VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ tư, 18/12/2024

Con em được năm tuần tuổi hay bị trớ sau khi bú. Mẹ cháu thỉnh thoảng hay bị lạnh đột ngột, huyết áp tụt 97/69. Nhờ bác sĩ vui lòng tư vấn giúp tình trạng của vợ và con em. Xin cảm ơn bác sĩ.

Trần Văn Tinh, 42 tuổi, V4 Home City, Yên Hòa

TTƯT.BS.CKII Lê Tố Như

Chào anh!

Trẻ nhỏ thường dễ gặp vấn đề nôn trớ do tư thế giải phẫu đường tiêu hóa của trẻ. Có các biện pháp hỗ trợ giảm nôn cho bé như tư thế đầu cao sau bú, tư thế bú đúng để trẻ không bị nuốt hơi khi bú, vỗ ợ hơi cho bé để đẩy bớt hơi trong dạ dày của bé ra ngoài, cho trẻ bú mẹ để trẻ dễ tiêu hóa hơn, tránh sử dụng sữa công thức gây đầy bụng, khó tiêu cho trẻ...

Tuy nhiên, nôn có thể liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hóa (viêm dạ dày ruột, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, dị ứng với sữa, hẹp môn vị...) hay bệnh lý ngoài đường tiêu hóa (rối loạn chuyển hóa, tim mạch...). Trẻ nôn có thể ở nhiều mức độ nhẹ, vừa, nặng và có thể kèm theo các triệu chứng khác như mất nước, rối loạn điện giải và ảnh hưởng đến tăng trưởng của trẻ.

Thời điểm xuất hiện nôn của trẻ cũng có thể do các bệnh lý khác nhau. Ở đây anh chỉ cho biết em bé 5 tuần tuổi bị nôn sau bú mà chưa cho biết mức độ nôn? Tính chất dịch nôn của bé? Thời điểm em bé bắt đầu bị nôn từ khi nào? Có liên tục bị nôn không? Có ảnh hưởng đến tăng cân của trẻ không?... Vì vậy, anh nên cho trẻ tới khám và được tư vấn cụ thể để gia đình yên tâm.

Về vấn đề của mẹ cháu: những cơn lạnh đột ngột còn hay gọi là những cơn "ớn lạnh", có thể liên quan đến phản xạ tiết sữa của mẹ. Huyết áp của mẹ là 97/69 nhưng anh chưa cho biết huyết áp bình thường của mẹ em bé là bao nhiêu? Các cơn ớn lạnh và huyết áp tụt có kèm theo triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn...? Sau sinh mẹ có ăn uống, nghỉ ngơi được tốt không?

Phụ nữ sau sinh sức khỏe thường yếu, sức đề kháng giảm có thể rất dễ mắc các tình trạng bệnh lý nhiễm khuẩn. Vì vậy, nếu trình trạng sức khỏe của mẹ không tốt nên được đến thăm khám chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe cho mẹ.

Chúc gia đình anh sức khỏe và hạnh phúc! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia. Trân trọng!

Chào bác sĩ ạ!
Bé nhà em 17 tháng rưỡi được 12,5kg, nhưng bé chưa ăn thô được chút nào. Bé ăn cháo vỡ hạt ngày 3 bữa, ăn sữa ngày 2 bữa. Có 1 vấn đề em lo lắng là bé hay bị nôn trớ, từ khi 2 tháng tuổi tới giờ. Hồi nhỏ nhỏ thì có khi 1 ngày trớ đến 5,6 ...

Việt Hà, 31 tuổi, Ninh Bình

Bác sĩ Phan Thị Thu Minh

Chào mẹ.

Về cân nặng, dù là bé trai hay bé gái đều nằm trong giới hạn bình thường. Ở trẻ em, tình trạng nôn trớ thường hay xảy ra, nhất là khi trẻ ho hoặc khi có dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, khoang miệng của trẻ còn hẹp và dạ dày ở tư thế nằm ngang hơn người lớn nên các bé rất dễ bị nôn trớ khi bị kích thích (ví dụ khi bị viêm họng, khi khóc nhiều, khi ho..). Ngoài ra, nôn trớ cũng có thể gặp trong bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Nếu tình trạng này đã kéo dài, mẹ có thể đưa bé đến khám để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ hơn cho bé.

