Tôi thuộc thế hệ 8x. Đầu những năm 2000, tôi có tham gia kỳ thi tuyển sinh Đại học và đạt điểm 30/30, giành thủ khoa đầu vào một trường đại học kỹ thuật danh tiếng. Nhà tôi nghèo, khi xem tivi, thấy những sinh viên học trường đó được một công ty ở tỉnh mời về làm và còn tặng cho một chiếc xe máy, cả nhà tôi bàn bạc và quyết định cho tôi thi. Cũng một phần bởi cả dòng họ chỉ có mỗi tôi học lớp chuyên Toán của tỉnh. Khi thi thử Đại học tại trường, tôi luôn được trên 27 điểm và luôn nằm trong top 10 bạn thi thử có điểm cao nhất trường chuyên đó.
Ngày báo điểm, gia đình tôi vui mừng khôn xiết. Đặc biệt là ông ngoại - một nhà giáo có 42 năm công tác và 30 năm làm Hiệu trưởng. Ông nội tôi nguyên là Tiến sĩ học ở Lomonoxop (Liên Xô) nếu còn sống chắc cũng sẽ tự hào về thằng cháu lắm.
Ngày 25/8 năm đó, tôi lên đường ra Hà Nội với tâm trạng hào hứng cùng suy nghĩ trong đầu rằng mình sẽ học giỏi nhất lớp và cố gắng đi du học như ông nội ngày xưa.
Tuần đầu tiên học công tác sinh viên khá vui vẻ. Nhưng bắt đầu sang tuần thứ hai, buổi sáng tôi học lý thuyết và chiều đi thực hành trên phòng thí nghiệm. Tôi bắt đầu có cảm giác chán chường. Môi trường này không hợp với một chàng trai thích đi chơi như tôi. Học thực hành thí nghiệm được ba tuần, tôi quá chán và cảm giác không thể tiếp tục được.
Tôi quay về phòng trọ, thu xếp hành lý bắt xe khách về quê. Cả nhà sửng sốt khi tôi về mà không báo trước và lại còn có ý định bỏ học. Bố mẹ nghỉ làm, đích thân đưa tôi ra Hà Nội học tiếp. Nhưng tôi vẫn không chịu đi học. Bác cả tôi ở quê thuê hẳn một chuyến xe chở 15 người gồm toàn bộ anh em thân thiết ra động viên tôi đi học lại. Một tuần sau, khoảng 15 bạn ở lớp Đại học đến tận phòng trọ tôi động viên tôi đi học nhưng tôi vẫn không đến lớp. Sau đó, cả các bạn lớp cấp ba và các bạn bè khác cũng đến hỏi han.
Sau một tháng, gia đình tôi đành buông xuôi, nói tôi thu xếp và gói gém hành lý về quê vì "không thể để một thằng không chịu đi học học ở Hà Nội để chơi game và ăn cơm ngày ba bữa".
Tôi trở vê quê trong ánh mắt ngạc nhiên và những lời xì xào bàn tán của mọi người. Những tin đồn về tôi bắt đầu lan ra khắp huyện, khắp tỉnh và thậm chí là trường cấp ba nơi tôi theo học, dù mới ngày khai giảng vừa rồi họ còn tuyên dương tôi là tấm gương sáng. Giờ đây, cả giáo viên và học sinh đều hốt hoảng bảo nhau học hành ít thôi không lại "ngộ chữ" như bạn Thủ khoa 30/30 điểm. Hàng xóm, anh em, bạn bè kháo nhau rằng tôi bị thần kinh, bị hâm, bị điên do học hành quá nhiều. Họ nói "thằng này hỏng rồi, đời nó coi như hết".
