Bé trai nhà em hiện tại được hai tháng tuổi. Bé hay đi phân có chất nhầy và có những viên li ti hình cục tròn. Bé có bị vấn đề gì không? Cảm ơn bác sĩ đã quan tâm đến câu hỏi của em.
Chào anh chị,
Bé bú sữa mẹ bình thường sẽ đi tiêu phân hơi nước kèm hạt vàng như hoa cà, hoa cải. Một số bé sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn có thể đi tiêu 8-10 lần/ngày. Điều này hoàn toàn bình thường, miễn là bé tăng cân tốt và tổng trạng khoẻ.
Nếu được, anh chị có thể cung cấp thêm cho bác sĩ các thông tin liên quan đến tình trạng đi tiêu của bé như bình thường bé đi tiêu bao nhiêu lần mỗi ngày (trong 24 giờ), lần này phân bé có lỏng nước hơn không? Có mùi tanh không? Ngoài nhầy còn có máu hoặc màu sắc bất thường khác không? Bé bú mẹ hay sữa công thức và hiện nay bé bú sữa như thế nào? Có ói không? Có quấy khóc không? Nhìn chung, tổng trạng bé có khỏe? Có chơi không? Có bị viêm hô hấp gây ho, khò khè không?
Phân nhầy có thể do nhiều nguyên nhân, có thể là dấu hiệu của một tình trạng viêm ở đường ruột với nhiều mức độ khác nhau, có thể do nhiễm trùng hoặc không. Đôi khi phân nhầy như nước mũi có thể thoáng qua một vài lần và bé bình thường sau vài ngày.
Do đó, nếu được, khi đi khám, bạn giữ mẫu phân trong tã gần nhất cho bác sĩ quan sát. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân phù hợp nhất theo tình trạng của bé và sẽ có hướng điều trị và theo dõi thích hợp.
Nếu bé sơ sinh hơn hai tháng tuổi nhìn tivi có sao không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em.
Chào anh chị,
Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới và các hiệp hội Nhi khoa tại các nước trên thế giới đã khuyến cáo trẻ em dưới 18-24 tháng không nên sử dụng màn hình, ngoại trừ trong một số tình huống cần nói chuyện qua video chat với người thân ở xa.
Ở các lứa tuổi lớn hơn, thời gian trẻ em ngồi trước màn hình bất kỳ (TV, điện thoại, Ipad, máy tính...) cũng được khuyến cáo nên được kiểm soát nội dung và có giới hạn thời gian. Ví dụ: trẻ 2-5 tuổi chỉ nên tiếp xúc với màn hình một giờ/ngày, có thể 2-3 giờ vào cuối tuần, ngưng nhìn màn hình trước khi đi ngủ 30 - 60 phút.
Do em bé nhà mình chỉ hơn hai tháng, bác sĩ khuyên anh chị không nên cho bé nhìn màn hình tivi vì sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và phát triển.
Con em có bị viêm màng não mủ do phế cầu, có tụ dịch màng cứng. Cháu truyền kháng sinh 4 tuần và lần tái khám gần đây nhất đã hết dịch. Các phát triển vận động đều bính thường theo đúng độ tuổi, bác sĩ cho em hỏi: liệu sau này cháu có ảnh hưởng gì tới thần kinh không?
Chào chị,
Tôi rất thông cảm với lo lắng của chị về viêm màng não mủ do phế cầu của cháu bởi vì viêm màng não mủ - tức là viêm màng não do vi trùng và vi trùng tấn công vào màng bọc của màng mạn của não. Trong các con vi trùng gây nên màng não thì phế cầu là con vi trùng có động lực khá cao, để lại di chứng và tỷ lệ tử vong cao so với các con vi trùng khác.
Điều trị viêm màng não do phế cầu rất khó khăn, tức bác sĩ phải phối hợp ít nhất hai loại kháng sinh và thời gian điều trị tối thiểu là ba tuần. Con của chị bị viêm màng não do phế cầu là thể viêm màng não nặng. Tuy nhiên, cháu rất may mắn chỉ bị biến chứng tụ dịch dưới màng cứng và may mắn hơn nữa là tụ dịch đó đã hoàn toàn lành. Cháu có thể phát triển về tâm thần vận động hoàn toàn bình thường nên chị không phải lo lắng vì đa số các cháu sẽ phát triển bình thường khi lớn lên và không để lại di chứng.
Tuy nhiên tôi cần nhắc một điều là đối với những bé bị viêm màng não do phế cầu khả năng di chứng để lại trên thính lực cao gấp 3-4 lần so với các con vi trùng khác. Nếu có điều kiện chị nên đưa bé đi khám về thính lực để mình đảm bảo di chứng về thính lực không có. Trường hợp nếu có có thể can thiệp sớm. Đối với câu hỏi cần làm gì để phòng viêm màng não do phế cầu thì chúng ta có vaccine để chích ngừa và em bé sẽ được chích ngừa rất sớm từ hai tháng tuổi. Phế cầu không chỉ gây viêm màng não mà còn gây viêm tai giữa, viêm phổi... Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là nên đưa trẻ đi chích ngừa.
Chúc gia đình chị sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Tôi năm nay 42 tuổi, từng 3 lần sinh thường, vừa rồi tôi đi khám tổng quát thì bị sa sàn chậu sau độ 1 độ 2 và túi sa thành trước trực tràng độ 2 độ 3. Xin hỏi bác sĩ bệnh của tôi có nghiêm trọng không? Tại BVĐK Tâm Anh có phương pháp nào điều trị mà không cần phẫu thuật không? ...
Chào chị,
Tình trạng sa sàn chậu được chia thành nhiều mức độ khác nhau. Với mức độ một và độ hai như chị mô tả được gọi là sa sàn chậu ở nhẹ và trung bình. Những khối sa nhẹ trung bình có thể điều trị mà không cần phải phẫu thuật.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM áp dụng các phương pháp điều trị không phẫu thuật tiên tiến như tập vật lý trị liệu sàn chậu. Trong trường hợp túi sa trực tràng ở mức độ 3 khá lớn như chị đề cập, chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp đặt vòng nâng pessary ở trong âm đạo để đẩy khối sa lên.
Chúc chị sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bé nhà tôi được bốn tháng 12 ngày tuổi, tôi tham chiếu bảng chiều cao, cân nặng trên một số trang web thì thấy bé đủ chiều cao nhưng cân nặng thiếu, chậm tăng cân. Bé bú sữa mẹ hoàn toàn. Tôi có nên cho bé bú thêm sữa công thức hoặc bổ sung thêm thuốc bổ gì không? Lúc sinh bé 2,4 kg, giờ ...
Chào bạn!
Bé nhà bạn lúc sinh 2,4 kg, hiện tại bé được 4 tháng 12 ngày nặng gần 6 kg, cao 63 cm. Theo bác sĩ, bé đang phát triển tốt và dần bắt kịp tăng trưởng so với các bạn cùng lứa tuổi (cân nặng bé trai 7kg, bé gái 6,4 kg). Việc đánh giá phát triển thể chất của bé không dựa trên một thời điểm mà còn dựa trên cả quá trình từ sinh đến nay và về sau. Do đó, bác sĩ cho rằng bé nên tiếp tục bú mẹ hoàn toàn để tận dụng tối ưu nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ và không cần bổ sung thêm thuốc bổ nào khác.
Thân chào bạn! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Em đang có thai được 8 tuần, theo như tham khảo thì đến tuần thai thứ 12 sẽ làm các xét nghiệm ví dụ như double, triple test, NIPT... Vậy có cần thiết phải làm xét nghiệm NIPT không hay gặp những trường hợp nào mới xét nghiệm? Em cảm ơn.
Chào chị.
Vào tuần thai thứ 12, sản phụ sẽ thực hiện một siêu âm rất quan trọng là siêu âm khảo sát học, hình thái học quý một. Sau đó, tiếp tục thực hiện một số xét nghiệm máu cơ bản nhằm hai mục đích:
- Xét nghiệm máu dành cho mẹ nhằm xác định một số bệnh lý có thể tầm soát trong thai kỳ như: thiếu máu thalassemia, đây là bệnh lý thiếu máu có tính chất di truyền mà người Việt Nam rất hay gặp phải; Các bệnh lý nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị trong thai kỳ.
