Bằng đại học chỉ là cái nền, nó không thể hiện được điều gì nhiều, ngoài việc cho biết bạn đã được trang bị kiến thức ngành nào? Người Việt chúng ta rất sính bằng cấp, một bằng chưa đủ, phải tranh thủ học thêm bằng hai, ba. Doanh nghiệp là nơi làm ra tiền, không phải là khóa học sau đại học, không có nghĩa vụ đào tạo bạn. Training của doanh nghiệp chủ yếu là huấn luyện bạn một số kỹ năng mềm mà doanh nghiệp cần.
Ngược lại, trường học không chỉ là nơi dạy kiến thức cứng, mà còn đào tạo cả kỹ năng mềm, thậm chí giúp bạn tích lũy kinh nghiệm cơ bản. Chuyện này, các trường đại học ở Việt Nam không bằng nước ngoài. Các trường danh tiếng ở nước ngoài có rất nhiều doanh nghiệp phụ thuộc, sinh viên đi thực tập không phải "xin - cho", tập sự trở thành nhân viên chuyên nghiệp để khi tốt nghiệp có thể xin việc xong vào làm ngay không cần trải qua giai đoạn thử việc.
Người ta chỉ tuyển sinh viên đã tốt nghiệp "trường nào" chứ không ai tuyển nhân viên tốt nghiệp bằng cấp "xếp loại nào" vì họ không xếp loại bằng cấp. Suốt từ quá trình học đến khi tốt nghiệp đại học, người ta chỉ có hai tiêu chuẩn: "đậu" hoặc "rớt", không có khái niệm giỏi, khá, trung bình. Bất kể là thang điểm nào, 5-10 hay A,B,C,D, chỉ khi bạn đạt điểm tối đa mới được tính là "đậu" bởi vì người ta có tiêu chuẩn nghiêm ngặt với thang điểm.
Ví dụ với thang điểm 10, không phải 5–6 điểm là trung bình, 9–10 điểm là giỏi. Thay vào đó, 5–6 điểm là bạn chỉ đạt được yêu cầu tối thiểu là hiểu biết lý thuyết; 7–8 điểm trở lên là mức độ thành thạo trong thực hành. Người ta sẽ không bao giờ cho sinh viên tốt nghiệp ra trường loại "trung bình" vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà trường. Đã gọi là tốt nghiệp đại học thì người nào cũng phải đạt trình độ tối thiểu như nhau. Bởi vậy, đầu vào của người ta rất lớn, gần như không phải thi cử gì. Đầu ra của họ rất khắt khe vì ai cũng phải giỏi như ai. Đào tạo như vậy thì mới gọi là đào tạo hình tháp.
Còn ta thì đào tạo hình tháp ngược, đầu vào tuyển học sinh "siêu giỏi", đầu ra gần như "xả cảng". Nước ngoài không công nhận bằng cấp của Việt Nam cũng có lý do của họ. Không phải họ chê trường Việt Nam không biết đào tạo nghề, mà là kỹ năng nghề của họ ứng với điều khoản pháp lý tương ứng trong các bộ luật lao động, luật dân sự và luật hình sự, trong khi kỹ năng nghề của Việt Nam không có chuyện đó.
Chúng ta học hỏi, hòa nhập với thế giới thì điều hay, việc tốt của họ phải tiếp thu, còn cứ tư duy "đóng cửa bảo nhau", "hoàn cảnh đặc thù" thì bao giờ chúng ta mới theo kịp họ? Với doanh nghiệp, làm được việc thì nhân viên được nâng lương nâng chức, không được việc thì sa thải. Chẳng những là nhân viên cấp thấp, nhân viên quản lý, cho đến các CEO cũng bị sa thải liên tục. Không có chuyện "nhân viên tiềm năng", "sống lâu lên lão làng", "chức vụ suốt đời". Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp cũng phải thường xuyên đổi mới cho kịp với đòi hỏi của xã hội, ai không theo kịp, lạc hậu sẽ bị đào thải.
Tóm lại, kiến thức bằng cấp là yêu cầu tối thiểu, lý lịch công tác (CV) mới là quan trọng. CV là viết tắt của Curriculum Vitae (sơ yếu lý lịch). Không thể nói CV không cần bằng cấp. Không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu ấy, làm sao có CV? CV càng chi tiết càng tốt: tốt nghiệp trường gì, chuyên ngành gì, năm nào; xin việc lần đầu lúc nào, ở công ty nào; nhận được công việc (chức vụ) gì, với mức lương bao nhiêu; được thăng chức với công việc gì, mức lương nào, lúc nào; Chuyển công tác sang làm việc ở công ty khác với chức vụ gì, mức lương bao nhiêu, vào thời điểm nào; đã từng tham gia công tác xã hội nào; có kỹ năng mềm gì...?
