Chia sẻ về nhiệm vụ của đào tạo đại học, nhiều độc giả VnExpress cho rằng mục tiêu chung của nhiều trường đại học trên thế giới đều tập trung dạy lý thuyết và tư duy:
Tôi học đại học ở Việt Nam, rồi học lên thạc sĩ ở một nước tiên tiến tại châu Á, học tiến sĩ ở một nước châu Âu (đều là học bổng do trường nước ngoài cấp). Tôi thấy rằng, không có trường đại học nào đào tạo sinh viên ra có thể vào doanh nghiệp làm việc một cách thành thạo được. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp lớn nước ngoài đều có chương trình đào tạo cho nhân viên mới. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt có xu hướng "ăn xổi ở thì", phàn nàn sinh viên ra trường không làm được việc, phải đào tạo lại. Nhưng họ không hiểu rằng trường Đại học chỉ đào tạo kiến thức cơ bản để sinh viên sau khi ra trường có thể nắm bắt được công việc một cách nhanh chóng. Đó là lý do vì sao ứng viên có kinh nghiệm được nhận lương thường cao hơn rất nhiều so với sinh viên mới tốt nghiệp.
Tôi từng học đại học ở châu Âu. Ở đây, có ba loại giáo dục sau THPT là đại học tổng hợp, đại học thực hành (applied science) và trường nghề. Mỗi dạng đào tạo có mục đích riêng. Chương trình đại học chỉ đào tạo lý thuyết và sinh viên tích lũy kinh nghiệm qua kỳ thực tập tại các công ty. Trường đại học trang bị kiến thức cho sinh viên, chứ không có dạy làm sao để ra trường biết làm việc ngay. Các nhà tuyển dụng muốn người biết làm thì cứ ghi rõ yêu cầu là có kinh nghiệm. Như vậy sinh viên mới ra trường sẽ không nộp đơn ứng tuyển nữa. Nhiều công ty trong nước đăng thông tin tuyển nhân viên không yêu cầu kinh nghiệm, nhưng khi phỏng vấn lại chê trách ứng viên không biết làm việc. Giống như anh ra chợ mua miếng thịt bò loại C nhưng lại chê người bán hàng vì nó không ngon như miếng thịt bò loại A vậy. Thị trường việc làm là thị trường tuân theo quy luật cung cầu. Anh trả lương bao nhiêu thì ứng viên của anh cũng có chất lượng bấy nhiêu.
Tôi ở nước ngoài, thấy rằng đại học bên này là nơi để đào tạo ra người có tư duy và kiến thức để có thể tham gia nghiên cứu, bằng cách tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Còn ai muốn học nghề làm việc thì sẽ đăng ký vào các trường nghề để giải quyết nhu cầu đó. Trường nghề bên này rất đa dạng, từ đào tạo thợ cơ khí, thợ may, thợ xây cho đến cả lập trình viên, kế toán...
>> Đại học đào tạo tư duy, không dạy thực hành
Độc giả Nguyễn Thiện chia sẻ chính kinh nghiệm tuyển dụng của bản thân: "Khi mới khởi nghiệp, tôi có tiêu chí tuyển nhân viên luôn ưu tiên có kinh nghiệm. Thậm chí, tôi trả lương cao hơn cả mặt bằng chung để có được người đó. Nhưng khi công ty ổn định, tôi đã bỏ ưu tiên đó, chuyển hướng tuyển dụng sinh viên mới ra trường, không có kinh nghiệm. Sau 10 năm, cái tôi rút ra được là những bạn sinh viên có tư duy tốt, biết thích nghi... sẽ trụ lại rất lâu. Bởi vậy, từ đó đến nay, chỉ có 4/26 người rời công ty tôi bởi những lý do khác nhau (xuất ngoại, lập gia đình ở nơi xa) chứ không phải vì môi trường làm việc. Trường học chỉ là nơi đào tạo các kiến thức, kỹ năng cơ bản... Để tồn tại ở những môi trường làm việc khác nhau, sinh viên cần tự có ý thức để hấp thu những gì mà môi trường đó đang dạy bảo mình. Đừng cái gì cũng đem so với Âu- Mỹ".
"Nhiều người nghĩ thợ quan trọng hơn thầy nên phủ nhận vai trò của đại học và sau đại học so với các trường nghề. Nhưng trên thực tế, không có chương trình đào tạo nghề nào dạy về bản chất vấn đề, nguyên lý cơ bản, tư duy sáng tạo hay phân tích như đại học. Nên học nghề nào gần như chỉ làm được việc đó, khó mong tìm thấy những hướng đi mới, những cải tiến hay đổi mới trong công việc", bạn đọc Trung Hieu Nguyen bổ sung thêm.
Độc giả Trương Phương chia sẻ cách trường đại học đào tạo tư duy: "Mỗi người đều có một góc nhìn riêng. Tôi học cao đẳng, chuyên ngành Công nghệ cơ khí. Theo tôi, xã hội đang thay đổi, hiện đại hoá, các trường đào tạo và các bạn sinh viên cũng cần nắm bắt được xu thế, không thể áp dụng theo kiểu học và đào tạo như trước đây. Các bạn sinh viên hiện nay ra trường cần có các tố chất:
1. Học kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp.
2. Kỹ năng phân tích vấn đề và xử lý vấn đề.
3. Lối tư duy phân tích vấn đề.
4. Trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về chuyên ngành mình theo học.
Tôi từng phỏng vấn tuyển dụng nhiều sinh viên và nhận thấy các bạn còn rất hạn chế các vấn đề trên. Học đại học ngày nay sẽ trang bị cho sinh viên lối tư duy, phân tích nhiều hơn là cứ tập trung vào chuyên môn các bạn theo học".
>> Bạn đánh giá thế nào về nhiệm vụ và chất lượng giáo dục đại học hiện nay? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm với VnExpress.