- Xét nghiệm máu nhằm tầm soát các dị tật cho con, mà cụ thể là hội chứng down (trisomy 21). Hiện tại, có rất nhiều xét nghiệm giúp tầm soát hội chứng down như làm double test vào tuần thai thứ 12, kết hợp với độ tuổi của sản phụ và kết quả siêu âm độ mờ da gáy để tính ra nguy cơ hội chứng down của bé trong bụng mẹ cao hay thấp. Từ đó, lập kế hoạch theo dõi thai kỳ phù hợp.
- Một xét nghiệm khác có mức độ tin cậy cao hơn là NIPT. Tuy nhiên, xét nghiệm này không dành cho tất cả mọi người. Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng cụ thể mà bác sĩ có thể đưa ra hướng tư vấn phù hợp cho từng khách hàng chuyên biệt. Bên cạnh đó, xét nghiệm tripple test sẽ được thực hiện ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 với độ chính xác thấp hơn. Do đó, nếu có điều kiện chị nên đến bệnh viện vào tuần thai thứ 12 để được thăm khám một cách tốt nhất.
Chúc mẹ và bé sức khỏe!
Con em được 19 tháng nhưng từ lúc một tuổi đến nay con hay bị viêm họng hoặc lở miệng, 2-3 tháng gần đây tần suất tăng lên nhiều. Em mỗi ngày đều có dùng nước muối đánh răng vào cuối ngày và cũng có ăn trái cây mỗi ngày. Hiện con ăn hai cữ cháo, hai cữ cơm và ba cữ sữa mỗi ngày.
...Chào chị,
Vấn đề lở miệng ở trẻ em rất được đông đảo phụ huynh quan tâm lo lắng bởi khi lở miệng bé sẽ bỏ ăn, không ăn được, quấy khóc, chảy nước miếng... nhiều lúc bé không muốn nói chuyện, ban đêm ngủ không yên làm phụ huynh rất lo lắng cho bé mặc dù chúng ta cảm nhận bệnh rất bình thường.
Có rất nhiều nguyên nhân gây lở miệng, đặc biệt đối với những bé ở độ tuổi nhỏ như vậy. Bé có thể bị lưỡi bản đồ, dân gian gọi là đẹn trăng hoặc một số bé khi ăn cắn nhầm niêm mạc má làm cho niêm mạc má bị loét ra. Tuy nhiên, một số bé khác mắc các bệnh lý như tay chân miệng hoặc một số bệnh lý toàn thân ảnh hưởng làm miệng bé bị lở loét.
Đối với trường hợp của con chị 19 tháng thì thông thường trong khoảng 5-7 ngày vết loét sẽ tự lành. Tuy nhiên, trong thời gian bé bị lở miệng, phụ huynh cần chú ý áp dụng những biện pháp chăm sóc nhằm phòng tránh vết loét bị nặng hơn:
- Thứ nhất, chú ý vệ sinh răng miệng cho bé. Điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nếu không được chăm sóc tốt, vết lở có thể bị nhiễm trùng, tình trạng lở kéo dài hơn hoặc bé bị viêm nướu kèm theo, dẫn đến bé không nuốt được hoặc không đánh răng được. Đối với bé ở độ tuổi 19 tháng, phụ huynh đã có thể dùng kem đánh răng để vệ sinh răng miệng cho bé. Nên sử dụng kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé, mỗi ngày đánh răng 2 lần, lấy phần kem đánh răng bằng hột đậu xanh để đánh cho bé.
- Thứ hai, cho bé uống nhiều nước nhằm hỗ trợ bù nước cho bé. Cho bé uống nước ấm có thể để nước mát một xíu để bé dễ chịu hơn. Cần lưu ý không cho bé ăn thức ăn chua và cay, đặc biệt là thức ăn chua vì nhiều phụ huynh quan niệm khi bé lở miệng cần bổ sung nhiều vitamin C để nhanh lành. Cho bé uống nhiều nước cam, nước chanh rất chua khiến bé đau và sau đó sẽ sợ, từ chối thức uống đó lúc đã khỏi bệnh.
Điều quan trọng là chúng ta cần biết chính xác tình trạng lở miệng ở bé là lành tính, hay là dấu hiệu của bệnh lý nào đó để điều trị đúng nguyên nhân. Đối với những trường hợp này, khuyến cáo phụ huynh nên đưa bé đến thăm khám để tìm ra nguyên nhân chính xác, cũng như để được bác sĩ hướng dẫn cách thức điều trị và chăm sóc bé. Việc một số phụ huynh tự ý dùng thuốc giảm đau tại nhà hoặc bôi những loại thuốc không rõ nguồn gốc cho rất nguy hiểm.
Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp phụ huynh tìm ra nguyên nhân bé bị lở miệng, cũng như có hướng điều trị giúp bé thoải mái nhất. Chúc mẹ và bé sức khỏe. Trân trọng!
Em được tư vấn các gói sinh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cả sinh thường và sinh mổ ạ. Có ưu đãi gì cho nhân viên của trung tâm tiêm chủng vaccin VNVC không ạ?
Bác sĩ Phương An thân chào chị.
Hiện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có các gói sinh thường và sinh mổ tùy theo số lượng thai và dạng phòng chị chọn. Với các trường hợp thai đơn, gói sinh dao động 19-22 triệu tùy dạng phòng trong trường hợp sinh thường và 21-25 triệu trong trường hợp sinh mổ.
Về các chính sách ưu đãi cho nhân viên cùng hệ thống hiện tại có áp dụng, chị có thể đến liên hệ trực tiếp tại bộ phân Chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858 và tại TP HCM 028 7102 6789 để được tư vấn cụ thể hơn về giá các gói dịch vụ và chính sách ưu đãi kèm theo. Thân chào chị.
Con trai tôi hiện nay 9 tuổi. Hồi nhỏ, cháu bị sốt và bị co giật. Bây giờ nếu bị sốt cao, cháu còn có khả năng bị co giật nữa không? Xin cám ơn bác sĩ.
Chào anh,
Sốt co giật là sự kích hoạt khi cháu bé sốt, sốt co giật thường rất lành tính. Cháu bé thường sẽ co giật trong vài phút sau đó sẽ tỉnh hoàn toàn và không để lại di chứng gì hết, sẽ vẫn sinh hoạt, lớn lên sẽ vẫn học tập, phát triển bình thường.
Sốt co giật thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi và đỉnh điểm của sốt co giật là 1-3 tuổi. Đối với con anh, cháu hồi nhỏ có sốt cao co giật, giờ đã 9 tuổi thì đã nằm ngoài giai đoạn co giật do sốt. Vì vậy, nếu bé bị co giật trở lại bắt buộc phải mang đi bệnh viện vì chứng tỏ cháu có bất thường, có thể ở não hoặc ở trong máu thiếu gì đó làm cho bé bị co giật.
Hiện thời không lo lắng về chuyện bé sốt cao bị co giật nữa nhưng nếu trường hợp xấu gặp một tình huống khiến cháu co giật thì cần đưa đi bệnh viện liền để bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm tìm ra các nguyên nhân và điều trị.
Chúc cháu và gia đình anh sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn. Trân trọng!
Em đang mang thai 24 tuần. Ba bé bị viêm gan B mạn tính. Em đã chích ngừa, tuần 23 em xét nghiệm kháng nguyên âm tính. Theo em được biết thì bé sinh ra trong vòng 24h sẽ được tiêm ngừa viêm gan B thì không sao. Vậy em muốn hỏi trong vòng 24h đầu khi bé chưa được chích ngừa mà ba bé ...
Chào bạn,
Viêm gan siêu vi B là căn bệnh có khả năng lây truyền qua đường quan hệ tình dục, đường máu. Nếu chồng bạn từng bị viêm gan B và bạn đi khám được bác sĩ thông báo trong máu không còn kháng nguyên nữa, đó là điều rất tốt. Tuy nhiên, các bé sơ sinh có mẹ bị viêm gan siêu vi B thì tại thời điểm mới sinh, bé sẽ được chích ngừa vaccine viêm gan B.
Nếu trường hợp chị em phụ nữ có HBsAg dương tính hoặc HbeAg dương tính, em bé khi chào đời sẽ được chích ngừa viêm gan hoặc Globulin miễn dịch để trung hòa các kháng nguyên tại thời điểm dễ lây bệnh. Như vậy nếu trong 24 giờ sau sinh, trẻ đã được chích ngừa đủ các mũi vaccine ngừa viêm gan B, bố mẹ không cần lo lắng về khả năng mắc bệnh của bé sau này.
