Tôi có suy nghĩ khác với tác giả bài viết "Trung thu có còn là 'Tết thiếu nhi'?". Tôi vẫn giữ quan điểm của mình từ trước tới giờ, đó là trung thu vẫn có những giá trị rất riêng biệt dù ở bất cứ thời nào. Và nó hoàn toàn không bị mai một chỉ vì giá bánh trung thu tăng cao.
Ở những nơi khác thế nào thì tôi không rõ, nhưng ngay nơi tôi làm việc, các nhân viên, cấp dưới không bao giờ có thói quen biếu bánh trung thu cho sếp, cấp trên. Họ chỉ mua bánh về làm quà cho các con, các cháu, cúng chúng phá cỗ đêm Rằm mà thôi. Tất nhiên, việc sử dụng bánh trung thu như một món quà biếu ngày nay cũng có, nhưng tôi tin là nó không phải nhu cầu phổ biến của xã hội. Thậm chí, đã lâu rồi tôi chưa được chứng kiến kiểu biếu xén đó.
Nơi tôi ở là một thành phố tỉnh lẻ, có vẻ như hơi quê mùa và vẫn giữ cái suy nghĩ cũ kỹ nên không nhiều người bỏ ra số tiền cỡ 500.000 đến vài triệu đồng chỉ để mua một hộp bánh trung thu làm quà đắt đỏ, xa xỉ như thế. Các hàng bánh ngoài đường, tôi thấy phần nhiều bánh chỉ có giá từ 100.000 đồng một chiếc trở lại, hiếm khi thấy hộp bánh đắt tới mức tiền triệu. Và nếu có thì số lượng bán ra cũng không thể bằng một phần bánh phục vụ nhu cầu ăn bình dân của đại chúng.
Hiện tại, công đoàn công ty tôi đang rất tích cực chuẩn bị tổ chức trung thu cho con cái của nhân viên. Xin nhấn mạnh là tổ chức cho các cháu nhỏ chứ không phải người lớn. Bố mẹ chỉ đến để chơi cùng chung vui với các con chứ không phải nhân vật chính của buổi tiệc, năm nào cũng vậy.
>> Chê bánh trung thu đắt - sao nhiều người vẫn mua?
Không phủ nhận là hiện nay, trung thu với mỗi người lớn từ trung niên đổ lên đã không còn quá nhiều ý nghĩa như thời trước. Nhưng bản thân tôi - một người thuộc thế hệ cũ - vẫn luôn cảm thấy vui vẻ, hân hoan, vì những ngày này, bọn trẻ luôn hỏi tôi những câu như: "Bao giờ đến trung thu hả bố?". Có lẽ, tụi nhỏ cũng cảm thấy không khí hứng khởi, cũng thực sự vui mừng và háo hức đón trung thu, y hệt những gì tôi đã trải qua lúc trước vậy.
Tôi cũng đang lên kịch bản trong đầu để dẫn chương trình trung thu vào tuần sau. Dù đã quá tuổi 35, nhưng tôi vẫn đóng vai chú Cuội. Tại nơi tôi sinh sống, trung thu về cơ bản vẫn không có gì thay đổi, vẫn có rước đèn, rồi về sân chung để phá cỗ. Trước khi tổ chức, công đoàn công ty tôi hô hào anh em nhân viên mỗi người một việc, người chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, đèn; người lo chiếu, bày bánh kẹo; người dẫn chương trình, đóng kịch... Tất cả đều muốn lũ trẻ vui, đón một mùa trung thu thật ý nghĩa, chứ chẳng nghĩ đến những thứ xa vời.
Thế nên, dù đâu đó vẫn có người coi trung thu là dịp đề quà cáp, biếu xén, vụ lợi; dù vài loại bánh trung thu xa xỉ được đẩy giá lên hàng triệu đồng để phục vụ nhóm khách hàng này, thì tôi tin điều đó không thay đổi được giá trị của ngày lễ cổ truyền của dân tộc. Tôi và nhiều người xung quanh vẫn chọn những chiếc bánh bình dân, giá cả phải chăng để về phá cố, ăn bánh, uống trà với người thân, gia đình. Thế là trung thu vẫn tròn đầy như ánh trăng đêm Rằm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.