"Nuôi dạy theo kiểu 'tự do' hay kỷ luật thép?", độc giả Ngoccanh cho rằng việc để con sống quá tự do sẽ dẫn đến những hậu quả không lường: "Vợ chồng bạn tôi có triết lý nuôi dạy con theo hướng tự do làm điều chúng muốn: tự do nêu ý kiến, tự do phản biện, không bao giờ la mắng trẻ... Nhưng lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy đứa bé hỗn vô cùng. Con thường xuyên cãi cha mẹ, từ chối thực hiện các yêu cầu của người lớn trong gia đình (như chào hỏi...) vì lý do không thích.
Nhân cách của trẻ hình thành từ từ, hàng ngày qua những việc như vậy. Lợi hay hại đây? Tôi cho rằng những điều ông bà ngày xưa dạy tốt thì nên giữ. Những điều mới mẻ nên tiếp nhận có chọn lọc. Không thể đạp đổ giá trị truyền thống mà áp dụng cái bên ngoài, trong khi ta chưa biết phương pháp đó phù hợp hay không".
Đồng quan điểm, bạn đọc Mq.bkcomp nhấn mạnh: "Khi bố mẹ dễ tính với con cái, hậu quả sẽ trả ở tương lai của đứa con:
1. Tính cách thiếu chỉn chu: khi thiếu chỉn chu, bạn không thể hoàn thành tốt được một việc gì. Tất cả những thứ bạn làm sẽ dừng lại ở mức yếu kém. Một con người thiếu chỉn chu cũng không bao giờ có thành công.
2. Tạo ra tính ỷ lại: khi con còn nhỏ không làm được, nếu bố mẹ làm cho, sẽ sinh ra sự ỷ lại. Mà một người ỷ lại sẽ làm sao có tương lai?
3. Tạo ra những con người thiếu kỹ năng sống: "làm được thì làm không làm được cùng không sao", quan niệm đó của cha mẹ sẽ khiến con ngày càng thiếu hụt kỹ năng sống. Ai cũng cần phải nỗ lực để hoàn thiện bản thân, thay đổi để có những kỹ năng sống tốt hơn. Trẻ con sẽ không thay đổi khi không bị ép buộc.
Do đó, tôi ủng hộ quan điểm bố mẹ phải nghiêm khắc, kỷ luật cao, yêu cầu cao đối với con trẻ. Nếu bạn muốn con mình sau này thành công thì hãy thực hiện điều đó".
Trong khi đó, có quan điểm trái ngược, độc giả Nguoixala lại lấy ví dụ từ cách nuôi dạy con ở một nước phát triển: "Tôi ở Đức, rất khâm phục cách nuôi dạy con của người Đức. Họ không đánh mắng, không dọa nạt, nghiêm cấm... nhưng những đứa trẻ rất ngoan. Từ lúc mới sinh cho tới lớn, trẻ con Đức không có tình trạng khóc om sòm, mè nheo hay đòi hỏi. Trẻ luôn biết giữ im lặng nơi công cộng, té cũng tự đứng lên, tự làm hết mọi chuyện và khi đi bộ ra đường luôn nghiêm túc, không chạy giỡn, không cần cha mẹ phải dắt tay dù mới hai, ba tuổi.
Trong trường cấp hai của con tôi, không có những hình thức phạt, cảnh cáo, kỷ luật, giáo viên cũng không có quyền la mắng, khen chê, so sánh trẻ, nhưng lạ một điều là không có bạo lực học đường, không có sự bất tuân, vô lễ hoặc vi phạm nội quy. Theo tôi, tất cả nằm ở chỗ nuôi dạy lúc trẻ vừa mới sinh ra, phụ thuộc vào cách sống của cha mẹ và môi trường xã hội xung quanh".
>> Những đứa trẻ vô ơn vì cha mẹ nuông chiều
Nói về cách nuôi dạy con đúng đắn, bạn đọc NTB cho rằng cần có sự kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa cả phương pháp kỷ luật truyền thống và tự do hiện đại: "Một cái áo thì không bao giờ vừa vặn cho mọi người, vì thế không thể áp dụng máy móc được. Tùy hoàn cảnh, tùy đứa trẻ, tùy tính cách mà cha mẹ chọn cách áp dụng linh hoạt. Cái gì quá cũng đều có hại. Định lượng được sao cho phù hợp là điều không hề dễ dàng, cho nên, bản thân chúng ta cũng phải không ngừng được nâng cấp và học hỏi. Chịu khó quan sát, chịu khó lắng nghe, chịu khó thay đổi, chúng ta sẽ tự tìm được đáp án cho riêng mình".
"Lý thuyết thì nhiều nhưng nên áp dụng phù hợp hoàn cảnh và tính cách của từng đứa trẻ. Cùng cha mẹ sinh ra nhưng mỗi đứa con có tính cách khác nhau và phải áp dụng các cách khác nhau. Đối với những đứa hiểu chuyện, có khả năng quản lý bản thân tốt thì chỉ cần đưa ra những yêu cầu phù hợp, tự chúng sẽ gò bản thân để thực hiện những điều tốt, những đứa trẻ này cần không gian tự do để phát triển tốt nhất. Nhưng những đứa trẻ bản tính ngang bướng, thích gì làm nấy thì cần gò vào khuôn khổ, những đứa trẻ như thế này nếu còn nhỏ mà cha mẹ không có can đảm nhìn con khóc thì lớn lên sẽ khóc vì con", độc giả Nguyen Tra My nói thêm.
Chia sẻ phương pháp nuôi dạy con của gia đình mình, bạn đọc Kaikirai khẳng định: "Cách dạy con của bố mẹ áp dụng lên tôi và các anh chị em là: dễ dàng trong việc con cái thảo luận, nêu quan điểm, thử cái mới. Tự chịu hậu quả nếu không nghe theo người có kinh nghiệm phân tích, chịu trách nhiệm với các công việc được giao trong nhà. Tuy nhiên rất khó trong việc phải tuân thủ các nguyên tắc xã hội, khi bé là ứng xử nơi công cộng, không sờ mó lấy đồ không phải của mình, không chạy nhảy, không đòi hỏi trừ khi tự chứng minh được rằng món đồ muốn có là cần thiết, lớn hơn là các mối quan hệ, luật pháp.
Xét cho cùng, tôi thấy, ngay cả khi sống ở những môi trường làm việc tự do ở Mỹ hay gò bó như Nhật thì ở đâu cũng vậy. Con cái thường bắt chước cách dạy dỗ của cha mẹ áp dụng từ trải nghiệm của họ lên chính đứa con. Dù có đọc hàng trăm cuốn sách dạy con thì bản thân mỗi người cha mẹ phải xác định họ muốn trở thành hình mẫu thế nào để con cái noi theo. Ví dụ một ông bố, bà mẹ muốn dạy con rằng không được vượt đèn đỏ, nhưng khi đứa con thấy bố mẹ chúng làm ngược lại, người lớn lại lấy lý do theo kiểu "bây giờ vắng, không có ai". Vậy bạn nghĩ đứa trẻ sẽ học được cái cái gì?".
Việt Thành tổng hợp
>> Bạn dạy con theo kiểu truyền thống hay hiện đại? Chia sẻtại đây.Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.