Tuy nhiên trường hợp của bạn, chồng bạn đang bị bệnh và bạn thắc mắc liệu khi ba bé ẵm bồng, hôn con thì có khả năng lây bệnh cho bé không. Thật ra khi ẵm bồng, bé sẽ không tiếp xúc với dịch tiết hay máu. Do đó, chồng bạn vẫn có thể bế, hôn lên đầu con. Song dù là bất cứ ai thì cũng không nên hôn, bế trẻ sơ sinh nhiều quá, vì người lớn mang rất nhiều mầm có khả năng lây bệnh cho trẻ. Trước khi tiếp xúc phải vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ, đảm bảo không lây bệnh cho con.
Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Tôi năm nay 33 tuổi, đang có thai 5 tháng, thỉnh thoảng tôi hay bị đau thốn phía dưới bụng, lần mang thai trước tôi không bị tình trạng này. Xin hỏi bác sĩ bị như vậy có sao không? Tôi có cần đi khám, can thiệp gì không? Mong bác sĩ tư vấn.
Chào chị,
Trong thai kỳ, đặc biệt ở những lần mang thai sau, cơ thể của người phụ nữ sẽ không được khỏe mạnh và sung sức như lần mang thai đầu tiên. Chính vì vậy, các tình trạng đau, trằn, nặng ở vùng bụng là một phần của tình trạng nhão cơ bụng hoặc thậm chí đó là sự căng dãn của các khớp xương, cũng như là dây chằng ở vùng khung chậu.
Với tình trạng này, chị có thể tới khám ở các bệnh viện chuyên khoa Phụ sản, nơi có thêm đơn vị về sàn chậu hoặc có các đơn vị tập huấn về những bài thể dục sàn chậu để giúp cơ thể săn chắc hơn và khung xương chậu vững chắc hơn.
Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Tôi có đứa cháu năm nay hơn ba tuổi hay bị khó thở, đi khám bệnh bác sĩ nói bị viêm VA mãn, yêu cầu phải nạo. Xin được tư vấn có cách nào không phải nạo nhưng vẫn trị cho cháu hết bệnh không? Vì tôi nghe nói phải chụp thuốc mê sợ ảnh hưởng việc học sau này của cháu. Cảm ơn bác ...
Chào chị,
Theo như chúng ta biết, VA là một khối mô bạch huyết nằm ở vùng hòm họng phía sau giữa mũi và họng. Vai trò của khối mô này là sàng lọc vi trùng hoặc siêu vi có thể gây bệnh cho bé hoặc lọc những dị ứng, kháng nguyên gây hại cho bé. Thông thường khối này khi bé lớn lên, miễn dịch bé tốt thì tới tuổi thiếu niên nó sẽ bắt đầu teo lại và mất hoàn toàn khi tới tuổi dậy thì.
Tuy nhiên ở một số bé viêm VA này cứ tái đi tái lại trên 5 lần 1 năm hoặc cụ VA này gây những biến chứng tái phát ví dụ như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm xoang hoặc cục VA này quá lớn (gọi là VA tái phát) sẽ che lỗ mũi phía sau làm cho bé khó thở ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp bình thường. Những trường hợp như vậy bắt buộc phải nạo VA.
Như chị phân tích, bác sĩ nói cháu cần được nạo VA, chứng tỏ việc điều trị VA cho cháu bằng nội khoa, tức uống thuốc đã không còn hiệu quả. Chúng ta cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Nạo VA là thủ thuật khá đơn giản, không có gì quá khó khăn với bác sĩ chuyên khoa, vấn đề là chúng ta chọn bệnh viện nào có chuyên khoa nhi uy tín để làm.
Chị lo lắng nạo VA xong, bé có bị ảnh hưởng do gây mê hay không? Chị an tâm là với bệnh nhi cần gây mê, bác sĩ nhi sẽ khám các cháu rất kỹ để xem có chống chỉ định nào hay không hoặc tạm thời chữa cho khỏi mới gây mê, nếu có những gì bất thường sẽ tính toán rất kỹ. Ngay trong cuộc phẫu thuật sẽ luôn có bác sĩ gây mê ở trong đó theo dõi và xử trí khi cần thiết, đảm bảo trong và sau cuộc mổ bé sẽ hoàn toàn an toàn nên chị an tâm.
