Trả lời:
Sỏi là một trong những bệnh lý rất thường gặp ở các nước Đông Nam Á, vùng nhiệt đới như Việt Nam chúng ta. Điều trị sỏi chiếm đến 50% công việc của bác sĩ tiết niệu ở châu Á. Ngược lại, ở các nước châu Mỹ, các loại u bướu lại phổ biến hơn.
Có một điều đáng mừng là tuy nước ta có rất nhiều người bị sỏi tiết niệu nhưng càng ngày càng ít người phải thực hiện phẫu thuật. Nhờ phương tiện siêu âm ở Việt Nam rất rẻ và dễ thực hiện nên có thể phát hiện sỏi từ rất sớm. Bên cạnh đó, 80-90% người bệnh có khả năng tự tống sỏi thông qua tiểu tiện mà chẳng cần phải uống một viên thuốc nào. Đó là khi viên sỏi còn nhỏ, khoảng 2-3 mm. Chúng ta đôi khi có thể nhận biết việc này thông qua tình trạng tiểu gắt, tiểu buốt, đau lưng thoáng qua hoặc không có bất kỳ biểu hiện nào là đã tiểu ra sỏi.
Khi sỏi ảnh hưởng đến chức năng thận hoặc chuẩn bị đe dọa đến chức năng thận mới cần phẫu thuật. Cụ thể như khi sỏi đã rơi xuống niệu quản phải tìm cách lấy sỏi ra. Bởi niệu quản rất bé, chỉ bằng ruột một chiếc bút bi. Nếu một hòn sỏi khoảng 7-8 mm hay 2 cm nằm chặn dòng nước tiểu xuống bàng quang, gây tắc nghẽn, thận sẽ bị ứ nước và lâu dần làm hư quả thận.
Lúc này, người bệnh sẽ được điều trị bằng nhiều cách. Đầu tiên, bác sĩ cho bạn dùng thuốc, uống nhiều nước... Nếu bạn bị nhiễm trùng, thận ứ nước to hơn, các phương pháp khác sẽ được đề ra, cụ thể như nội soi để lấy sỏi. Khi hòn sỏi to dần trên thận, có sỏi san hô nằm lâu trong thận sẽ gây nhiễm trùng, khiến cho chức năng thận suy giảm theo thời gian và cuối cùng là khi viên sỏi rơi xuống bàng quang gây bí tiểu, thì đó cũng là lúc cần phải can thiệp để lấy ra.
Để biết khi nào cần phải điều trị, điều trị bằng phương pháp nào, các bác sĩ căn cứ vào kích thước, vị trí và ảnh hưởng của viên sỏi đến sức khỏe người bệnh. Do đó, lời khuyên của tôi là bạn nên đi khám càng sớm càng tốt, khi viên sỏi còn nhỏ để các bác sĩ có phương án điều trị tốt nhất, tránh để viên sỏi quá lớn, tàn phá thận thì việc chữa trị sẽ vô cùng phức tạp. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
TTUT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên
Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết,