Xuất phát từ quan điểm không đồng tình với tác giả bài viết "Nhiều sinh viên mới ra trường chỉ giỏi lên mạng xã hội", độc giả Hquang.xd cho rằng các nhà tuyển dụng cần trao cơ hội cho người mới ra trường thích nghi thay vì đòi hỏi họ phải có đủ các kỹ năng làm việc:
"Thực tế, các trường đại học giờ đây chỉ truyền đạt được kiến thức chuyên ngành, nghĩa là gốc rễ của vấn đề - cái mà có thể nhân viên lâu năm không học qua trường lớp có thể làm trơn tru nhanh gọn nhưng lại không giải thích được tại sao? Nếu sinh viên ra trường làm về mảng nghiên cứu thì sẽ áp dụng được sớm. Nhưng đa phần các bạn lại chỉ được giao những thứ như photo đánh máy, chè nước thì sẽ bỡ ngỡ ngay. Với tâm lý người mới tự ti sẽ rất luống cuống. Nhưng nếu trụ lại được thì khả năng sau một, hai năm các bạn ấy sẽ có năng suất tốt hơn, cải thiện rất nhiều và tiền lương thì chỉ hơn nhân viên thử việc một chút nên xảy ra những tình trạng tác giả đã nêu.
Đơn cử như tôi ngày đầu đi làm còn không biết photo giấy tờ như nào, ngại lắm chứ, bị mọi người xỉa xói ngay. Sau đó, được chỉ dẫn với tinh thần 'mang tiếng tốt nghiệp đại học lại để chị đây chỉ cho từng tí một'. Sang ngày hôm sau máy hỏng, mọi người cuống cuồng lên vì cần photo hồ sơ thầu. Đang chuẩn bị ra ngoài để photo thì mình vọc vạch một lúc 20 phút, máy lại hoạt động lại bình thường.
Với người không có kiến thức nền, chỉ đâu đánh đó thì thường khi làm việc sẽ rất nhanh chóng vì chẳng lăn tăn gì. Còn sinh viên mới thì do có kiến thức nền nên khi tiếp nhận công việc mới thường sẽ nảy sinh rất nhiều câu hỏi 'tại sao?'. Điều này khiến các em thường chậm tay chân hơn vì lo sợ, và đang bận tự tìm nguyên lý, trả lời cho các câu hỏi đó.
Thực ra thì không cần biết đại học đào tạo được gì? Nhưng có một điều tương đối chắc chắn là để vào được và tốt nghiệp được, thì IQ của những sinh viên ấy cũng được đảm bảo ở một mức độ tương đương với tên tuổi của trường đại học ấy. Nên chăng hãy đánh giá sinh viên mới ra trường ở khía cạnh thái độ cầu tiến, bởi có nền tảng sẵn cộng với thái độ tích cực chắc chắn sẽ ổn thôi".
>> 'Tôi thất vọng chất lượng sinh viên Việt sau 20 năm đi tuyển dụng'
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Kouty lại chia sẻ chính kinh nghiệm thành công khi xuất phát điểm từ một sinh viên mới ra trường bị đánh giá thấp:
"Lúc trước mới ra trường, tôi cũng là người như vậy (không biết gì cả). Nhưng sau đó 5 năm, tôi đã thành lập được công ty cho riêng mình và giờ đã hoạt động được 4 năm ổn định. Tôi cũng là chủ doanh nghiệp, đi lên từ một nhân viên rất thấp nên có thể cái nhìn của tôi rất khác so với tác giả.
Tôi đồng ý rằng, rất nhiều sinh viên mới ra trường hầu như không biết gì, nhưng là chủ doanh nghiệp thì việc nuôi dạy nhân viên là việc của bạn. Sinh viên mới ra trường họ không biết gì vì chưa tiếp xúc nhiều với công việc, nhưng khi vào làm công ty khoảng 3 tháng, nếu họ vẫn chưa biết gì thì rõ ràng là do khâu đào tạo của doanh nghiệp kém, do người quản lý kém.
Trong công việc, nhân viên nhảy việc là điều bình thường và có nhiều lý do khác nhau... Nhưng, một công ty nếu nhân viên nhảy việc liên tục thì rõ ràng môi trường công ty đó đang chưa tốt. Giải quyết việc này rất dễ (bạn hãy đặt lợi ích của nhân viên cao hơn của công ty thử xem).
Là người làm chủ, không cần phải giỏi. Chỉ cần thu phục được nhân tâm ắt sẽ thành công. Mà thu phục nhân tâm cũng không phải khó, chỉ cần đặt lợi ích của người khác cao hơn mình, thà để mình chịu thiệt chứ không để người khác chịu thiệt là sẽ thành. Tài sản của công ty không phải là tiền hay vật chất, mà chính nhân viên và khách hàng mới là tài sản quý nhất".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trangÝ kiến tại đây.