Chúc cháu và gia đình sức khỏe. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, chị vui lòng gửi câu hỏi về chương trình để được hỗ trợ tư vấn. Trân trọng.
Mong bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng cho sản phụ và trẻ sơ sinh trong trường hợp sinh mổ để tôi có thể chăm sóc tốt cho cháu và mẹ của cháu. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.
Chào anh,
Sinh mổ hay sinh thường về nguyên tắc chế độ dinh dưỡng không có gì khác biệt nhau. Tuy nhiên, với các thai phụ trải qua sinh mổ thường sẽ có một số khó khăn hơn sinh thường: vận động đi lại và ăn uống sẽ chậm hơn, mẹ có thể sẽ sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh nhiều hơn, cho con bú cũng khó khăn hơn... Do vậy, trẻ có thể sẽ phải được cho bú hoặc phải bổ sung thêm sữa công thức ngay từ khi lọt lòng.
Nếu sản phụ sinh mổ nên vận động ngồi dậy đi lại sớm, khuyến khích ăn thức ăn nhẹ dễ tiêu như cháo thịt, canh súp..., khi đã có trung tiện thì ăn lại như bình thường trước sinh, không kiêng khem gì. Mẹ có thể ăn nhiều rau, thịt, cá, trứng, sữa, uống nhiều nước, ăn nhiều canh... và ăn theo tư vấn của các bác sĩ dinh dưỡng nếu có cao huyết áp hay đái tháo đường trước đó. Thân mến!
Em năm nay 40 tuổi (nam), vợ chồng em đang lên kế hoạch sinh em bé nhưng em bị viêm xoang, cảm cúm. Cho em hỏi thời gian bao lâu em mới để có em bé? Nếu đang bị bệnh có em bé vậy sau này em bé có khỏe mạnh không? Em xin cảm ơn.
Chào anh,
Tình trạng cảm cúm là một từ phổ thông có thể liên quan đến nhiều tình trạng khác nhau như nhiễm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm hầu họng, và cả nhiễm siêu vi... Vì vậy, anh chị nên điều trị ổn định tình trạng cảm cúm trên, cũng như nên khám sức khỏe trước khi mang thai để được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể.
Nếu mẹ bị nhiễm một số siêu vi trong thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ có thể ảnh hưởng không không tốt đến thai nhi (ví dụ nhiễm siêu vi Rubella, Zika...). Để tránh những mối lo về nhiễm siêu vi khi mang thai, anh nên đưa chị đến để được tư vấn và chích ngừa một số bệnh trước khi mang thai tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.
Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Con gái tôi 11 tuổi, thể trạng khỏe mạnh, hơi mập. Ngày cháu đi tiểu rất bình thường nhưng cứ đêm nằm ngủ là lại đái dầm. Mỗi đêm đái vài lần, mỗi lần đái nhiều chứ không phải ít. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi có cách gì để trị dứt điểm cho cháu hoặc cần phải khám như thế nào?
Chào chị!
Tiểu không kiểm soát hay đái dầm là tình trạng không kiểm soát được bàng quang và hậu quả là bé sẽ tiểu không tự chủ. Ở bé dưới 3 tuổi, bé chưa tự chủ được ý muốn của bản thân nên đái dầm là chuyện rất bình thường. Khi bé lớn hơn, thường 5-7 tuổi, khả năng kiểm soát bàng quang của trẻ sẽ tốt hơn; trẻ sẽ thức dậy khi muốn đi tiểu.
Con của chị 11 tuổi vẫn còn đái dầm là biểu hiện không bình thường. Có nhiều nguyên nhân có thể gây đái dầm ban đêm như táo bón, ngưng thở khi ngủ, đái tháo đường, đái tháo nhạt, bệnh thận... hoặc đơn giản do trẻ bị căng thẳng về tâm lý như gặp khó khăn ở trường hay trong gia đình.
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đái dầm của bé và được tư vấn cụ thể hơn về phương pháp điều trị, chị có thể đưa bé đến khám tại khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM (số 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình) hoặc gọi số 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Thai em 23 tuần, siêu âm tổng quát, siêu âm tim thai và khám thai các bác kết luận thông liên thất 3,3 mm, thiểu sản cung động mạch chủ. Có thể phẫu thuật cho bé sau sinh hay không?
