Hôm nay, phát hiện mấy sợi tóc rối trên sàn nhà, chậu rửa mặt và bồn cầu đã đổi màu vì cáu bẩn, tôi gọi con gái 19 tuổi vào và nói: "Đây là phòng của sinh viên thủ đô sao? Bao giờ con mới chịu lớn?".
Tôi nhớ về tuổi thơ vất vả của mình với lòng biết ơn cha mẹ sâu sắc. Từ lúc chín tuổi, tôi đã thành thạo nhiều việc: quét nhà, rửa ấm chén, đun nước sôi cho bố pha trà mỗi sáng, chao cua, kéo vó tép, bắt ốc, hái rau, mò rong, kiếm củi, vớt bèo, băm bèo, thái khoai, chăn vịt, chăn trâu, cấy gặt, giã gạo, giã rong giềng... Đó là những việc cho tôi cơ hội để trưởng thành. Tôi thường kể về tuổi thơ "giàu có" và đầy chất thơ của mình cho các con nghe với niềm kiêu hãnh thầm kín.
Sau này làm mẹ, tôi chủ trương rèn cho con tính tự lập, biết làm việc nhà từ sớm. Nhưng rất tiếc, tôi đã không được như ý. Bố mẹ chồng tôi còn khỏe, thường giành lấy việc của cháu để làm. Thậm chí, khi bọn trẻ học lớp ba, có hôm đi làm về, tôi bắt gặp bà nội đang đút cơm cho cháu. Còn đứa cháu "bé bỏng" thì đang dán mắt vào màn hình TV. Đã có lần, tôi phải gắt lên với mẹ chồng: "Mẹ hãy để cho con được dạy con của mình".
Thật may, sau quá trình đấu tranh bền bỉ với chồng, chúng tôi đã có nhà riêng (trước đó chồng tôi thích sống cùng bố mẹ). Dù muộn còn hơn không, tôi bắt đầu vào vai bà mẹ "lười và ác".
Tôi đọc ở đâu đó câu nói đại ý rằng: "Làm một bà mẹ điểm tám tốt hơn là bà mẹ điểm mười".
Bây giờ, đi đâu, tôi cũng bắt gặp rất rất nhiều những "đứa trẻ" U20, U30. Đó là sản phẩm của giáo dục gia đình thời kỳ hậu bao cấp.
Để con sớm trưởng thành, thiết nghĩ, các bậc cha mẹ cần rèn cho con tính tự lập, tự học và trao cho con một phần quyền tự chủ.
>> Tuổi 30 vẫn bắt cha mẹ nuôi
Rèn cho con tính tự lập
Khi con lớn vào lớp một, tôi chỉ đưa con đi học vào buổi đầu tiên. Vì trường cách nhà có hơn 100 mét, con cũng thường xuyên đi bộ cùng bà nội nên đường đến trường đã quá quen thuộc. Tôi dặn con cách qua đường và đứng bên này đợi con sang đường an toàn mới về nhà. Với con nhỏ, do thể chất của cháu yếu hơn nên ông nội đưa con đi học một thời gian. Sau đó, con đều tự đi và về.
Vậy mà, hàng xóm nhà tôi hiện có cô con gái học lớp tám vẫn không chịu tự đạp xe tới trường, dù đoạn đường chỉ dài 800 mét. Cô bé đòi mua xe đạp điện mới chịu đi. Chưa yên tâm cho con đi xe đạp điện, thế nên bố mẹ nhà đó đành đưa đón con đi về mỗi ngày.
Với con tôi, sau vài lần hướng dẫn buộc dây giày, thấy con vẫn nì nèo nhờ mẹ giúp, tôi liền bảo: "Mẹ chịu thôi, mẹ sắp muộn giờ làm rồi". Hay như có lần con năn nỉ: "Mẹ ơi, lấy giúp con lọ tương ớt". Bà nhanh nhảu: "Để bà lấy cho". Tôi lập tức ngăn lại: "Bà kệ cháu, con làm được việc này vì vốn nhanh nhẹn và giỏi giang mà, phải không?"... Hướng dẫn con làm một vài lần và khích lệ con khi con hành động (dù còn vụng về) là điều tôi đã làm và thành công.
