thùy Nga

Xin chào mẹ,

Theo như mẹ mô tả thì bé có biểu hiện của viêm mũi có thể chỉ là viêm mũi dị ứng nhưng cũng có trường hợp trẻ bị bệnh lý về xoang (viêm xoang) bệnh lý về cuống mũi; bệnh lý về tai ví dụ viêm tai giữa... nên cháu cần đi khám để xem bị bệnh gì cụ thể.

Tuy nhiên do tình trạng chảy dịch mũi đã kéo dài nên trong trường hợp sau khi vệ sinh mũi cho bé mà tình trạng chảy dịch không đỡ thì mẹ nên cho bé đi khám nhé. Cảm ơn mẹ đã tin tưởng bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Trân trọng!

Con tôi chín tháng chưa mọc răng có vấn đề gì không thưa bác sĩ?

Nguyễn Thị Duyên, 35 tuổi, Kính Môn, Hải Dương

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào chị!

Thông thường chiếc răng sữa đầu tiên ở trẻ mọc lên lần đầu khi bé được 6 - 8 tháng tuổi, một số có thể sớm hơn (3 - 4 tháng tuổi) hoặc muộn hơn đôi chút (9 - 12 tháng tuổi). Khi mọc răng, trẻ em có thể hay quấy khóc, bú kém thậm chí bỏ bú, sốt,... khiến không ít mẹ trẻ cảm thấy rất lo lắng.

Con chị 9 tháng chưa mọc răng thì cũng hơi muộn đôi chút, tuy nhiên vẫn nằm trong giới hạn bình thường chị ạ. Có một số nguyên nhân gây chậm mọc răng ở trẻ như: Do di truyền, thời điểm sinh bé (thừa tháng, thiếu tháng...), bệnh của trẻ (Bệnh bẩm sinh, mắc phải...), thiếu canxi, thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng...

Tuy nhiên để xác định cụ thể tình trạng của bé chị nên cho con đi khám bác sĩ để có câu trả lời chính xác. Chúc bé và gia đình luôn luôn mạnh khỏe!

Con tôi năm nay 4,5 tuổi. Gia đình tôi mới sang Mỹ được hai năm. Con đang nói cả tiếng Anh, tiếng Việt và không bị rối loạn ngôn ngữ mà còn nói khá tốt. Tuy nhiên, cháu hay gặp tình trạng nói nhanh quá nên không nghĩ ra từ dẫn đến nói lắp nhưng không phải nói lắp kiểu bệnh lý. Hiện tại, chúng ...

Ha Nguyen, 32 tuổi, Mỹ

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào bạn, bé nhà bạn 4,5 tuổi, bé sang Mỹ 2 năm nhưng bé vẫn nói tốt cả 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, tuy nhiên bạn thấy bé hay nói nhanh dẫn đến nói lắp. Thường việc này sẽ có ảnh hưởng bởi cá tính của bé. Nếu bé tính cách nhanh nhảu, hoạt động nhiều, các hoạt động tay chân cũng diễn ra nhanh nhưng vụng (có thể nói như không cẩn thận - không điềm đạm), thì việc bé nói nhanh hơn khả năng tạo âm của khoang miệng là dễ hiểu. Nếu phù hợp với tính cách, thì cách giải quyết sẽ là điều chỉnh hoạt động của bé, bao gồm các hoạt động cả về thể chất và lời nói.

Ở lứa tuổi này, bé có tư duy độc lập, thường thích làm theo ý mình, và hay vội vàng. Bạn cần điều chỉnh cho bé, ví dụ như hiện nay bạn đang làm là nhắc bé suy nghĩ xong mới nói, cũng như trong các hành động cũng phải cẩn thận. Một vài biện pháp như các hoạt động tốt cho bé giúp rèn khả năng điềm tĩnh, hạn chế các hoạt động nhanh của bé như là: đọc truyện diễn cảm, nghe học cảm thụ âm nhạc, vẽ, chơi ghép hình... là những hoạt động vừa chơi vừa rèn tính kiên nhẫn, đồng thời làm chậm lại các nhịp suy nghĩ, nhịp nói của bé.

Ngoài ra, người lớn trong gia đình, là đối tượng bé sẽ học nói theo, cũng nên nói với bé và nói với nhau chậm, rõ từng từ, vì thường trẻ nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng các yếu tố tác động của môi trường gia đình nhiều bạn nhé. Trường hợp cuối cùng, nếu trong trường hợp bạn thấy bé nói lắp từ vô nghĩa, nói không đúng nội dung hoàn cảnh thì có thể cần phải cho bé đi khám bạn ạ. Chúc bé nhà bạn khỏe mạnh và mau cải thiện.

Tôi đã lớn tuổi, 43 tuổi và mới lập gia đình một năm. Tôi đã một lần bỏ thai vì lúc đó đang bị ốm, giờ muốn có con nhưng mấy tháng rồi vẫn chua có gì. Thỉnh thoảng, tôi đi tiểu có mùi nồng. Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ.