Chào bạn, nếu siêu âm thai và siêu âm tim thai kết luận thông liên thất và thiểu sản cung động mạch chủ, bạn nên đến khám lại ở bác sĩ chuyên về tiền sản để được tư vấn đầy đủ hơn về các nguy cơ cũng như thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán khác mục đích tầm soát thêm các bất thường khác đi kèm nếu có. Sau đó nếu cần, có thể hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tim mạch để có kế hoạch điều trị lâu dài cho bé nếu trường hợp bạn sinh.
Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng!
Em đang mang thai bé thứ ba được 38 tuần. Em sinh thường bé đầu, bé thứ hai sinh mổ đã bảy năm. Em có bao nhiêu phần trăm cơ hội sinh thường đứa thứ ba? Hiện nay tất cả mọi chỉ số đều ổn định. Em xin cảm ơn.
Chào bạn, bác sĩ vẫn chưa biết được nguyên nhân sanh mổ của lần trước là gì. Nếu nguyên nhân sanh mổ lần trước không còn tồn tại đến bây giờ thì khả năng bạn vẫn có thể sanh thường được ở lần mang thai này.
Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bác sĩ Thanh Tâm thân chào em, phòng ngừa sinh non trong song thai đến nay vẫn còn là bài toán khó với cả y học thế giới bất kể cổ tử cung có chiều dài như thế nào. Việc áp dụng các phương pháp dự phòng sinh non ở song thai như em đang băn khoăn sẽ cá thể hóa từng trường hợp cụ thể mà chỉ có bác sĩ thăm khám trực tiếp cho em tư vấn cụ thể.
Các thông tin em cần tham khảo thêm bác sĩ trong quá trình tư vấn là vai trò, mục đích và biến chứng có thể gặp khi áp dụng phương pháp can thiệp dự phòng sinh non trên thai kỳ. Mong em có được thông tin cần thiết.
Em sinh mổ hai lần có thể sinh em bé nữa được không? Nhờ bác sĩ giải đáp giúp em.
Bác sĩ Thanh Hùng thân chào bạn Nguyen Huynh, đa số các bác sĩ chuyên khoa Sản đều khuyên chỉ nên mổ sinh hai lần để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nếu đã lỡ mang thai hoặc cần thiết phải sinh lần ba, bạn cẩn đi khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tư vấn những nguy cơ và đồng thời phát hiện các bất thường khi mang thai lần 3.
Tại bệnh viện Tâm Anh, chúng tôi có các bác sĩ dầy dạn kinh nghiệm theo dõi và xử trí thai kỳ có 3-4 lần mổ sinh. Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng! Thân ái chào bạn.
Con em năm tháng tuổi, lăn té từ trên giường xuống nệm (nệm dày 150 cm, khoảng cách từ giường xuống nệm là 50 cm) lúc phát hiện bé nằm ngửa không khóc vẫn tỉnh táo. Hiện tại nửa ngày sau té, bé vẫn tỉnh táo, lật được, bú bình thường. Cho em hỏi cần theo dõi các chấn thương gì về bé không? Em ...
Chào bạn!
Trường hợp con bạn bị té ngã như mô tả, lúc phát hiện bé nằm ngửa thì khả năng cao là bé té đập đầu xuống đất. Do đó bạn cần theo dõi những dấu hiệu sau đây trong vòng 7 ngày, đặc biệt trong vòng 48 giờ sau té ngã như:
- Tình trạng kích động khó dỗ, quấy khóc liên tục, hay lơ mơ hay ngủ nhiều bất thường (bé ngủ gọi mở mắt xong ngủ tiếp, khó đánh thức), tiếp xúc kém, nôn ói nhiều.
- Trong vòng 24 giờ sau té ngã, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu: mắt bị lé, đồng tử hai bên không đều...
- Chảy máu hoặc chảy nước dịch từ lỗ mũi hoặc lỗ tai.
Nếu trẻ có những dấu hiệu trên, bạn phải đưa bé đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám kịp thời. Do đó, bạn cần thận trọng trong việc trông giữ trẻ, phòng tránh các nguy cơ té ngã, chấn thương. Khi bé bị té ngã tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám ngay để các bác sĩ phát hiện sớm tình trạng nguy hiểm cho bé nếu có để xử trí một cách nhanh chóng và kịp thời.
Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!