>> 'Tôi thất vọng chất lượng sinh viên Việt sau 20 năm đi tuyển dụng'
Khi người tuyển dụng nhân sự nhận được một CV chi tiết, với quá trình phấn đấu từ thấp đến cao của bạn, bạn sẽ không phải qua ba vòng sơ loại mà nhiều khi được vào thẳng vòng phỏng vấn cuối cùng (phỏng vấn chuyên môn nghiệp vụ). Với sinh viên mới tốt nghiệp, CV "trắng tinh" thì công việc đơn giản, lương thấp đầu tiên mà họ nhận cũng là khởi đầu CV của họ. Tất nhiên, bằng nào việc nấy, chứ không thể bằng đại học làm việc của công nhân đào tạo ngắn ngày.
Nếu bạn làm tốt, làm giỏi, có nghĩa là công việc đơn giản, lương thấp ấy không đủ gây áp lực cho bạn. Bạn sẽ được thăng chức được tăng lương với công việc khó khăn phức tạp hơn. Lên chức, lên lương nhanh hay chậm là do năng lực của bạn. Ngay cả tôi, khi đọc CV của một số bạn trẻ có kinh nghiệm, nhiều khi cũng cảm thấy mặc cảm. Nếu cho họ 10 năm, có khi họ sẽ đạt đến chức vụ của tôi một cách nhẹ nhàng.
Bằng quản trị kinh doanh thì công việc đầu tiên là đi chào hàng, chứ không thể đòi làm quản lý doanh số ngay. Chào hàng là giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng, người bán lẻ, là một trong những kỹ năng mềm. Bạn có khi phải đến từng điểm bán lẻ, có khi tập hợp khách hàng tại một nơi nào đó để giới thiệu theo chủ đề.
Ví dụ, chủ đề "cho con ăn dặm như thế nào?", người ta vừa chào hàng thực phẩm dinh dưỡng vừa "biểu diễn" kỹ thuật chế biến thức ăn cho trẻ em. Bạn, trong vai người tiêu dùng, có thể đến nghe, hoặc thậm chí kiểm tra luôn bằng cách mang đứa con hơn 4 tháng tuổi đến cho nó ăn thử. "Thái độ" của đứa bé sẽ quyết định bạn có mua sản phẩm ấy hay không? Nếu anh/chị nhân viên chào hàng ấy không biết ẵm đứa trẻ thế nào cho đúng cách, không biết làm sao dỗ dành cho nó mở miệng nếm thức ăn ấy thì khỏi nghe, khỏi thử.
Mấy kỹ năng chào hàng này, mỗi công ty đều có training, nhưng training là một chuyện, có làm được hay không là chuyện khác. Training đã như vậy thì nói chi đến bằng cấp. Nhà trường có thể dạy bạn làm sếp nhưng bao giờ cũng dạy bạn làm lính trước. Chẳng có ai ngay từ đầu đã làm sếp.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Tôi 'tán gẫu' vẫn tuyển dụng được nhân viên chất lượng cao
>> Tôi không bao giờ nhảy việc chỉ vì đồng lương to
>> 'Kỹ sư ngày nay không cần biết rộng, chỉ cần hiểu sâu'
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một ông/ bà tóc điểm bạc đứng ở quầy siêu thị chào hàng chưa? Ở Việt Nam có lẽ hơi hiếm, nhưng ở nước ngoài không thiếu. Những người này không phải là nhân viên mới, hầu hết là sếp nghiệp vụ, thậm chí là CEO. Họ chào hàng rồi họ quay clip để huấn luyện nhân viên mới. Đừng tưởng làm sếp là chưa từng làm lính. Không phải cứ có bằng cấp cao là nghiễm nhiên được "ngồi phòng lạnh".
Bạn có thể giỏi tính toán trong văn phòng nhưng khi tiếp xúc với khách hàng, bạn sẽ đụng phải vô số tình huống trong trường không dạy. Không biết tiếp xúc khách hàng thì thái độ của bạn với khách hàng sẽ như cô mậu dịch viên thời bao cấp – "mua thì mua, không mua thì đi". Không biết tiếp xúc khàch hàng thì những con số mà bạn tính toán sẽ hết sức khô khan, máy móc, mà lẽ ra bạn phải hiểu được đằng sau những dãy số ấy là cảm xúc của khách hàng, là thành công của tập thể nhân viên công ty, là đồng lương (và cũng là năng lực) của bạn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.