Kính chào các bác sĩ!
Tôi có một cháu trai năm nay được hơn bốn tuổi. Cháu sinh ra thì phát triển bình thường theo chiều cao cân nặng nhưng theo mọi người nhận xét thì dương vật của cháu bé quá nên tôi rất lo lắng. Theo như quan sát thì của cháu bé hơn trẻ em cùng lứa tuổi (anh em các cháu ...

dvs, 37 tuổi, Kênh Dương, Lê Chân, Hải Phòng

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào bạn, bạn vui lòng cho chúng tôi biết bé bao nhiêu cân do một số trẻ béo thì khi muốn đo dương vật phải ấn gốc dương vật xuống rồi đo mới chính xác được.

Thường trẻ ở tuổi con bạn sẽ có chiều dài dương vật khoảng 4-4,5 cm, cho nên, nếu con bạn không béo phì và không lún dương vật thì dương vật của con bạn hơi nhỏ, tuy nhiên hiện tại chưa cần can thiệp gì.

Tinh hoàn con bạn khoảng bao nhiêu ml? Thường ở tuổi con bạn thì tinh hoàn khoảng 2,5 ml tức bằng đầu ngón tay út của người lớn là ổn.

Bạn nên mang con đến chỗ chúng tôi khám xem dương vật có nhỏ hơn bình thường thật không đã? Dương vật thường phát triển mạnh ở tuổi dậy thì nên với con số bạn đưa chúng tôi cần phải khám lại và theo dõi xem có cần điều tị không. Kích thước dương vật của bạn 11-12 cm là hoàn toàn bình thường. Con bạn nếu thật sự bị hẹp bao quy đầu, sau khi thăm khám, chúng tôi có thể dùng thuốc bôi (đa số trẻ cải thiện với thuốc bôi), nếu không cải thiện mới xem xét can thiệp tiểu phẫu. Xin cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi.

Bé chín tuổi mà tóc bạc thì bị bệnh gì và làm sao để khắc phục thưa bác sĩ?

Khâu Văn Công, 59 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn,

Bệnh tóc bạc sớm ở trẻ em là tình trạng xuất hiện những sợi tóc màu trắng do mất sắc tố melanin xen kẽ với những sợi tóc đen bình thường, xuất hiện trước 25 tuổi. Một số nguyên nhân gây tóc bạc sớm ở trẻ em:

- Di truyền: sắc tố melanin của tóc được quy định theo gen, đột biến gen gây làm cho tóc bạc sớm. Nếu bố mẹ tóc bạc sớm thì có thể di truyền qua cho con.
- Bệnh lý chuyển hóa: đái tháo đường, suy thượng thận, bệnh lý tuyến giáp gây rối loạn quá trình tạo sắc tố melanin của sợi tóc.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: thiếu vitamin nhóm B, A, E là vitamin thiết yếu để tạo ra sợi tóc chắc khỏe, thiếu axit Folic, biotin, kẽm, sắt ...
- Khói thuốc lá: hút thuốc lá thụ động cũng tăng quá trình lão hóa, trong khói thuốc lá có thành phần oxy hóa thúc đẩy quá trình oxy hóa làm tóc bạc sớm.
- Đời sống tinh thần: stress tâm lý do học hành, áp lực từ cha mẹ, chơi game nhiều cũng đẩy nhanh quá trình lão hóa làm sợi tóc bạc sớm. Tình trạng của con bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và làm xét nghiệm tìm nguyên nhân tóc bạc sớm.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Bé em nay 5 tháng, khá biếng ăn, mỗi lần đến giờ ăn ngủ là bé khóc, bé bú và ôm ti mẹ ngủ chứ không tự ngủ bao giờ. Bé tăng cân chậm mà không chịu bú sữa công thức và không hợp. Bé uống nước không sao nhưng bỏ sữa mẹ vào là bé nhè ra. Em phải làm sao thưa bác sĩ?

