Bánh trung thu cổ truyền vốn là một phần không thể thiếu trong mỗi mùa Tết đoàn viên. Nhiều năm nay, bánh trung thu hiện đại lại liên tục chạy theo thị hiếu khách hàng với đủ vị, đủ chủng loại, kiểu dáng, màu sắc. Cũng do mải chạy theo thị hiếu, mà giá bánh trung thu ngày nay bị đẩy vượt quá giá trị thực, ngày càng trở nên đắt đỏ, màu mè, xa xỉ.
Nói về chuyện "ngáo giá" bánh trung thu, độc giả Long bức xúc: "Phải nói là bánh trung thu hàng Việt Nam quá đắt. Cả năm có một vụ nên người ta cứ mặc sức nâng giá bán. Kể cả mua nguyên liệu giá siêu thị cũng chẳng đến 15.000 đồng một cái. Làm thủ công bán giá 20.000 đồng là lãi được 10.000 đồng rồi, hàng nhà máy còn rẻ hơn vì nhập nguyên liệu số lượng lớn, có công nghệ, máy móc tự động. Vậy thử hỏi có vô lý không?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Quangdp nhận định: "Mấy năm nay nhà tôi không mua bánh trung thu, hầu hết được biếu mới ăn. Tôi thấy việc bỏ ra 60.000 - 80.000 đồng để mua một cái bánh trung thu khá đắt đỏ. Mức giá đó bằng hơn nửa kg thịt heo loại ngon. Đó là còn chưa tính đến những loại bánh được gọi là cao cấp với giá hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng một cái, mà trong nhân bánh lại có quá nhiều chất béo, ngọt, thực phẩm chế biến có thể gây hại cho sức khỏe".
"Bánh trung thu chay đang được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng một cái, bánh thập cẩm giá 70.000 - 80.000 đồng. Tôi không hiểu vì sao bánh lại được bán đắt như vậy nên quyết định không mua. Giờ trung thu, tôi thà mua đồ chơi vừa túi tiền cho trẻ con, chứ bánh mua về vừa đắt mà cũng không ai tha thiết ăn vì quá ngọt", độc giả Quangthiep nói thêm.
>> Tôi không cam chịu ăn bát phở giá 60.000 đồng chỉ vì lễ, Tết
Nói về câu chuyện giá bán bánh trung thu vượt quá giá trị thực, bạn đọc Doctor X phân tích: "Bánh trung thu được bán theo mùa nên nhiều nơi kinh doanh theo kiểu 'mua 1 tặng 4 vẫn lời'. Làm ăn theo kiểu mùa vụ, chộp giật như vậy là câu chuyện quen thuộc ở Việt Nam, không riêng gì với bánh trung thu. Nếu họ bán giá cạnh tranh hơn thì có lẽ người tiêu dùng đã mua ủng hộ từ đầu mà không chờ đến gần cuối vụ, hạ giá mới mua".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Godfather chia sẻ: "Tôi từng làm Giám sát kinh doanh cho một công ty bánh kẹo lớn. Mỗi mùa bánh trung thu, công ty chiết khấu 40% cho nhà phân phối, giá trị 60% còn lại vẫn đảm bảo cho công ty ít nhất lời 'một ăn một' (chưa nói có thể lời 2-3 lần). Ví dụ, cái bánh bán giá 50.000 đồng thì chi phí làm ra chỉ khoảng 15.000 đồng kể cả bao bì hộp đựng. Cuối cùng, người tiêu dùng mua cái bánh 50.000 nhưng không biết chi phí làm ra có được nổi 10.000 đồng không nữa?".
Nhấn mạnh sai lầm trong việc định giá bánh trung thu cao phi lý của các doanh nghiệp Việt, bạn đọc Messiah kết lại: "Vấn đề hiện nay là giá bánh trong nước đang cao gấp chín lần bánh nhập từ nước ngoài về. Tức là, nếu bạn có 30.000 đồng thì vẫn mua được năm cái bánh ngoại cho cả gia đình năm người, nhưng không thể mua nổi một cái cùng loại hàng trong nước. Các doanh nghiệp Việt cần xem lại cách định giá sản phẩm của mình, còn không thì bánh ngọai vẫn sẽ đè chết bánh nội".
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.