(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Trong bóng đá, mọi người vẫn thán phục cách làm của bầu Đức khi bỏ tiền để xây dựng một học viện bóng đá, thuê các thầy giỏi, tuyển chọn các em ở khắp miền đất nước để đào tạo như "gà nòi". Sau đó, một loạt các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp cho cầu thủ trẻ ra đời khắp cả nước. Các cầu thủ từ các lò đào tạo "gà nòi" đóng góp vào thành tích của các đội tuyển quốc gia, U23 rất nhiều.
Tại sao mọi người đều thừa nhận thành quả đào tạo của các "trường chuyên trong bóng đá"? Trong khi đó, trường chuyên sau khi ra đời mấy chục năm vẫn mang lại các nghi ngờ về hiệu quả đào tạo?
Đó là bởi các học viện bóng đá đào tạo cầu thủ đầy đủ, bài bản theo cả quá trình. Có ăn học, có tập luyện và cả môi trường thi đấu cho các cầu thủ đặc biệt.
>> 8 bất cập nếu 'xoá sổ' trường chuyên
Tương tự, giáo dục văn hóa là cả một quá trình. Nhưng nếu chỉ đầu tư cho giáo dục chuyên biệt tại trường chuyên là đầu tư một giai đoạn, nói cách khác là nửa vời. Chúng ta không có những chương trình đại học dành cho sinh viên cực kỳ ưu tú được tuyển chọn từ các trường chuyên THPT, không có môi trường làm việc, hành nghề cho những con người có tố chất đặc biệt. Một sinh viên có tố chất làm khoa học, tố chất nghiên cứu sẽ sử dụng hệ thống giáo trình, thư viện, phòng thí nghiệm, sự hướng dẫn của các giáo sư giống y chang các bạn sinh viên khác thì kết quả không thể cao được.
Sự đầu tư nửa vời trong đào tạo và sử dụng nhân tài đã làm giảm đi hiệu quả đào tạo của hệ thống trường chuyên trên cả nước. Xã hội chỉ có thể phát triển khi có một nền giáo dục phổ thông phát triển mạnh, bên cạnh nền giáo dục đào tạo tinh hoa. Một số ít cá nhân xuất chúng sẽ được chọn lọc để tìm ra cách giải quyết các vấn đề gai góc, vấn đề mới lạ của khoa học kỹ thuật, của xã hội.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Trần Đình Sơn