V.N., 33 tuổi, phường 9, Vũng Tàu

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn!

Vì đã có thói quen ti mẹ với việc cứ đói là tìm đến ti mẹ nên dù bước vào giai đoạn ăn dặm, trẻ vẫn duy trì thói quen này, bé sẽ không hợp tác trong chuyện ăn, ngủ mà chỉ muốn tìm đến ti mẹ như là một giải pháp để cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, trẻ bú mẹ suốt ngày nên bé có cảm giác no không muốn ăn. Ngày qua ngày, bé trở nên biếng ăn lúc nào không biết.

Bé nhà bạn chậm tăng cân và từ chối sữa công thức. Nếu bạn đủ sữa cho bé thì bạn có thể cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Thông tin bạn cung cấp bác sĩ chưa hiểu rõ ý bạn. Vậy là bạn cho bé bú mẹ trực tiếp hay vắt sữa mẹ ra bình vì bạn nói bỏ sữa mẹ vào là bé nhè ra.

Với trường hợp của con bạn, bạn nên đưa bé đến khám tại bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể hơn nhé. Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia. Trân trọng!

Năm nay em 36 tuổi độc thân, chưa sinh nở lần nào chưa có gia đình và hiện tại cũng không muốn lập gia đình. Cách đây hơn 3 năm em được chuẩn đoán là u bì buồng trứng bên phải kích thước 18x21mm và tồn tại đến bây giờ cũng với kích thước đó. Nhưng năm nay lại có thêm u bì bên trái ...

Giang, 36 tuổi, quận 8, TP HCM

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi

Chào chị,

U buồng trứng thể bì là loại u thực thể nhưng với kích thước như vậy là quá nhỏ và các bác sĩ thường không có chỉ định mổ ngay. Chị nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa và có thể làm một số xét nghiệm dấu ấn sinh học bướu để xem có gợi ý dấu hiệu gì là u không lành tính hay không.

Tình trạng tiểu gắt không liên quan đến các u bì này, và không có cách gì để ngăn chặn có u hay ngăn chặn u to ra. Vì vậy, các bác sĩ Phụ khoa luôn có lịch hẹn khám, tư vấn và chỉ định siêu âm, làm xét nghiệm dấu ấn sinh học bướu để theo dõi. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 0287 102 6789 (tại TP HCM) để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Làm thế nào để dễ thụ thai? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em.

Ngọc, 28 tuổi, Đà Nẵng

BS.CKI Lê Thị Kim Ngân

Chào bạn, để dễ thụ thai, bạn cần quan sát cơ thể mình để nhận biết các dấu hiệu quanh thời điểm rụng trứng và phải xác định được chu kỳ kinh của mình có đều hay không. Với chu kỳ kinh đều, ngày rụng trứng thường xảy ra khoảng 13 -14 ngày trước lần hành kinh sau. Trước ngày rụng trứng khoảng 2-3 ngày, âm đạo sẽ tiết ra nhiều chất nhầy trong dai, kéo dài thành dây sợi.

Thời gian dễ có thai nhất trong tháng là khoảng 5-6 ngày trước rụng trứng và 1-2 ngày sau rụng trứng. Như vậy để dễ có thai, hai vợ chồng nên giao hợp thường xuyên từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 15 nếu chu kỳ kinh 28 ngày; từ ngày 12 đến ngày 17 nếu chu kỳ kinh 30 ngày.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Tôi đã sinh mổ hai lần, sinh con lần cuối 2009 và dự định sinh một con nữa trong thời gian tới. Tôi cần lưu ý cho lần sinh con này thưa bác sĩ? Cảm ơn bác sĩ.

Hồng Xiêm, 40 tuổi, TP HCM

BS.CKI Trần Nguyễn Phương An

Bác sĩ Phương An thân chào chị.

Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa Sản đều khuyên chỉ nên mổ sinh hai lần để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nếu đã lỡ mang thai hoặc cần thiết phải sinh lần ba, chị cần đi khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tư vấn những nguy cơ và đồng thời thăm khám, đánh giá sức khỏe hiện tại và vết mổ cũ nhằm phát hiện các bất thường khi mang thai lần ba.

Tại bệnh viện Tâm Anh, chúng tôi có các bác sĩ dầy dạn kinh nghiệm theo dõi và xử trí thai kỳ có 3-4 lần mổ sinh. Chị có thể đến khám và điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Tâm Anh để nhận được sự chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của mình. Chị liên hệ đặt lịch khám qua tổng đài 028.7102.6789 để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn. Thân chào chị.

Bác sĩ cho em hỏi. Mẹ mang nhóm máu O. Sinh 2 lần đều bị bất đồng nhóm máu mẹ con, dẫn đến bé bị vàng da sau sinh. Có cách nào để lần sinh kế tiếp ko bị ảnh hưởng tới con không ạ? Em xin cảm ơn.

Nguyễn Thị Mỹ Lệ, 34 tuổi, Xã An Bình, huyện Phú Giáo, Bình Dương

BS.CKI Lê Thị Kim Ngân

Chào bạn,

Bất đồng nhóm máu ABO giữa mẹ và con là nguyên nhân thường gây vàng da sơ sinh sớm trong 24 giờ đầu. Nhóm máu của con được quy định bởi sự phối hợp của hai bộ nhiễm sắc thể đến từ trứng của mẹ và tinh trùng của cha. Theo đó, trẻ được nhận một nửa bộ gen từ mẹ và một nửa bộ gen từ cha, sự kết hợp đó sẽ xác định nhóm máu của con thuộc nhóm ABO và Rh nào.

Vì vậy, bạn không thể thay đổi được điều này. Tuy nhiên, điều may mắn là vàng da do bất đồng nhóm máu ABO giữa mẹ và con là bệnh lý có thể điều trị tốt và hiệu quả bằng chiếu đèn nên bạn an tâm.

Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Mẹ sau sanh được một tháng bị lạnh và sốt, không biết có ảnh hưởng gì không?

Nguyễn Trần Thúy Liễu, 29 tuổi, Phú Yên

BS.CKI Trần Nguyễn Phương An

Bác sĩ Phương An thân chào chị Liễu.

Sau sinh là khoảng thời gian nhạy cảm của phụ nữ khi sức đề kháng yếu đi, cơ thể lại đang rất cần năng lượng để hồi phục. Do đó, chị vẫn nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nhất là sắt, canxi, một số vitamin khác để hồi phục sức khỏe tốt hơn, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho bé qua sữa mẹ. Mẹ cần thiết phải giữ ấm cơ thể trong giai đoạn này.

Nếu tình trạng sức khỏe không tốt, cảm sốt hoặc sốt cao kéo dài, chị cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám, điều trị, nhận được sự chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của mình. Chị có thể liên hệ đặt lịch khám qua tổng đài Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn. Thân chào chị.

Em mang thai 20 tuần, khi siêu âm bác sĩ báo em bị nhau tiền đạo, có ảnh hưởng gì tới mẹ và bé không thưa bác sĩ?

Mien Tran, 30 tuổi, TP HCM

BS.CKI Trần Nguyễn Phương An

Bác sĩ Phương An thân chào chị.

Về vấn đề nhau tiền đạo, chị cần khám và theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa, có bác sĩ nhiều kinh nghiệm. Ngay khi có bất thường về chảy máu âm đạo khi có thai cần đến khám ngay bệnh viện chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho sức khỏe mẹ và bé. Vì đây là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây chảy máu, mất máu nhiều.

Nhau tiền đạo có nhiều mức độ khác nhau. Bác sĩ cần thăm khám và kiểm tra cho chị để có kế hoạch thai kỳ tốt nhất cho mẹ và bé. Chị có thể đến khám và điều trị, theo dõi tại bệnh viện để nhận được sự chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của mình.