Ở nhà một tháng, buồn chán nên tôi xin bố mẹ ra Hà Nội học tiếng Anh. Bố mẹ cũng muốn "tống khứ" tôi đi nên đồng ý ngay. Tôi ra Hà Nội đăng ký học tiếng Anh và qua nhà thăm cậu bạn chuẩn bị đi du học Australia. Sau đó, tôi tự tìm hiểu và nghĩ đến chuyện thử xin học bổng xem sao? Sáu tháng sau đó, khi tiếng Anh của tôi đã tạm ổn, tôi bắt đầu xin học bổng tại các trường ở Mỹ.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi đã bỏ học Đại học được một năm. Bố mẹ ở quê và anh em họ hàng vẫn cố động viên tôi học tiếp trường đó. Tôi nghe mãi nên cũng đành thử xem và lại nhập học với các em khóa sau. Nhưng đúng là tôi không thể. Chỉ được 15 ngày, tôi lại bỏ học và lần này trường Đại học đó không cho tôi bảo lưu nữa.
Tôi quay lại con đường tìm tòi đi du học. Trời không phụ lòng người. Cuối năm đó, tôi nhận được thư trúng tuyển của Đại học Yale (Mỹ) với học bổng 50%. Tôi vui lắm và báo tin với cả gia đình. Nhưng con số 50% học phí còn lại, tôi biết lấy đâu ra khi gia đình khi đó quá nghèo? Sau một tháng biết mình không thể đi Mỹ, tôi suy nghĩ rất nhiều. "Đã hai năm lỡ dở học hành rồi, chẳng lẽ đời mình lại như vậy sao?". Sau đó, tôi quyết định tìm lại sách vở và ôn thi Đại học vào một trường kinh tế ở Việt Nam. Và tôi vẫn đỗ với số điểm cao, xếp thứ 50 của trường.
Ngày nhập học, tôi già nhất lớp vì hơn các em hai tuổi. Tôi may mắn được vào lớp Tài năng và do tôi "già" nên được các em bầu làm lớp trưởng. Sau đó bốn năm, tôi ra trường. Giờ tôi là một lãnh đạo cấp cao của một Tập đoàn lớn tại Việt Nam với hơn 10 năm kinh nghiệm. Cả gia đình và bạn bè không ai tin sau gần 20 năm đậu Thủ khoa Đại học kỹ thuật, tôi lại rẽ sang một hướng khác và tạm ổn định cuộc sống.
>> Học thế nào để sinh viên không còn muốn bỏ đại học?
Tôi không phải là trường hợp duy nhất bỏ học Đại học giữa chừng để thi lại một trường khác. Những anh những chị tôi quen học hai năm rồi thi lại trường khác rất phổ biến. Điều đó cho thấy công tác hướng nghiệp ở Việt Nam chưa được chú trọng. Học sinh lớp 12 khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời đa phần nghe theo sự tư vấn của bố mẹ chọn trường nào, ngành nào dễ xin việc hoặc chạy theo phong trào số đông chứ không hề thi theo sở thích và đam mê của mình. Đó chính là một hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội, là nguyên nhân dẫn tới chất lượng lao động của Việt Nam không cao so với thế giới. Tuy rằng, vấn đề chọn sai trường không phải là nguyên nhân chính lý giải cho việc chất lượng lao động thấp.
Việc tư vấn hướng nghiệp ở nhiều nước phương Tây được thực hiện một cách kỳ công, với những nhân viên chuyên nghiệp thuộc biên chế của các trường. Ở đó, từ lứa tuổi trung học, hoặc thậm chí nhỏ hơn, đã có nhà tư vấn tìm hiểu thói quen, sở thích, sở trường của từng em để đưa ra những lời khuyên về tương lai. Một công việc nghiêm túc và căng thẳng. Quy trình hướng nghiệp không dừng lại ở những lời khuyên của các chuyên gia có kinh nghiệm, mà còn được hỗ trợ bởi một cơ sở dữ liệu khổng lồ. Chính vì vậy, trình độ lao động ở phương Tây mới có chất lượng cao như vậy.
Tôi rất hy vọng Việt Nam sẽ có sự đổi mới trong công tác hướng nghiệp để chúng ta cho các em học sinh chọn đúng con đường các em đi, để các em không như tôi, phải mất hai năm tuổi trẻ mới loay hoay tìm ra cho mình một con đường đúng đắn, phù hợp. Đó là tôi vẫn còn may mắn so với nhiều người khác.
>> Bạn đã phải thay đổi kế hoạch cuộc đời khi vào Đại học như thế nào? Gửi bài tại đây.