Vu Thuy, 43 tuổi, Bình Dương

ThS.BS Giang Huỳnh Như

Xin chào chị, rất cảm ơn chị đã đặt câu hỏi về chương trình.

Về trường hợp của mình, ở tuổi 43 là độ tuổi được xem như ở những giai đoạn cuối cùng của tuổi sinh sản. Lúc này, số lượng và đặc biệt là chất lượng trứng đã có sự sụt giảm rất đáng kể. Do đó, tỷ lệ có thai tự nhiên ở độ tuổi này là không cao. Vì vậy, chúng tôi có lời khuyên cho chị là nên được khám sớm nhằm kiểm tra về số lượng trứng cũng như chất lượng trứng của mình để có biện pháp điều trị kịp thời. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, chị có thể gửi về chương trình hoặc đặt lịch hẹn với chuyên gia Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM theo hotline 028 7102 6789 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.

Chúc chị sớm có tin vui. Trân trọng.

Bé nhà em 11 tháng tám kg, bé không hợp tác ăn dặm. Bé uống sữa cũng ít, 700 ml một ngày. Bé có phải đi khám không?

Hà Lê, 23 tuổi, Nam Sách, Hải Dương

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào mẹ.

Bé 11 tháng có cân nặng khá phù hợp là 8 kg. Bé uống lượng sữa 700 ml một ngày như vậy là nhiều so với tháng tuổi, nhiều khả năng bé sẽ no vì sữa, không thể ăn thêm. Bạn nên giảm sữa tầm 500-600 ml một ngày, cho bé vui chơi, vận động nhiều, ăn các loại thức ăn nhiều màu sắc... Tạo không khí vui vẻ cho bé, cho bé cùng ăn với gia đình, có thể cho bé ăn thực phẩm bé thích nhiều hơn chút.

Nếu không cải thiện xin dẫn bé đến khám nhi để bác sĩ tìm hiểu và tìm nguyên nhân xem có bệnh lý khác không và tư vấn cho gia đình 1 cách đầy đủ về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng bé. Hy vọng bé sẽ hợp tác hơn.

Bác sĩ cho em hỏi, bé nhà em 3 tháng tuổi mà cứ 4,5 ngày lại đi ngoài, phân lỏng. Như thế có vấn đề gì không ạ?
Quỳnh Hương, 27 tuổi, Ninh Bình

Bác sĩ Dương Thùy Nga

Chào bạn,

Ở tháng thứ 3, trẻ có mức chỉ số cân nặng và chiều cao tăng trưởng mạnh. Thông thường, lúc này bé sẽ dài khoảng 55-67 cm và nặng thêm 0,6-1 kg so với tháng trước. Đây chỉ là những con số ước lượng, bé có thể sẽ phát triển chậm hoặc nhanh hơn một chút.

Đa phần các bé sẽ đi ngoài một hoặc rất nhiều lần trong ngày, tần suất có thể lên tới 5-7 lần. Nếu bé có số lần đi ngoài trong ngày ổn định, kết cấu, màu sắc phân không bất thường thì mẹ có thể hoàn toàn yên tâm.

Theo như mẹ chia sẻ bé nhà mình đi ngoài như vậy là có biểu hiện của táo bón. Điều này trở lên đáng lo nếu như bé ít đi ngoài kèm với triệu chứng quấy khóc, biếng ăn, đau, phân rắn, khô, hoặc lỏng. Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, do vậy số lần đi ngoài cũng sẽ khác nhau nên tình trạng của bé cũng không giống nhau. Lúc này, mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và các biện pháp can thiệp kịp thời.

Nếu có bất cứ thắc mắc hay khó khăn gì, mẹ gửi câu hỏi về chương trình để được tư vấn. Trân trọng!

Con em 2 tháng 1 tuần tuổi, nặng 4,7 kg (lúc sinh ra là 3,1 kg), nhưng hiện tại bé bú ít và lại hay bi nôn trớ sau mỗi lần uống sữa mặc dù em đã hỗ trợ vỗ ợ. Cân nặng như vậy có bình thường không ạ?

Thu Phan, 24 tuổi, Hà Nội

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào mẹ,

Cân nặng của con như vậy là trong giới hạn bình thường. Số cân nặng tăng hai tháng qua của em bé cũng trong giới hạn bình thường. Để tránh tình trạng nôn thì sau khi ăn mẹ vỗ ợ hơi cho bé. Nếu trường hợp em bé trớ nhiều quá, bạn cho em bé đi khám để xác định nguyên nhân như trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa... và xử lý cụ thể tùy trường hợp.

Nếu có bất cứ thắc mắc hay khó khăn nào, anh vui lòng gửi câu hỏi về cho chương trình để được chuyên gia giải đáp. Chúc bé và gia đình vui, khỏe. Trân trọng.