Chúc chị và bé sức khỏe, nếu có bất cứ lo lắng gì, chị vui lòng gửi câu hỏi về chương trình để được tư vấn. Thân chào chị.

Bác sĩ cho em hỏi em 39 tuổi chưa có bé nào. Em cổ tử cung ngả trước, kinh Nguyệt đều. Mỗi lần đến kỳ kinh ngày đầu tiên rất đau bụng dưới. Em đã quan hệ ko phòng tránh 4 tháng rồi vẫn chưa có thai. Bị stress có ảnh hưởng không ạ?

Ngan Khanh, 39 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai

ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm

Bác sĩ Thanh Tâm thân chào em, ở tuổi 39 và mong con như trường hợp của em nếu sau 6 tháng không áp dụng biện pháp ngừa thai nào mà không mang thai thì em cần cùng chồng đi khám và tư vấn, ví dụ như tại Khoa hiếm muộn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Tình trạng đau bụng ngày đầu kỳ kinh sẽ không quá lo ngại nếu đau không quá nhiều. Các trường hợp cần lưu ý về đau bụng hành kinh ví dụ như phải dùng thuốc giảm đau hoặc thậm chí ảnh hưởng đến công việc phải nghỉ làm, dừng các sinh hoạt, công việc thường ngày để nghỉ ngơi điều trị. Việc bị stress sẽ làm rối loạn hoạt động nội tiết buồng trứng và có thể ảnh hưởng đến sự rụng trứng. Em cần cân bằng và điều độ lại trong mọi sinh hoạt và công việc.

Ngoài việc khám chuyên khoa hiếm muộn, em cũng cần tư vấn tâm lý để tìm giải pháp nếu cảm thấy không thể tự ổn định được tình trạng căng thẳng của mình. Hiện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đủ ba chuyên khoa phối hợp để em có thể có được tư vấn đầy đủ nhất đó là Sản khoa, Hiếm muộn và Tâm lý.

Sản phụ bị nhau tiền đạo và tiểu đường thai kỳ cần những lưu ý gì? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em.

Nguyễn Nhung, 28 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng

BS.CKII Lê Thanh Hùng

Thân chào bạn Nhung, câu hỏi của bạn có hai vấn đề.

Nhau tiền đạo: bạn cần khám tại cơ sở y tế chuyên khoa, có bác sĩ nhiều kinh nghiệm, riêng bạn khi có bất thường về chảy máu âm đạo khi có thai cần đến khám ngay bệnh viện chuyên khoa.

Đái tháo đường thai kỳ: bạn cần khám thai đều để bác sĩ chuyên khoa tư vấn chế độ ăn hợp lý đồng thời theo dõi đường huyết nhằm tránh xảy ra những ảnh hưởng nguy hiểm cho mẹ và bé: mẹ bị hôn mê do đường huyết cao, bé bị thai to, thai lưu, tim bẩm sinh...

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chúng tôi có thể theo dõi và điều trị cho bạn cả hai vấn đề trên. Thân ái chào bạn. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Thưa bác sĩ, có nên cho thai nhi nghe nhạc không? Và nên chọn loại nhạc nào để tốt cho trí não thai nhi?

Phan Van Phu, 43 tuổi, 82 đường 45, Tân Quy, quận 7, TP HCM

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi

Chào anh,

Thai giáo được ủng hộ nhiều trên thế giới hiện nay và một trong những phương pháp thai giáo là cho thai nhi nghe nhạc qua bụng mẹ khi thai nhi 16-18 tuần trở đi. Điều này cũng giúp mẹ thư giãn, cảm thấy phấn chấn yêu con nhiều hơn. Thai nhi có thể cảm nhận tình yêu của mẹ và làm quen với thế giới bên ngoài từ giai điệu mà dòng nhạc truyền qua thành bụng mẹ đến mình.