Người lớn thường sợ trẻ làm sai, làm hỏng và làm chậm nên vô tình lấy mất cơ hội trải nghiệm của trẻ. Và khi không làm được việc, chúng sẽ thấy mình kém cỏi, vô dụng, không giá trị, dần thiếu tự tin...
Rèn cho con thói quen tự học
Hiện nay, kỹ năng tự học của học sinh Việt rất yếu. Chỉ một bộ phận nhỏ các em tự giác và tự học tốt. Các trang mạng tràn ngập tài liệu phục vụ việc học các môn (hoàn toàn miễn phí) nhưng các con vẫn phải học thêm khá nhiều. Một phần vì thiếu kiến thức nền tảng, không đủ khả năng hiểu các tài liệu trên mạng; một phần vì cha mẹ không có thời gian quản lý con, các con lại thiếu tự giác, chỉ lên mạng chơi game, chat, xem phim... nên lịch học thêm của các con khá dày.
Thầy cô ngày nay vừa phải hướng dẫn các con học, vừa làm người trông trẻ... Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, năng lực tự học và tự chủ được coi là một trong ba năng lực cốt lõi cần rèn luyện cho học sinh. Song, để thực hiện được mục tiêu này, cha mẹ cần rèn cho các con tự học ở nhà càng sớm càng tốt.
>> Sai lầm dạy con làm những gì mình thích
Cho con cơ hội tự chủ
Trong một diễn đàn làm cha mẹ, tôi đã hỏi mọi người rằng: "Chúng ta yêu con hơn hay yêu bản thân mình hơn?". Tất nhiên, nhiều người nói rằng: "Tôi yêu con hơn chính bản thân mình". Thế nhưng, xin hỏi, khi mua đồ cho con, chúng ta có bao giờ hỏi ý kiến của chúng không, hay tự mình quyết định? Chúng ta thường ép con theo ý mình, áp đặt cho con điều này, điều kia, không tôn trọng sở thích của con. Chúng ta cũng ép con chọn nghề mà cha mẹ cho là tốt nhất. Vậy chẳng phải là chúng ta đang yêu mình hơn yêu con?
Vì chúng ta cho mình là đúng, nghĩ con chưa biết gì, nên luôn bắt con phải như ý mình mới là tốt. Tôi từng quyết định mọi thứ liên quan đến con: giờ ăn, học, ngủ; lịch học, loại sách, đồ chơi, quần áo... cho tới khi bọn trẻ bước vào lớp bảy thì mọi thứ bị đảo lộn hoàn toàn. Các con không chịu đi đôi giày mẹ mua, không chịu mặc chiếc áo bố mua nữa.
Tôi nhận ra, đã đến lúc mình phải tôn trọng con, cho con quyền tự quyết, tự chủ. Bố mẹ chỉ nên gợi ý, định hướng, phân tích và thuyết phục nếu thấy chúng mắc sai lầm nghiêm trọng. Và tôi đã định hướng nghề nghiệp cho con từ khi mới học lớp tám, cho con tự quyết năm con học lớp 11 và kiên định với lựa chọn của mình. Nhờ đó, con hài lòng và có hứng thú với ngành nghề mình đã chọn.
Làm cha mẹ là cả một nghệ thuật. Hầu hết chúng ta đều không được học qua lớp học làm cha mẹ một cách bài bản. Có ai dám chắc rằng mình dạy con rất giỏi và chuẩn chỉnh? Phần lớn, chúng ta dạy con bằng bản năng, bằng kinh nghiệm từ thế hệ trước truyền lại. Thế nhưng, ngày nay, các cha mẹ trẻ đang có nhiều cơ hội tiếp cận những kiến thức làm cha mẹ qua tài liệu và các lớp đào tạo kỹ năng. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể mắc sai lầm nếu yêu thương trẻ không đúng cách.
Song, dù thế nào, các cha mẹ cũng nên cho con cơ hội được sớm trưởng thành.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.