Chia sẻ về chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học hiện nay, độc giả Tran Luc lo ngại:
"Phỏng vấn các bạn trẻ tốt nghiệp đại họ rất thất vọng. Ngoài bằng đại học, kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết của các bạn hầu như rất yếu. Câu tôi thường xuyên nghe về nguyện vọng của các bạn (đặc biệt là nữ) là mong muốn có một công việc và một thu nhập ổn định? Nhưng khi được hỏi, bạn quan niệm thế nào là ổn định hay thậm chí các điểm mạnh, điểm yếu nào của bạn sẽ phù hợp với công việc bạn định ứng tuyển... tôi đều nhận được những câu trả lời rất lơ mơ. Cảm giác các bạn đều có niềm tin ngây thơ là cứ có bằng đại học là sẽ xin được việc làm thì phải".
Lý giải về thực trạng này, bạn đọc Nguyệt Lăng cho rằng nguyên nhân nằm ở chất lượng giáo dục đại học thiếu trải nghiệm thực tế cho sinh viên:
"Môi trường đại học có không gian để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Các thầy cô và lớp học trên giảng đường đào tạo kiến thức, đi kèm với đó sẽ đạt được kỹ năng tìm kiếm tư liệu và kỹ năng thuyết trình. Còn các câu lạc bộ mới là nơi sinh viên tham gia để học hỏi kỹ năng. Đa phần sinh viên đều chỉ lao đầu vào học kiến thức để kiếm bằng giỏi. Cho nên quan trọng nhất phải là ý thức tự học của sinh viên".
Không đồng tình với quan điểm trên, độc giả Xboss69 lại có cái nhìn khác khi cho rằng nhiệm vụ chính của giáo dục đại học là đạo tạo tư duy, không phải dạy kỹ năng thực hành:
"Mục tiêu của giáo dục đại học và bậc sau đại học là theo hướng đào tạo tư duy, cao hơn là định hướng khoa học cách giải quyết vấn đề một cách cơ bản, tổng quan, chứ không phải theo hướng đào tạo kỹ năng thực hành. Cái đó là ở cấp bậc Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề... hoặc cao hơn là bậc Kỹ sư thực hành. Ở Việt Nam đã có mấy doanh nghiệp, công ty có được quy trình làm việc bài bản, chuyên nghiệp mà đòi hỏi sinh viên mới ra trường là làm được việc ngay? Hay lại tình trạng cùng một việc đó nhưng lại làm mỗi người một kiểu. Cái đó, ngay cả sinh viên người nước ngoài, học đại học nước ngoài bài bản của họ, cũng không thể làm nổi nếu bị giao cho các công việc của doanh nghiệp Việt. Bởi họ sẽ không thể biết phải bắt đầu từ đâu, làm thế nào trong khi chúng ta chưa có quy trình làm việc chuẩn".
>> Tôi bỏ Đại học hai năm để định hướng lại tương lai
"Tôi đi làm hơn 15 năm, tiếp xúc với nhiều dạng người, nhưng tôi thấy rõ rằng: người trình độ đại học tư duy sẽ rất khác với người chỉ học trung cấp hay tốt nghiệp cấp ba, đặc biệt là tư duy logic và quản lý. Dĩ nhiên, họ phải học hành đàng hoàng chứ không mua bằng. Ngay cả việc đại học cũng có phân tầng. Ví dụ như một người tốt nghiệp Bách Khoa sẽ khác người học ở tỉnh. Không phải tự nhiên người ta yêu cầu bằng cấp khi tuyển dụng. Có những người học hết cấp ba rồi đi làm luôn, mặc dù rất giỏi, siêng năng, nhưng không thể lên quản lý được vì cái tư duy chỉ ở mức giới hạn", bạn đọc Natuan66 nhấn mạnh giá trị của giáo dục đại học.
Trong khi đó, cho rằng câu chuyện chất lượng giáo dục đại học phải đến từ cả hai phía (người dạy và người học), độc giả Dmttuan khẳng định bản thân mỗi sinh viên cũng phải cần chủ động tìm cơ hội thực hành kỹ năng:
"Liệu rằng sinh viên đi học đại học đều hiểu và nắm bắt được rằng mình đi học là để đào tạo tư duy hay không? Nếu có, đó chỉ là một phần của những kỹ năng cần có để làm việc. Đa phần các bạn sinh viên luôn mang tâm thế là đi làm rồi sẽ có người dẫn dắt mình, cầm tay chỉ việc. Đối với những bạn học nghề, đúng là các bạn có thể làm việc khá tốt, nhưng các bạn lại thiếu mất cái tư duy và các kỹ năng giải quyết vấn đề, tăng hiệu suất... Cái nào cũng đều có hai mặt của nó, ở môi trường đại học hay môi người dạy nghề đều cần phát triển kỹ năng còn thiếu trước khi đi làm thực tế".
>> Bạn đánh giá thế nào về nhiệm vụ và chất lượng giáo dục đại học hiện nay? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm với VnExpress.