Da chị Nga sần sùi, xuất hiện vài chấm đen hai tháng nay. Chị cho biết sản phẩm được quảng cáo "tái tạo da bằng axit", giúp "trẻ hóa, xóa nếp nhăn, thâm nám", không rõ thành phần, dùng theo liệu trình ba lần cách nhau hai tuần.
Ban đầu, chị bôi sản phẩm lên da mặt, để 8 tiếng, sau đó dùng các serum làm dịu da. Làn da tươi tắn, sáng bật tông, mềm mịn. Lần thứ hai chị bôi với lượng nhiều hơn, da mặt nổi mẩn đỏ li ti. Chị dùng serum làm dịu da trong hai ngày, tình trạng này cải thiện. Lần thứ ba, da nóng rát, đỏ khắp mặt. Chị dùng serum và đắp mặt nạ làm mát nhưng mặt tiếp tục sưng phù.
Ngày 5/12, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh bị bỏng do dùng hóa chất peel da (tái tạo da) quá liều và để quá thời gian cho phép (thông thường 3-10 phút).
Bác sĩ cho người bệnh dùng thuốc bôi làm dịu da, sau một phút, cảm giác nóng rát giảm hẳn. Sau ba ngày dùng thuốc, chị Nga hết sưng mặt, da trở lại bình thường.
Tiến sĩ Bích cho biết peel da là phương pháp sử dụng axit để phá hủy tế bào ngoài cùng của da. Lớp da này được tái tạo tự nhiên. Những hoạt chất thường được dùng để peel da gồm salicylic axit (BHA), glycolic axit (AHA), trichloroacetic axit (TCA), retinol... Peel da có thời gian điều trị ngắn, thời gian phục hồi nhanh, không gây đau, chi phí thấp, giúp da tươi sáng. Tuy nhiên, không phải làn da nào cũng có thể peel.
Thời gian lưu hóa chất trên da thay đổi tùy theo loại và nồng độ. Theo tiến sĩ Bích, tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, bệnh viện Tâm Anh, quy trình peel da được tuân thủ nghiêm ngặt, điều dưỡng theo dõi sát làn da của người bệnh sau khi thoa hóa chất. Khi có những tín hiệu đạt đến hiệu quả điều trị, bác sĩ trung hòa hóa chất còn lưu trên da, bôi kem dưỡng có thành phần phục hồi da, tái tạo da... để da mau lành thương.
Peel da được chỉ định trong trường hợp nám da, tàn nhang, đồi mồi, mụn trứng cá, sẹo thâm do mụn, dày sừng tiết bã, dày sừng ánh sáng, da lão hóa, nếp nhăn nông, lỗ chân lông to... Có các loại như peel da nông, trung bình và sâu. Peel da nông giúp làm mịn, cải thiện da sạm màu, tổn thương do ánh nắng. Đây là cấp độ nhẹ nhất, không cần gây tê, hoàn tất sau 7-10 ngày và có thể được lặp lại nhiều lần, cách nhau ít nhất 4 tuần.
Peel da trung bình thường dùng tricloacetic axit (TCA) nồng độ 20-35%, giúp mờ vết thâm nhẹ, làm phẳng vết nhăn nông, giảm rối loạn sắc tố ngoài da. Phương pháp này có thể làm bỏng da nên trước khi thực hiện, bác sĩ làm lạnh hay gây tê.
Peel da sâu thường dùng phenol (nồng độ 88%) để tạo ra vết thương trên da, điều trị rối loạn sắc tố, nếp nhăn, sẹo mụn trứng cá. Tuy nhiên, kỹ thuật tái tạo da mức độ sâu bằng hóa chất ít được bác sĩ lựa chọn điều trị, do cần thời gian nghỉ dưỡng dài sau thủ thuật và tăng nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng, sẹo, giảm sắc tố da, mất tổ chức da và gây độc cho tim. Theo tiến sĩ Bích, tái tạo da sâu ít khi được sử dụng cho các loại da sẫm màu vì nguy cơ tăng sắc tố, do đó thường được thay bằng phương pháp bắn laser an toàn và hiệu quả hơn.
Làn da sau khi peel nhạy cảm, mỏng manh. Phụ nữ nên dùng kem chống nắng hàng ngày, bôi trước 30 phút khi ra ngoài và đội nón, mang khẩu trang, che chắn kỹ để tránh tăng sắc tố hay sạm nám nặng hơn.
Tiến sĩ Bích khuyến cáo phụ nữ nên cẩn trọng khi chọn sản phẩm chăm sóc da vào dịp cuối năm, khi nhu cầu làm đẹp gia tăng. Bất kỳ loại peel da nào cũng cần được bác sĩ khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da khám để xác định tình trạng, chọn hóa chất hoặc dùng phương pháp khác phù hợp.
Không nên tự peel da tại nhà, nhất là người có da nhạy cảm. Sau khi peel, nếu da bị mẩn đỏ, sưng..., người bệnh cần đi khám để điều trị kịp thời, tránh tổn thương nặng hơn, khó phục hồi.
Nguyễn Trăm