Xung quanh câu chuyện "Nhà tuyển dụng chê sinh viên thiếu kỹ năng mềm", độc giả Tiger chia sẻ quan điểm:
Tôi làm công tác quản lý vận hành tại một số công ty và tập đoàn lớn của nước ngoài suốt từ năm 1999 tới nay. Trong gần 20 năm công tác, tôi phải thực hiện công việc tuyển dụng và quản lý nhân sự thường xuyên. Tôi đã xem hồ sơ và phỏng vấn tới hàng trăm sinh viên (và kể cả những bạn đã đi làm được vài năm). Tôi phải chia sẻ thật lòng rằng sinh viên của chúng ta thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc, tư duy logic, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng báo cáo... một cách nghiêm trọng.
Sinh viên Việt Nam gần như không được đào tạo kỹ năng. Ngoại ngữ thì mấy năm gần đây có khá hơn, nhưng toàn theo kiểu tư duy từ tiếng Việt để nói tiếng Anh. Tinh thần trách nhiệm trong công việc và ý thức kỷ luật phần lớn là kém. Và cũng chính vì thế mà hiệu quả công việc của họ rất thấp.
Thế nhưng, ngược lại, kỹ năng đối phó, xin nghỉ việc riêng, kỹ năng make up, báo cáo kết quả làm việc thì lại khá rành. Nói vậy không phải có ý kỳ thị hay chê bai, tôi chỉ nêu lên thực trạng mà bản thân tôi đã trải nghiệm 20 năm rồi. Lấy lý do "tiền nào của nấy" để đổ lỗi cho doanh nghiệp không tuyển được sinh viên có chất lượng là không chính xác.
Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài đúng là rất chú trọng khâu đào tạo, nhưng họ chỉ thường tập trung vào đào tạo những gì liên quan đến chuyên môn, sản phẩm, dịch vụ đặc thù của doanh nghiệp họ. Một năm cũng chỉ có đôi lần mở khóa đào tạo làm việc nhóm (team work training) hoặc khóa học kỹ năng dịch vụ khách hàng (customer service skills training), họ làm gì có thời gian và cả ngân sách để đào tạo cả kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc cơ bản?
Xem nhiều trong ngày:
> Nước máy ở Hà Nội 'có mùi như nhựa cháy'
> 'Nhà không có cách âm không được hát karaoke'
> 'HLV Park nâng tầm cầu thủ V-League bằng lối đá thực dụng'
> Tại sao không khởi kiện hàng xóm hát karaoke ồn ào?
Những kỹ năng này phải được đặt nền móng từ cấp PTTH thông qua mô hình đào tạo kỹ năng mềm theo kiểu hoạt động ngoại khoá, làm các dự án mini cho học sinh tập làm quen và có khái niệm, sau đó lên bậc Đại học mới đào tạo tập trung và chuyên sâu hơn. Phương Tây họ làm như vậy vì muốn lực lượng lao động có kỹ năng làm việc ngay khi tốt nghiệp PTTH, vì họ phân hoá định hướng theo học nghề hoặc theo tiếp bậc Đại học rất kỹ ở bậc học phổ thông cho học sinh. Cũng chính vì vậy, lực lượng lao động của họ có kỹ năng, tay nghề, ý thức công việc rất tốt và phân bổ lực lượng lao động rất hợp lý trong xã hội cũng như các lĩnh vực ngành nghề; không bị lệch kiểu vừa thừa vừa thiếu nhân lực như ở ta.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.