Mẹ có thể cho thai nhi nghe các dòng nhạc nhẹ nhàng du dương, các dòng nhạc nhẹ mà mẹ thích với cường độ vừa phải, đủ nghe chứ không cần thật lớn. Mẹ ghe mỗi ngày 2-3 lần, trong khoảng 15-20 phút mỗi lần. Thân mến!

Em đang lên kế hoạch có con nhưng chồng em mới phát hiện ung thư dạ dày. Vậy em có thể có bầu theo cách tự nhiên không và hai mẹ con có bị lây nhiễm HP từ chồng em không? Rất mong nhận câu trả lời từ bác sĩ.

Thi Yến, 30 tuổi, TP HCM

BS.CKI Lê Thị Kim Ngân

Chào bạn, trước hết, chúng tôi rất chia sẻ với trường hợp của vợ chồng bạn.

Thụ thai tự nhiên phụ thuộc vào chất lượng trứng và tinh trùng cũng như đường sinh dục của người phụ nữ toàn vẹn và hoạt động tốt. Vì vậy, nếu chất lượng tinh trùng của chồng bạn vẫn còn tốt thì bạn vẫn có khả năng thụ thai tự nhiên.

Vi khuẩn Helicobacter Pylori là nguyên nhân thường gặp gây viêm loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Chúng có thể lây truyền qua đường miệng - miệng hoặc phân - miệng. Để xác định xem bạn có bị nhiễm HP không, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khám, xét nghiệm và tư vấn điều trị kịp thời nếu có nhiễm HP.

Chúc bạn cùng gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ lo lắng nào, bạn vui lòng gửi câu hỏi về chương trình để các bác sĩ tư vấn. Trân trọng.

Con gái em sinh ngày 1/1/2021. Thời gian đầu mới sinh, bé háu ăn và ăn rất nhanh, bác sĩ phải dặn cho cháu ăn ít lại vì sợ giãn bao tử quá mức. Sau đ, em có giảm bớt lượng sữa cho bé. Khoảng hai tuần trở lại đây, trong miệng bé mọc một cái mụn có đầu màu trắng, bỏ ăn, thấy bình ...

Thuong Truong, 33 tuổi, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn!

Bác sĩ rất thông cảm với lo lắng của bạn vì sang thương trong miệng là một biểu hiện gây nhiều lo lắng cho cha mẹ do bé có thể bị đau, nhất khi tiếp xúc với thức ăn nên khiến bé khó ăn uống và quấy khóc.

Dù bạn không mô tả nốt trắng vị trí ở đâu? Kích thước như thế nào? Nốt trắng đó có bị bể ra hoặc bị loét không? Bé có triệu chứng gì khác kèm theo không?... Bé của bạn chỉ mới hơn 3 tháng tuổi, có nốt trắng trong miệng đã kéo dài 2 tuần và bé bị đau miệng thì nên cho bé đi tái khám lại để bác sĩ tìm nguyên nhân và tư vấn điều trị.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858 và tại TP HCM 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Bác sĩ cho em hỏi. Em sinh mổ được 20 tháng rồi. Sau bao lâu có thể mang thai lại an toàn ạ? Vết mổ thỉnh thoảng ngứa xung quanh thì có bị gì không ạ?
Khắc Chân, 29 tuổi, Bến Tre

BS.CKII Lê Thanh Hùng

Bác sĩ Thanh Hùng thân chào bạn Khắc Chân.

Sau khi mổ hai năm, bạn có thể mang thai lại an toàn, vết mổ ngứa là thường gặp ở những bạn có cơ địa sẹo lồi, không ảnh hưởng nguy hại gì cả. Nếu từ lúc sinh mổ đến nay, bạn chưa khám phụ khoa, bác sĩ Hùng khuyên bạn đi khám ngay để kiểm tra phụ khoa và vết mổ để chuẩn bị mang thai an toàn hơn.

Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Bác sĩ cho em hỏi, trước khi có bầu nên bổ sung vitamin của các hãng nào ạ?
Lana Nguyen, 27 tuổi, Phú Yên

ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm

Bác sĩ Thanh Tâm thân chào em,

Thông thường nếu sức khỏe thai phụ ổn định, không có biểu hiện bệnh lý cụ thể, dinh dưỡng đầy đủ thì hầu như không cần bổ sung quá nhiều vitamin trong thai kỳ. Một số Vitamin hiện nay được các bác sĩ Sản khoa hoặc bác sĩ Nhi khoa đề cập đến việc bổ sung trong thai kỳ như vitamin D ở liều khuyến cáo từ 400 đến 1000 đơn vị/ ngày hoặc thậm chí cao hơn khi có chỉ định.

Ở thai phụ thiếu máu cần bổ sung tăng cường sắt trong thai kỳ thì bác sĩ cũng lưu ý cung cấp thêm vitamin C ở liều thấp từ 30mg đến tối đa 200mg/ngày để tăng hấp thu sắt vào cơ thể. Việc dùng vitamin trong thai kỳ cần được tham vấn cụ thể tùy trường hợp. Thai phụ không nên tự ý cung cấp vitamin sẽ dẫn đến quá liều lượng khuyến cáo gây ngộ độc hoặc hậu quả xấu trên mẹ và thai. Chúc bạn và gia đình sức khỏe! Trân trọng.

Chào bác sĩ cho em hỏi tránh thai bằng thuốc tiêm tránh thai có những lợi và hại gì ạ?
Dương Dương, 28 tuổi, Bình Phước

BS.CKII Lê Thanh Hùng

Chào bạn Dương,

Tránh thai dạng tiêm có lợi về thời gian ngừa thai lâu dài nếu tiêm bắp gồm ba tháng, nếu tiêm dưới da (cấy que) tối đa ba năm, có loại năm năm. Ngừa thai dạng tiêm hiệu quả cao, kín đáo và khả năng có thai lại ngay sau rút que cấy.

Tránh thai dạng tiêm không có hại, nhưng có một số tác dụng phụ: có thể không có kinh trong thời gian ngừa thai, ra máu ít thâm giọt trong vài tuần, một số bạn bị tăng cân. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chúng tôi có dịch vụ cấy que dưới da ngừa thai ba năm, an toàn, kín đáo, bạn có thể đến khám và bác sĩ tư vấn cụ thể hơn. Thân ái chào bạn.

Bé em gần 27 tháng, đêm ngủ không ngon giấc, hay thức giữa đêm, ngủ không sâu. Bác sĩ cho hỏi bé bị thiếu chất gì?

Nhóc Chum, 28 tuổi, Quảng Ngãi

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn!

Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ em. Trẻ muốn nhanh lớn và khỏe mạnh cần có giấc ngủ ngon và đủ thời gian. Tuy nhiên, có rất nhiều trẻ có biểu hiện rối loạn giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay thức giấc giữa đêm...

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em:

1. Do thói quen sinh hoạt:
- Nơi ngủ của trẻ quá nhiều ánh sáng hay tiếng ồn làm bé cảm thấy không thoải mái, gây khó ngủ.
- Tã bé bị ướt hay bẩn, giường chiếu không sạch sẽ gây ngứa ngáy cho trẻ.
- Ba mẹ tập thói quen bế bồng, đưa nôi võng, làm trẻ phụ thuộc vô thói quen đó thì mới ngủ.

2. Nguyên nhân sinh lý:
- Trẻ bị đói, bú không đủ no cũng là nguyên nhân làm cho trẻ khó ngủ.
- Trẻ mọc răng, ban ngày vận động nhiều

3. Nguyên nhân bệnh lý:
- Trẻ bị thiếu canxi là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ em. Trẻ bị thiếu một số vi chất dinh dưỡng như magie, kẽm cũng có thể gây khó ngủ.
- Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bị nghẹt mũi khó thở, phải há miệng thở, ngủ ngáy.
- Trẻ có các bệnh lý: trào ngược dạ dày thực quản, viêm tai giữa... cũng gây khó ngủ.

Với tình trạng con của bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và làm xét nghiệm tìm nguyên nhân bé khó ngủ. Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!